Ngày làm việc thứ tư, Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV

Quan trọng nhất là phải đúng người, đúng việc

- Thứ Bảy, 23/10/2021, 14:28 - Chia sẻ
Thảo luận tại Tổ sáng nay, các đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng, Sơn La, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Đắk Nông, Sóc Trăng, Kiên Giang đánh giá cao chất lượng chuẩn bị dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và cho rằng, đối với thi đua khen thưởng thì yêu cầu quan trọng nhất là phải đúng người, đúng việc. Do đó, phải đưa ra những tiêu chí hết sức cụ thể, làm cơ sở cho việc sàng lọc, xét tuyển thi đua, khen thưởng chính xác, thực chất.

Tổ chức thực hiện còn nhiều vướng mắc

ĐBQH Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) phát biểu
Ảnh: Lâm Hiển

Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) có tác động rất lớn nhưng cũng rất khó và nhạy cảm. “Nếu sửa đổi không tốt thì sẽ phản tác dụng”. Nhấn mạnh điều này, ĐBQH Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) cũng đánh giá cao chất lượng chuẩn bị dự án Luật và cho rằng, khâu tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng vừa qua còn nhiều điểm vướng, “nhiều khi ngay từ thủ tục xét thưởng thi đua được các bộ ban hành để cụ thể hóa quy định của luật đã làm mất tính thi đua rồi”. Đối với thi đua, theo ĐB Nguyễn Chu Hồi, quan trọng nhất là phải đúng người, đúng việc. “Đúng người tức là phân loại, nhận diện đối tượng phải chuẩn. Đúng việc là việc ai làm thì phải khen thưởng cho người đó. Tôi cũng mấy chục năm làm lãnh đạo các cơ quan thì thấy anh em nhân viên được khen thưởng ít lắm”. Nêu ví dụ khen thưởng trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đại biểu TP. Hải Phòng cho biết, vấn đề rất phức tạp là quyền tác giả. “Khi đăng ký thì chỉ được đăng ký không quá 10 người nhưng một báo cáo khi lưu trữ ở Bộ Khoa học và Công nghệ (nếu là đề tài cấp Nhà nước) thì có đến 16 tác giả. Do đó, phải quy định lại những vấn đề này”. Cùng với đó phải đưa ra những tiêu chí hết sức cụ thể thì mới sàng lọc được làm cho công tác xét tuyển thi đua được chính xác, thực chất để phát huy tác dụng, đúng với bản chất của thi đua, tạo tác động tích cực.

Có cùng quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, việc thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Thực tế cũng cho thấy nhiều trường hợp được khen thưởng nhưng chưa thực sự tiêu biểu, nhiều trường hợp thực sự tiêu biểu thì lại chưa được khen thưởng. Tuy nhiên, nguyên nhân của tình trạng này, theo ĐB Nguyễn Thị Thủy không phải do quy định của luật mà chủ yếu do tổ chức thực hiện, liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, bộ, ngành, địa phương. Do đó, cần tiếp tục rà soát, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu để tạo chuyển biến tích cực hơn trong công tác thi đua, khen thưởng.

Cống hiến là phải giữ chức vụ, quyền hạn? 

ĐBQH Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) phát biểu
Ảnh: Lâm Hiển

Về tiêu chuẩn, điều kiện để tặng thưởng huân chương, ĐBQH Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) nêu rõ, đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Trên thực tế, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003 đã giao Chính phủ quy định cụ thể về niên hạn, thực ra đây là quá trình cống hiến. Mặc dù trong tinh thần của Luật không có quy định nào về việc cống hiến là phải giữ chức vụ, quyền hạn nhưng khi Chính phủ ban hành các Nghị định thì lại theo hướng phải giữ chức vụ, quyền hạn trong thời hạn nhất định. Ví dụ, huân chương lao động hạng 3 thì chủ yếu từ cấp Phó Vụ trưởng trở lên, hạng 2 thì từ Vụ trưởng trở lên và có thời hạn tương đối dài trung bình từ 5-10 năm. Hay với Huân chương đại đoàn kết dân tộc, Luật hiện hành không giao Chính phủ quy định nhưng theo Nghị định 91/2017 thì điều kiện là phải có công lao, thành tích và phải giữ chức vụ, quyền hạn trong thời hạn bao nhiêu năm, ví dụ cấp Trung ương là phải từ cấp Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam trở lên, với đoàn thể thì là Trưởng các ban Đảng, ban của MTTQ… Như vậy, vô hình trung chúng ta đã hạn chế hoàn toàn những người có thời gian cống hiến, có thành tích, có công lao trong sự nghiệp đại đoàn kết nhưng không giữ chức vụ, quyền hạn được tặng thưởng Huân chương này. Trong khi đó, dự thảo Nghị định kèm theo dự thảo Luật lần này lại không đề cập đến Huân chương đại đoàn kết dân tộc. Vậy tới đây có thực hiện tiếp việc trao tặng huân chương đại đoàn kết dân tộc hay không?

Bên cạnh đó, ông Lê Thanh Hoàn cũng bày tỏ đồng tình với quy định về “huy chương chiến sỹ vẻ vang” và cho rằng, quy định trong dự thảo Luật lần này đã tiếp thu rất nhiều ý kiến của cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hoàn thiện hơn rất nhiều so với dự thảo ban đầu. Cụ thể, dự thảo ban đầu chỉ quy định rất đơn giản về huy chương chiến sỹ vẻ vang và giao hoàn toàn cho Chính phủ quy định chi tiết. Nhưng dự thảo Luật lần này đã quy định tương đối rõ. Với dự kiến sẽ có khoảng 450 nghìn thanh niên xung phong được nhận huy chương này, ông Hoàn cho rằng, ở đây không nên đặt nặng vấn đề “thưởng” mà là vấn đề “khen”. Điều này cũng không chỉ vì bản thân người thanh niên xung phong được khen mà còn là niềm tự hào cho gia đình và nêu gương cho thế hệ sau nhìn vào sự cống hiến của họ. Năm 2017 Ban Bí thư cũng đã đồng ý và nêu rất rõ về hình thức khen thưởng này, do đó, việc quy định trong luật cũng là phù hợp.

Quỳnh Chi