Quan trọng là xây “tổ” đẹp

- Chủ Nhật, 21/02/2021, 06:13 - Chia sẻ
Các địa phương luôn nói xây dựng một môi trường kinh doanh năng động, cởi mở để lôi kéo "đại bàng" (doanh nghiệp lớn) về làm "tổ". Nhưng không nên chỉ chú trọng lôi kéo "đại bàng", mà trước hết cần hình dung hết sức rõ ràng về những chiếc “tổ”. Đây là nhấn mạnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Phú Yên về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng ngày hôm qua (20.2).

Làm thế nào để hút “đại bàng” về làm tổ là vấn đề gần đây được nhắc đến nhiều trong các cuộc làm việc của lãnh đạo địa phương với các nhà đầu tư. Và đặc biệt người đứng đầu Chính phủ đã từng nhiều lần nhấn mạnh điều này để nói về cơ chế thu hút đầu tư của các doanh nghiệp lớn.

Không chỉ có nhiều tiềm năng thế mạnh về tài nguyên, thiên nhiên, thành tích khống chế dịch Covid-19 cũng góp phần thu hút những dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đặc biệt, với việc Quốc hội thông qua Hiệp định EVFTA cũng tạo thêm cú hích cho Việt Nam thu hút dòng vốn FDI. Cùng với đó, những chính sách ưu đãi đã trở thành một trong những “điểm cộng” trong thu hút đầu tư của Việt Nam thời gian qua.

Phải “hình dung rõ ràng về những chiếc tổ”, phải tạo được những “tổ” đẹp đương nhiên sẽ thu hút được các doanh nghiệp lớn. Đây không còn là câu chuyện ở riêng Phú Yên mà các doanh nghiệp đều mong muốn có được ở các địa phương trước khi quyết định đầu tư.  

Khi làn sóng thu hút đầu tư mở ra, địa phương nào cũng muốn rước được “đại bàng” về làm “tổ” để góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương mình. Nhưng việc thu hút được “đại bàng” lại không phải là một việc dễ. Bởi muốn có được “tổ đại bàng” đẹp rất cần kiến tạo bằng nhiều yếu tố, trong đó có sự đổi mới tư duy của người đứng đầu và hành động quyết liệt của chính quyền vì doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, cùng một cơ chế chính sách nhưng không phải địa phương nào cũng hái được “quả ngọt” trong thu hút đầu tư. Ngoài cơ chế chính sách ưu đãi thu hút, rất cần sự thông thoáng trong các thủ tục hành chính, rất cần thái độ mang tính phục vụ của cán bộ, công chức trong thực hiện các thủ tục của doanh nghiệp khi đầu tư vào địa phương.

Đơn cử Đà Nẵng, được đánh giá là một trong những địa phương hút được đầu tư thì cũng từng bị doanh nghiệp phàn nàn bởi vẫn vướng bởi rào cản vô hình. Tại hội nghị tổng kết hoạt động thu hút đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 do UBND TP Đà Nẵng tổ chức mới đây, đại diện Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc tại Đà Nẵng (KOTRA Đà Nẵng) cho biết, sau Covid-19, điều nhà đầu tư quan tâm hàng đầu không còn là tối đa lợi nhuận mà là môi trường đầu tư ổn định. Thời gian qua, Việt Nam và Đà Nẵng đã xây dựng hình ảnh ổn định về kiểm soát dịch bệnh, mang lại cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài với nhiều điều kiện hấp dẫn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết trong quá trình đầu tư vào Đà Nẵng thời gian qua gặp phải một số rào cản vô hình gây chậm trễ tiến độ. Tổn thất về thời gian và chi phí, gây hại đến môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời đề nghị chính quyền thành phố giảm bớt thời gian xử lý các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư và phối hợp chặt chẽ cùng nhà đầu tư để bảo đảm hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp…

Vấn đề rào cản vô hình là một thực trạng mà không ít nhà đầu tư đang phải đối diện. Đó cũng là hậu quả của các rào cản thủ tục hành chính như “mê cung” chưa được cắt giảm triệt để đã bị cán bộ, công chức lợi dụng để làm khó nhà đầu tư. Không ít doanh nghiệp đã phải “chi phí gầm bàn” bởi những cán bộ, công chức nhũng nhiễu tiêu cực. Rào cản vô hình này đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của môi trường đầu tư, cần phải được xóa bỏ.

Để thu hút đầu tư, ngoài điều kiện tự nhiên thuận lợi, rất cần cơ chế pháp lý đủ chặt chẽ nhưng vẫn bảo đảm thông thoáng để bảo vệ nhà đầu tư, rất cần một đội ngũ cán bộ, công chức đủ “sạch” để không nhũng nhiễu. “Tổ” đẹp, ắt hẳn “đại bàng” sẽ tự tìm đến.

Lê Hùng