Hồi sinh sông Tô Lịch:

Quan trọng là phải tạo được dòng chảy

- Thứ Bảy, 16/01/2021, 18:41 - Chia sẻ
Sông Tô Lịch từng là một nhánh nhỏ của sông Hồng, thông thủy với Hồ Tây. Năm 1889 người Pháp lấp một phần sông Tô Lịch để thực hiện quy hoạch. Hiện sông có chiều dài khoảng 14km nhưng có tới hơn 280 cửa xả, "hứng" 150.000m3 nước thải chưa qua xử lý mỗi ngày. Vậy nên không có gì là khó hiểu khi sông Tô là sông chết cả về nghĩa đen và nghĩa bóng.

Có hai phương án lấy nước sông Hồng bổ cập cho sông Tô Lịch đang được đề xuất với thành phố. Cụ thể, Công ty thoát nước Hà Nội kiến nghị lấy nước từ sông Hồng qua hệ thống máy binơm và đường ống áp lực để bơm vào hồ Tây. Đến khi đạt mực nước cần thiết sẽ cho mở các cửa xả ra sông Tô Lịch để pha loãng và làm sạch nước sông.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội thì đề xuất phương án bổ cập nước qua cống Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm. Phương án này không cần phải bơm nước qua hồ Tây.

Hiện TP Hà Nội đang nỗ lực tìm cách để hồi sinh sông Tô Lịch. Có điều, chưa có phương án hoàn hảo. Các phương án đưa ra đều có những điểm khả thi và chưa khả thi. Mới đây nhất, các đơn vị liên quan tiếp tục đề xuất thành phố bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch qua cống Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm. Đề xuất này không phải là mới vì trước đây đã có ý kiến nêu phương án bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch qua Hồ Tây.

Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội - đơn vị đề xuất phương án này lý giải: Trên tuyến dẫn nước đề xuất có một số công trình đã được xây dựng theo các quy hoạch chuyên ngành. Do đó, nếu thành phố chọn phương án bổ cập nước qua cống Liên Mạc sẽ phù hợp với quy hoạch, không phải lập thêm dự án mới. Bên cạnh đó, Ban quản lý sẽ dựa vào dự án thoát nước khu vực sông Tả Nhuệ để thực hiện thêm một số hạng mục để bổ cập nước cho sông Tô Lịch...

Trước đề xuất này, nhiều chuyên gia bày tỏ quan điểm tán thành, tuy nhiên việc triển khai không đơn giản và phải có sự tham gia của nhiều bộ, ngành mới bảo đảm khả thi. Cụ thể, muốn lấy nước từ sông Hồng bổ trợ cho sông Tô Lịch phải lập quy hoạch, trong đó tính toán nhu cầu nước là bao nhiêu, lấy vào thời điểm nào và phải bảo đảm không ảnh hưởng đến phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sau khi có quy hoạch, mới tính đến việc chọn phương án nào khả thi, phương án nào giá thành hợp lý thì triển khai...

Một chuyên gia khác thì cho rằng, lượng nước trong các sông nội đô hiện nay chủ yếu từ hệ thống cống thải, do đó nước rất ít và gần như không có dòng chảy. Hiện TP Hà Nội đang xây dựng hệ thống cống dọc sông Tô Lịch để gom nước thải về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, sau đó một phần nước thải đã qua xử lý sẽ bổ cập lại cho dòng sông thế nhưng lượng nước này chưa đủ nên vẫn cần dẫn nước từ sông Hồng bổ cập cho sông Tô Lịch.

Hồi sinh sông Tô Lịch là mong mỏi không chỉ của người dân Thủ đô và một giải pháp đơn lẻ sẽ khó thực hiện được. Thế nhưng dù theo phương án nào thì yếu tố đặc biệt quan trọng là tạo dòng chảy phải được giải quyết. Bởi không có dòng chảy thì không thể gọi là sông. Ngoài ra, hàng loạt yếu tố khác cũng phải được xử lý, ví dụ như nạo vét lòng sông, thu gom, xử lý nước thải, không để nước thải chưa qua xử lý xả thẳng xuống sông như hiện nay.

Ninh Khương