Quản trị địa phương và sự tham gia của nhân dân
Chính quyền địa phương là những thiết chế hoặc pháp nhân đặc biệt cung cấp những dịch vụ được xác định rõ trong một lãnh thổ địa lý - hành chính tương đối nhỏ.
Ở nhiều nước, thuật ngữ quản trị nhà nước tốt đã thâm nhập vào chính quyền địa phương. Vì vậy, gắn với chính quyền địa phương có quản trị địa phương (local governance) là một khái niệm rộng hơn. Theo đó, cần phải xây dựng các hệ thống nguyên tắc để định hình hệ thống chính quyền địa phương hiệu quả, mang tính đại diện, hiểu biết và được sự ủng hộ của dân. Quản trị địa phương do đó được hiểu là sự tham gia, hướng tới sự đồng thuận, trách nhiệm giải trình, minh bạch, hiệu quả, hiệu năng, phản ứng nhanh, công bằng, quan tâm đến tất cả các đối tượng và tuân thủ pháp luật.
![]() Phòng họp của Hội đồng thành phố Richmond, Mỹ |
Quản trị địa phương bao gồm những thiết chế chính quyền và cả những thiết chế phi chính thức ở tầm địa phương như: các quy phạm xã hội, các mạng lưới xã hội, các tổ chức cộng đồng…, khuôn khổ cho các mối tương tác giữa công dân và công dân, công dân – nhà nước, cơ chế ra quyết định, cung cấp dịch vụ ở cấp địa phương. Quản trị địa phương hướng đến bảo đảm cuộc sống và tự do của cư dân, tạo khoảng không cho sự tham gia một cách dân chủ, đối thoại công dân, sự phát triển bền vững về kinh tế và môi trường. Quan niệm rộng mở hơn này là cơ sở để xây dựng một nền quản trị địa phương phản ứng nhanh nhạy trước những đòi hỏi của người dân, hoạt động tốt hơn nhưng với chi phí ít hơn, và chịu trách nhiệm giải trình trước người dân.
Các nhà nghiên cứu trên thế giới có chung một nhận định là các thể chế này có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế trên phạm vi quốc gia cũng như tại từng địa phương. Chẳng hạn, đối với sự phát triển của doanh nghiệp, ở Nga, các doanh nghiệp khởi nghiệp nhiều hơn ở những địa phương có sự ủng hộ, hỗ trợ mạnh mẽ cụ thể của chính quyền. Còn ở Mexico, các công ty lớn hầu như tập trung ở những vùng miền có nền quản trị công hiệu quả. Như vậy, quản trị địa phương tốt sẽ khiến địa phương đó trở thành “miền đất lành” đối với các doanh nghiệp.
Một câu hỏi rất quan trọng đang được bàn luận nhiều, đó là sự tham gia, tiếng nói của người dân như thế nào? Người dân được lợi gì? Đúc kết thực tiễn trên thế giới, các chuyên gia cho rằng, bảo đảm sự tham gia thực chất của người dân, hướng tới quyền lợi của người dân là một trong những yếu tố của một nền quản trị địa phương tốt. Như vậy, mô hình chính quyền địa phương không chỉ có hình dáng chính quyền với những quyền hạn, nhiệm vụ, dịch vụ cần cung cấp, mà cần đặt trong khung cảnh rộng hơn của nền quản trị địa phương hướng tới bảo đảm cuộc sống và tự do của cư dân địa phương, khoảng không gian dân chủ để người dân tham gia vào việc công, đối thoại với chính quyền, sự phát triển bền vững của địa phương, chất lượng cuộc sống của cư dân.
Các nhóm dân cư đang ngày càng được các hội đồng địa phương thu hút như một kênh để tìm hiểu các vấn đề của địa phương và giúp cộng đồng đóng góp vào việc xây dựng các chính sách của hội đồng và là một phần của quá trình ra quyết định. Chẳng hạn, công khai quy trình ngân sách, thu hút sự tham gia của cộng đồng vào việc xây dựng ngân sách địa phương.