Quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP

- Chủ Nhật, 05/12/2021, 05:22 - Chia sẻ
Bắc Giang là địa phương có cách làm sáng tạo và thành công trong hoạt động tiêu thụ nông sản, đặc biệt trong đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, tỉnh đã 2 lần tổ chức thành công Hội nghị tiêu thụ vải sớm và vải thiều chính vụ bằng hình thức trực tuyến. Đầu tháng 11.2021, tỉnh đã phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ cam, bưởi và các nông sản chủ lực, đặc trưng được xếp hạng OCOP.
Các đại biểu tham quan gian hàng tại Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ cam, bưởi và các nông sản chủ lực, đặc trưng tỉnh Bắc Giang năm 2021
Nguồn: TTXVN

Chủ động triển khai

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang, ngay từ đầu năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP và giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang chủ trì. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông về chương trình để cán bộ, người dân, nhất là chủ thể sản xuất hiểu rõ lợi ích, tầm quan trọng, ý nghĩa và giá trị kinh tế tích cực tham gia thực hiện. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tập trung xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, giúp các chủ thể sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm nhà phân phối, mở rộng thị trường cũng như tiếp tục xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP.

Thực hiện chỉ đạo này, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP đạt kết quả tốt trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Bằng cách làm sáng tạo và qua các hội nghị xúc tiến thương mại, bên cạnh vải sớm được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, các nước châu Âu, các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu khác như: ổi lê Tân Yên, vú sữa Tân Yên, măng Lục Trúc, sâm Nam Núi Dành… cũng đã được kết nối để rộng đường vươn ra thị trường lớn.

Phát triển các sản phẩm OCOP đặc trưng

Với việc tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp trong thời gian qua, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" tiếp tục được thực hiện hiệu quả ở nhiều địa phương trong tỉnh, đơn cử như huyện Yên Thế đã đạt được kết quả khả quan. Cụ thể toàn huyện đã có 23 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, gồm 4 sản phẩm đạt 4 sao và 19 sản phẩm đạt 3 sao. Trong đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, chất lượng cung ứng cho các thị trường lớn như: gà đồi Yên Thế, giò gà, chả gà của HTX Nông nghiệp Xanh Yên Thế, chè xanh Bản Ven của HTX Thân Trường… Chương trình OCOP thực sự đã đi vào thực tế và mang lại hiệu quả thiết thực. Với những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, chương trình tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia đăng ký ý tưởng, phát triển và hoàn thiện sản phẩm để nâng cao giá trị. Đồng thời thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp lợi thế, đặc trưng thế mạnh. Đặc biệt, duy trì các sản phẩm OCOP đã được công nhận; nâng hạng và định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực, hướng đến chất lượng cao, sản xuất và tiêu thụ ổn định, bền vững, không dàn trải, làm theo phong trào.

Sản phẩm gà đồi Yên Thế đã quen thuộc với người tiêu dùng cả nước. Đến nay nhãn hiệu "Gà đồi Yên Thế" đã được bảo hộ sở hữu công nghiệp tại 3 nước là: Trung Quốc, Singapore, Lào. Ông Giáp Quý Cường, Giám đốc HTX nông nghiệp xanh Yên Thế chia sẻ: “Hiện tại HTX đã có 3 sản phẩm là Gà đóng gói hút chân không, chả gà và giò gà đạt OCOP 4 sao. Ngoài những sản phẩm trên, HTX cũng đang sản xuất một số sản phẩm khác từ gà như: Gà ủ muối hoa tiêu, xúc xích gà. Hướng tới năm 2022, HTX sẽ thi tiếp một số sản phẩm mới và sẽ nâng cấp lên 5 sao hai sản phẩm là chả gà và giò gà”.

Chủ tịch UBND huyện Tân Yên Nguyễn Viết Toàn cho biết, ổi lê có 263ha với sản lượng 6.500 tấn, vú sữa có 75ha với sản lượng trên 300 tấn, măng Lục Trúc có 50ha… Các sản phẩm này được công nhận đạt OCOP, là sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang. Sau 3 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay huyện Yên Dũng đã có 6 sản phẩm OCOP bao gồm: 2 sản phẩm đạt 4 sao (dưa lê và dưa baby) và 4 sản phẩm đạt 3 sao (dưa lưới, gạo thơm Yên Dũng, khoai tây Sao thần nông, dưa lê Hàn Quốc). Các sản phẩm này đã được huyện đầu tư xây dựng bao bì đẹp, có tem truy xuất và được hỗ trợ xây dựng điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP.

Văn Anh