Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê

Quan tâm xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê chất lượng

- Chủ Nhật, 12/09/2021, 06:27 - Chia sẻ
Tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê dự kiến sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào tuần tới, các chỉ tiêu liên quan đến kinh tế số, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin chiếm gần 50% số chỉ tiêu được bổ sung. Đây là nỗ lực lớn, nhưng theo các chuyên gia tham dự Hội thảo góp ý với dự án Luật, do Ủy ban Kinh tế và Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức, cần hướng đến xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê về kinh tế số, chuyển đổi số chất lượng, theo sát tiêu chuẩn quốc tế, thay vì chạy theo số lượng chỉ tiêu được bổ sung.

Nhiều chỉ tiêu thống kê chưa hẳn đã tốt

Các chỉ tiêu được bổ sung, sửa đổi tại Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia tại Luật Thống kê lần này nhằm phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ được ban hành trong thời gian gần đây, như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, cũng như phù hợp với các cam kết quốc tế Việt Nam đã tham gia. Trong đó, các chuyên gia tham dự Hội thảo đánh giá cao việc các chỉ tiêu liên quan đến kinh tế số, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin (kinh tế số, chuyển đổi số) chiếm gần 50% số chỉ tiêu được bổ sung lần này, cho thấy sự nghiêm túc và trách nhiệm của cơ quan chức năng.

Tiến sĩ Trần Văn Duy, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phân tích, đây là những lĩnh vực thống kê mới, có nội hàm tương đối rộng, khi xã hội tiếp tục dần bước sang giai đoạn mới thì nội hàm của khái niệm kinh tế số, chuyển đổi số sẽ được mở rộng hơn. Kinh nghiệm một số quốc gia cũng cho thấy, khi xây dựng nhóm chỉ tiêu thống kê đều tuân thủ các nguyên tắc cơ bản, bảo đảm mỗi chỉ tiêu đưa vào đều mang tính khoa học, toàn diện, phù hợp với sự phát triển của Cách mạng Công nghiệp 4.0 và kinh tế số, có thể so sánh quốc tế. “Khi đưa ra chỉ tiêu thống kê, cơ quan chức năng sẽ phải chỉ rõ khái niệm, phương pháp tính, kỳ công bố, nguồn số liệu, phân công thực hiện...”, Tiến sĩ Trần Văn Duy lưu ý.

Ở góc độ khác, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đặt vấn đề, số lượng các chỉ tiêu thống kê về kinh tế số, chuyển đổi số nhiều quá cũng dở, ít quá cũng không được, đòi hỏi cơ quan chủ trì soạn thảo cần đào sâu nghiên cứu, tìm được điểm trung hòa tối ưu. Lấy ví dụ từ Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nêu rõ, Bộ chỉ tiêu này đang có quá nhiều chỉ số thành phần (với 108 chỉ số thành phần và 306 tiêu chí), trong khi phương pháp tính giá trị của các chỉ số chưa được giải thích rõ, nhiều chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, ngành còn định tính, khó nhất quán áp dụng.

Các đại biểu trao đổi về dự thảo Luật

Ảnh: Thanh Hải

Tham khảo phương pháp chuẩn mực trên thế giới

Dẫn bài học kinh nghiệm từ Hàn Quốc, Trung Quốc khi xây dựng Nhóm chỉ tiêu về kinh tế số, chuyển đổi số, Tiến sĩ Trần Văn Duy cho biết, các quốc gia đều tiến hành phân loại nền kinh tế số dựa trên phương pháp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Cục Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ (BEA), qua đó thiết lập phân loại Nhóm chỉ tiêu thống kê kinh tế số có thể so sánh quốc tế.

Tiến sĩ Trần Văn Duy cũng cho biết, khi Hàn Quốc rà soát lần thứ hai Nhóm chỉ tiêu phản ánh chuyển đổi số, kinh tế số trong Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia vào năm 2015 đã đưa vào một số chỉ tiêu như: Tỷ lệ chuyển đổi kỹ thuật số trong đầu tư phát triển hạ tầng chuyển đổi số, kinh tế số; tỷ lệ người dân/doanh nghiệp/tổ chức xã hội dân sự hiểu và thực hiện phát triển kinh tế - xã hội dưới tác động của chuyển đổi kỹ thuật số; thước đo về hạnh phúc trong quá trình sử dụng, thụ hưởng thành tựu công nghệ số...

Bên cạnh việc áp dụng phương pháp chuẩn mực quốc tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, để tăng tính khả thi cần phân đoạn việc xác định quy mô nền kinh tế số, chuyển đổi số. Cụ thể, trong giai đoạn 1 (2021 - 2025), có thể kết hợp giữa định nghĩa của OECD, G20, IMF và Google, Temasek và Bain & Company và Quyết định 749/QĐ-TTg để xác định quy mô nền kinh tế số của Việt Nam theo phạm vi tương đối hẹp (bao gồm ngành công nghệ thông tin, truyền thông, thương mại điện tử và 8 lĩnh vực, ngành ưu tiên chuyển đổi số, các ứng dụng, nền tảng số, một bộ phận của kinh tế chia sẻ, kinh tế gắn kết linh hoạt có thể đo lường được). Trong giai đoạn 2 (từ năm 2026) sẽ bổ sung các ngành ưu tiên, các nền tảng số, kinh tế chia sẻ và kinh tế gắn kết linh hoạt trên cơ sở hoàn thiện hơn về số liệu thống kê và khả năng đo lường.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực cũng đề nghị, cần tham khảo phương pháp luận của IMF, OECD và kinh nghiệm của Trung Quốc trong đo lường quy mô kinh tế số theo hướng sử dụng giá trị gia tăng thay vì doanh thu của các lĩnh vực, ngành nghề, để khắc phục tình trạng trùng lặp và chưa trừ đi chi phí. Đồng thời, xây dựng hai hệ thống dữ liệu (thô và chuẩn hóa) để đo lường quy mô kinh tế số nhằm bảo đảm khả năng linh hoạt, cập nhật, phòng ngừa rủi ro liên quan đến bảo mật, an toàn thông tin, dữ liệu. Thống nhất thang đo, quy đổi thành chỉ số có thể đo lường đối với Bộ chỉ tiêu kinh tế số, chuyển đổi số (và với 8 ngành, lĩnh vực ưu tiên khác), cũng như xác định nguồn dữ liệu thống kê chính thống, đáng tin cậy cho các số liệu đó. “Để thực hiện những yêu cầu nêu trên sẽ cần bổ sung nguồn lực và nâng cao năng lực cho cơ quan thống kê Việt Nam”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực đề nghị.

Việc áp dụng phương pháp thống kê theo chuẩn mực quốc tế sẽ giúp xác định phạm vi, đo lường chính xác, đầy đủ hơn quy mô kinh tế số, chuyển đổi số và có thể so sánh quốc tế. Do vậy, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương khẳng định, Tổng cục Thống kê luôn hướng đến những tiêu chuẩn quốc tế khi xác định, đo lường chỉ tiêu thống kê quốc gia thời gian qua. Việc xây dựng các chỉ tiêu thống kê về kinh tế số, chuyển đổi số được thực hiện trên cơ sở cập nhật những tài liệu liên quan mới nhất của Nhóm các nền kinh tế lớn trên thế giới (G20).

Nhưng, với những kiến nghị về việc giữ tên một số chỉ tiêu, sửa đổi, bổ sung, làm rõ phạm vi đo lường của nhiều chỉ tiêu khác trong lĩnh vực này được các chuyên gia đưa ra, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ vẫn cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật. Đồng thời, bổ sung vào hồ sơ dự án Luật một số báo cáo về các tiêu chuẩn, chuẩn mực quốc tế đang áp dụng; các khái niệm, phạm vi, nguồn số liệu, phương pháp thực hiện... Qua đó, tạo cơ sở cho đại biểu Quốc hội đánh giá về các chỉ tiêu thống kê được sửa đổi, bổ sung lần này, góp phần bảo đảm chất lượng dự án Luật khi trình Quốc hội xem xét. Bảo đảm sẽ có những chỉ tiêu thống kê phản ánh đầy đủ, chính xác và khách quan tình hình kinh tế - xã hội, phục vụ kịp thời nhu cầu dự báo, xây dựng, đánh giá và điều chỉnh các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời gian tới.

Thanh Hải