Theo đó, bệnh nhân Nguyễn Văn C. (SN 1993) ở xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), nghề nghiệp chủ yếu là đi rừng. Đây là trường hợp bệnh nhân sốt rét ngoại lai và chưa từng mắc sốt rét trước đó.
Trước khi khởi phát bệnh, từ ngày 17 - 31.8.2024, bệnh nhân đã có thời gian gần nửa tháng đi rừng tại Thái Lan. Khi về đến nhà vào đầu tháng 9, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sốt, rét run, vã mồ hôi, đau đầu và ho khan.
Ngày 24.9, bệnh nhân được người nhà đưa đến bệnh viện khám và nhập viện điều trị. Sau đó, CDC tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với Bệnh viện hữu nghị Việt Nam Nam - Cuba Đồng Hới lấy mẫu làm các xét nghiệm và phân loại chẩn đoán: Sốt rét thường. Bệnh nhân được theo dõi và điều trị thuốc sốt rét, sức khỏe đang dần ổn định.
Ngay khi phát hiện ca bệnh, CDC tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Bố Trạch giám sát các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân, đặc biệt là các thành viên của hộ gia đình và khu vực xung quanh nhà ở của bệnh nhân trong vòng 30 ngày kể từ ngày bệnh nhân khởi phát bệnh để chủ động, kịp thời xử lý không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Đơn vị cũng đã đã cử cán bộ phối hợp để điều tra dịch tễ và làm các xét nghiệm khẳng định.
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh không còn xuất hiện ổ dịch sốt rét nào, đã có 2 trên 8 huyện, thị xã, thành phố được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét. Tuy nhiên, bệnh sốt rét vẫn là mối đe dọa và có nguy cơ quay trở lại. Vì vậy, các cơ sở y tế, cũng như người dân cần nâng cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan trong phòng, chống bệnh sốt rét.
“Sốt rét là một bệnh truyền nhiễm, do ký sinh trùng Plasmodium gây nên và do muỗi Anophen truyền từ người bệnh (người có ký sinh trùng sốt rét) sang người lành. Mọi người đều có thể mắc bệnh sốt rét nếu sống hoặc có qua lại vùng rừng núi nơi có sốt rét lưu hành và bị muỗi Anophen đốt”, bác sĩ Huỳnh Công Hùng, Trưởng Khoa khám, điều trị lao, bệnh phổi và phòng, chống bệnh truyền nhiễm, CDC tỉnh Quảng Bình cho biết.