Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 "Phục hồi và phát triển bền vững"

Quan trọng nhất là phân bổ vốn vào đâu, có hiệu quả hay không?

- Thứ Năm, 02/12/2021, 19:31 - Chia sẻ
“Chúng ta không sợ tăng trần nợ công. Quan trọng là sử dụng hiệu quả các gói hỗ trợ này như thế nào, đưa vào đâu, vì mục đích gì, hiệu quả ra sao mới là vấn đề quan trọng”, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh tại cuộc họp báo về Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 diễn ra chiều nay, 2.12 tại Nhà Quốc hội.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 với chủ đề "Phục hồi và phát triển bền vững" sẽ diễn ra vào ngày 5.12 tới do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì. Diễn đàn sẽ tập trung  thảo luận về một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam; phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế; “bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại buổi họp báo
Ảnh: Hồ Long

Tại họp báo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn đã thay mặt Ban Tổ chức Diễn đàn trả lời các câu hỏi của phóng viên về một số nội dung sẽ được tập trung thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 như: việc đưa ra các gợi ý về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, sự phối hợp giữa các chính sách nhằm hỗ trợ thực hiện Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội (đối tượng, phạm vi, quy mô…); định hướng cải cách thể chế; xây dựng một dự án luật để sửa nhiều luật nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp...

Về vấn đề các chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm hỗ trợ thực hiện Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, đây là một trong 5 nội dung dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường cuối năm nay vì trong 2 năm qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu, khiến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, các chuỗi cung ứng, cung - cầu nền kinh tế bị đứt gãy, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Trong thời gian qua Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách kịp thời để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Nhưng, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn phức tạp, theo việc có các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ tiếp theo để hỗ trợ khôi phục và phát triển kinh tế là rất cần thiết. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, đến thời điểm hiện tại, các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội chưa được Chính phủ trình cơ quan chủ trì thẩm tra (Ủy ban Kinh tế - PV). 

Với tinh thần chủ động tích cực, thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng cơ quan của Quốc hội và Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học để bàn về nội dung này. Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 cũng nằm trong các chuỗi các hoạt động để Lãnh đạo Quốc hội lắng nghe ý kiến của các chuyên gia đánh giá về các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ nhằm thực hiện hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Trước lo ngại việc triển khai gói các chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ nêu trên sẽ ảnh hưởng đến giới hạn nợ công, bội chi ngân sách, ổn định kinh tế vĩ mô... Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, trong bối cảnh đặc biệt thì phải có những chính sách đặc biệt. Các kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn, tài chính - ngân sách, cơ cấu nền kinh tế đã đưa ra các chỉ tiêu cụ thể về nợ công, bội chi ngân sách... Trong giới chuyên gia, nhiều ý kiến tán thành việc tăng bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, thậm chí có ý kiến cho rằng chỉ tăng mạnh trong 2 năm tới (mỗi năm tăng bội chi, nợ công tương ứng 1% GDP), với tinh thần phải thực hiện nhanh, tác động tích cực tới nền kinh tế. Với liều lượng tăng 1% GDP bội chi thì các mức an toàn về nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Bên cạnh ý kiến chuyên gia, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, tinh thần kết luận của Hội nghị Trung ương 4, Khóa XIII là cần kết hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ gắn với các kế hoạch vay - trả nợ công, đầu tư công, cơ cấu lại nền kinh tế… nhằm phục hồi kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cả phía cung và phía cầu, vào các ngành, lĩnh vực có mức độ lan tỏa.

Hiện nay việc xác định quy mô của các chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm hỗ trợ thực hiện Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội vẫn đang được tiến hành. Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 ngày 5.12 tới cũng sẽ tập trung thảo luận để đưa ra kiến nghị về quy mô các gói chính sách tài khóa, tiền tệ phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta và các mục tiêu đề ra. 

Ông Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, theo các chuyên gia, dư địa chính sách tài khóa của chúng ta còn nhiều so với chính sách tiền tệ. Về nguồn thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, nguồn vốn phải cân nhắc, trên cơ sở vay có khả năng trả nợ, đảm bảo tính khả thi và đáp ứng được khả năng hấp thụ của nền kinh tế. “Chúng ta không sợ tăng trần nợ công, tăng bội chi ngân sách. Quan trọng là sử dụng hiệu quả các gói hỗ trợ này như thế nào, đưa vào đâu, vì mục đích gì, hiệu quả ra sao mới là vấn đề quan trọng”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

P.Thủy