Quan trọng là năng lực hấp thụ!

- Thứ Tư, 08/12/2021, 06:15 - Chia sẻ
Việt Nam cần có gói chính sách tài khóa và tiền tệ đủ lớn, đủ rộng và đủ dài để hỗ trợ thực hiện Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội, giúp doanh nghiệp, người dân phục hồi sau dịch bệnh và gia cố năng lực để chống đỡ với những đợt dịch mới có thể khốc liệt hơn. Nếu thiếu gói hỗ trợ tầm cỡ như vậy, rất có thể kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào một thời kỳ trì trệ lâu dài, đánh mất nhiều lợi thế và cơ hội vươn tới các mục tiêu phát triển đã đề ra. Đó là tiếng nói chung của các chuyên gia tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021.

Vấn đề được quan tâm hiện nay là quy mô gói hỗ trợ này đến đâu mới “đủ lớn”? Theo tính toán của TS. Đinh Trường Hinh, người từng là chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Washington DC (Hoa Kỳ), Việt Nam mới chi khoảng 1,4% GDP cho các biện pháp có tác động đến ngân sách. Còn tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam vừa qua, nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Kinh tế và các chuyên gia đề xuất gói hỗ trợ phục hồi có quy mô danh nghĩa gần 844 nghìn tỷ đồng, trong đó thực chi gần 446 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,5% GDP năm 2021. Trong khi đó, theo tính toán của nhóm chuyên gia Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, quy mô chương trình tổng thể phục hồi kinh tế có thể cao hơn, tương đương 6 - 8% GDP 2020.

Bơm bao nhiêu tiền vào nền kinh tế, huy động ở đâu, chi tiêu vào đâu thực sự là những bài toán khó! Nhưng có một bài toán khác khó không kém, thậm chí việc tìm được lời giải còn quan trọng hơn vì sẽ quyết định thành công, thất bại của chương trình phục hồi kinh tế, đó chính là khả năng hấp thụ gói hỗ trợ này đến đâu? Liệu các đối tượng thụ hưởng có tiếp nhận được và sử dụng các nguồn lực hỗ trợ một cách hiệu quả, kịp thời và đúng mục tiêu đề ra hay không?

Nhìn lại 2 năm qua, rất nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc chống chọi với đại dịch Covid-19 và duy trì hoạt động xã hội, sản xuất đã được ban hành, thực thi. Không ít chính sách đã có tác động lớn, tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội, được doanh nghiệp, người dân đánh giá cao. Bên cạnh đó, cũng có những chính sách tốt nhưng không được tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời hoặc đối tượng thụ hưởng khó tiếp cận do gặp phải rào cản về thủ tục, về cơ chế thực hiện.

Một ví dụ khác, thúc đẩy đầu tư công được coi là giải pháp quan trọng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh nhưng kết quả giải ngân năm nay rất thấp, mặc dù Chính phủ và người đứng đầu liên tục đốc thúc, giục giã. Vậy thì, với đề xuất tăng đầu tư cơ sở hạ tầng hàng trăm nghìn tỷ đồng trong vài năm tới để thúc đẩy phục hồi nền kinh tế, không quá khó để hình dung về năng lực hấp thụ - thể hiện qua tiến độ và chất lượng giải ngân - sẽ như thế nào! Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, bỏ ra 100 đồng vốn đầu tư thì chỉ có 80 đồng đến được với sản xuất. Điều đó có nghĩa khả năng hấp thụ vốn đầu tư của nước ta đang "có vấn đề" và không hoàn toàn tốt!

Thực tế này cho thấy, một yếu tố quan trọng cần cân nhắc, tính toán thận trọng trong thiết kế gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế chính là năng lực hấp thụ, thay vì chỉ nhìn vào những con số. Có như vậy, gói hỗ trợ mới đạt được hiệu quả mong muốn, thực sự trợ giúp hữu hiệu cho doanh nghiệp và người dân; đồng thời tránh được, giảm được các tác dụng “phụ” tiêu cực như lạm phát phi mã, bong bóng bất động sản, bong bóng chứng khoán… để đưa nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững. 

Hà Lan