Triển khai bệnh án điện tử

Thay đổi thói quen, nhận thức

- Chủ Nhật, 10/01/2021, 03:36 - Chia sẻ
Với bệnh án điện tử, mỗi người dân sẽ có mã số quản lý riêng được lưu trữ trong hồ sơ bệnh án của bệnh viện, giúp các bác sĩ nắm được đầy đủ thông tin cá nhân, tình hình sức khỏe, tiền sử bệnh tật để chủ động trong khám, chữa bệnh. Lợi ích là vậy, song đến nay, mới chỉ có 10 bệnh viện và 1 phòng khám triển khai được bệnh án điện tử. Đây là con số rất khiêm tốn so với tổng số bệnh viện của cả nước.

Từ thí điểm tới nhân rộng

Theo Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế Trần Quý Tường, giai đoạn 2014 - 2016, Bộ Y tế đã phê duyệt dự án triển khai thí điểm bệnh án điện tử tại 6 bệnh viện, gồm Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh và Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Ngày 28.12.2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 46/2018/TT-BYT quy định hồ sơ bệnh án điện tử, khi đó, một số cơ sở khám, chữa bệnh và Sở Y tế đã quan tâm xây dựng kế hoạch triển khai bệnh án điện tử tại đơn vị.

Đến nay, mới chỉ có 10 bệnh viện và 1 phòng khám triển khai thành công bệnh án điện tử
Nguồn: ITN

Đến hết năm 2020, cả nước có 10 bệnh viện và 1 phòng khám triển khai thành công bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy. Bao gồm: Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, Bệnh viện Đa khoa TP Vinh, Bệnh viện Đa khoa khu vực An Giang, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh (Đồng Nai), Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi (Nghệ An), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện Đa khoa Bãi cháy (Quảng Ninh), Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp, Phòng khám Đa khoa Anh Quất (Bắc Giang).

Là một trong những bệnh viện triển khai thành công bệnh án điện tử, đại diện Bệnh viện Đa khoa khu vực An Giang cho biết, với hồ sơ giấy, mọi thông tin khám, chẩn đoán, chữa trị của bệnh nhân trong một đợt điều trị được ghi chép bằng tay rất mất thời gian, tình trạng sai lệch thông tin dễ xảy ra. Trong khi đó, hệ thống phần mềm bệnh án điện tử được sử dụng thống nhất, liên kết với tất cả khoa phòng trong bệnh viện, bệnh nhân được quản lý bằng mã số. Thông tin về tất cả các lần khám, chữa bệnh của bệnh nhân đều được số hóa, lưu trữ một cách khoa học và sử dụng đơn thuốc điện tử, góp phần giảm thiểu sai sót y khoa (do nhập lại, do chữ viết tay…). Việc đưa hồ sơ bệnh án điện tử vào hoạt động cũng giảm thiểu thời gian chờ đợi và giảm thủ tục rườm rà cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. 

Được thành lập từ năm 1994, từ bệnh viện tuyến huyện nay đã trở thành bệnh viện hạng 1, ngay từ năm 2007, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đã triển khai phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện và đến năm 2016, toàn bộ các bệnh án và kết quả cận lâm sàng đã được số hóa. 

“Để triển khai bệnh án điện tử, thời gian qua, bệnh viện đã đầu tư mới nhiều trang thiết bị, trang bị hệ thống mạng, máy chủ và hàng trăm máy tính; duy trì hoạt động của hệ thống 24/24. Hệ thống thông tin hoạt động xuyên suốt trong toàn bệnh viện giúp việc quản trị cơ sở dữ liệu tập trung nhất quán, đồng bộ; giúp thông tin trao đổi giữa các khoa/phòng được truyền tải nhanh chóng, chính xác. Đồng thời, giúp Ban giám đốc điều hành bệnh viện kiểm soát được chất lượng điều trị, tăng hiệu quả về mặt quản lý, từ đó nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, các dịch vụ y tế” - đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên nhấn mạnh.

Thông tư số 46/2018/TT-BYT đã đề ra lộ trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn từ năm 2019 - 2023, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Giai đoạn từ năm 2024 - 2028, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa triển khai được hồ sơ bệnh án điện tử thì phải có văn bản báo cáo cơ quan quản lý cấp trên nhưng phải hoàn thành triển khai được hồ sơ bệnh án điện tử trước ngày 31.12.2030.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai

Mặc dù bệnh án điện tử đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và các cơ sở y tế nhưng với số lượng cơ sở y tế triển khai thành công còn rất khiêm tốn. Theo Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Nguyễn Trường Nam, các bệnh viện xưa nay vẫn thực hiện theo một quy trình khám, chữa bệnh cố định, theo thói quen, truyền thống. Khi bệnh án điện tử đi vào bệnh viện, mọi hoạt động, quy trình của bệnh viện đều bị tác động. Bên cạnh đó, áp lực tự chủ bệnh viện cùng việc bảo đảm tốt công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân đã khiến không ít bệnh viện có tâm lý dè dặt; thực hiện bệnh án điện tử chỉ để thăm dò. Điều này khiến tốc độ triển khai bệnh án điện tử bị chậm.

Chia sẻ về những vướng mắc khi triển khai bệnh án điện tử, đại diện Bệnh viện Nhi Thanh Hoá cũng cho hay, triển khai bệnh án điện tử là một công việc rất phức tạp, khó dự đoán chính xác khi nào có thể triển khai xong. Bên cạnh đó, đây là hạng mục tốn kinh phí đáng kể, trong khi các dịch vụ y tế hiện tại chưa có cấu thành chi phí công nghệ thông tin trong giá dịch vụ, do đó, bệnh viện gặp khó khăn trong việc bố trí ngân sách. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng gặp vướng mắc ở giai đoạn “đã triển khai chữ ký số" nhưng chưa đạt đủ các điều kiện theo Thông tư số 46/2018/TT-BYT. Điều này đã khiến bệnh viện vừa phải ký số, lại phải ký tươi gần chữ ký số, khiến cán bộ y tế rất vất vả.

Tương tự, lãnh đạo Bệnh viện Than - Khoáng sản cho biết, việc cập nhật thông tin bệnh nhân trên máy tính, bệnh viện đã thực hiện nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thành công trong việc thay thế hoàn toàn bệnh án giấy bằng bệnh án điện tử, phải thực hiện song song cả hai. Để có thể nhập được tất cả thông tin bệnh án giấy như thăm khám, xét nghiệm, thuốc điều trị, nằm viện, ra viện, sử dụng dịch vụ, trang thiết bị... lên máy tính, cần phải có khối lượng máy tính lớn. Hiện nay, trong bối cảnh phải tự chủ tài chính thì đây là khó khăn chung của các bệnh viện.

Còn với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, ngay sau khi Thông tư số 46/2018/TT-BYT có hiệu lực, giám đốc bệnh viện đã thành lập hội đồng chuyên môn có chức năng tư vấn cho Giám đốc quyết định việc sử dụng và lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử thay cho hồ sơ bệnh án giấy; lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế thay cho in phim và lưu trữ thông tin xét nghiệm thay cho việc in giấy. 

“Mặc dù vậy, tại bệnh viện vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin nên chưa thay đổi được thói quen làm việc thủ công, chưa chủ động học tập và trau dồi nâng cao kỹ năng, ứng dụng công nghệ thông tin” - đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn chỉ rõ.

Theo Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Trần Quý Tường, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử làm thay đổi thói quen, nền nếp làm việc từ ghi chép bằng tay trên giấy sang sử dụng máy tính, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo và sự hưởng ứng tham gia tích cực của tất cả nhân viên bệnh viện. Yếu tố tiên quyết để triển khai thành công bệnh án điện tử là quyết tâm của ban lãnh đạo; quyết tâm này phải được lan tỏa từ ban giám đốc đến các lãnh đạo các khoa, phòng.

Đỗ Quyên