Quan tâm huy động vốn cho các dự án năng lượng

Lê Bình 07/08/2023 08:36

Đánh giá về nguồn lực, khả năng huy động vốn cho các quy hoạch năng lượng, dự án năng lượng giai đoạn tới là nội dung được Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021” quan tâm khi làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Nhu cầu vốn lớn 

Về việc huy động vốn cho các quy hoạch liên quan và dự án năng lượng, Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong thời gian qua, việc cấp tín dụng đối với các dự án ngành năng lượng đang và sẽ được thực hiện theo chính sách tín dụng chung của Ngân hàng Nhà nước. Các tổ chức tín dụng thực hiện cấp tín dụng đối với các dự án ngành năng lượng theo cơ chế thương mại hiện hành; tổ chức tín dụng tự xem xét, tự quyết định cho vay trên cơ sở thẩm định hiệu quả của dự án, phương án sản xuất kinh doanh; khả năng trả nợ của khách hàng và khả năng cân đối nguồn vốn của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ngày 27.7.2023. Ảnh: Hồ Long

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước khẳng định, trong giai đoạn 2016 - 2021, dư nợ tín dụng đối với ngành năng lượng (sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; khai khoáng) luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng tích cực (bình quân khoảng 9,98%) với mức dư nợ trung bình hàng năm đạt 341.111 tỷ đồng, chiếm 4,43% so với tổng dư nợ tín dụng ngành kinh tế. Tính đến tháng 5.2023, dư nợ tín dụng đối với ngành năng lượng đạt 477.354 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cuối năm 2023, chiếm 3,88% so với tổng dư nợ tín dụng ngành kinh tế.

“Như vậy, trong thời gian qua, nguồn vốn tín dụng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho mục đích sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành năng lượng, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Toàn cảnh buổi làm việc với 4 cơ quan
Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, thực tế nhìn vào Quy hoạch điện VIII sẽ thấy nhu cầu huy động vốn và nguồn lực lớn. Bởi, đi liền với mục tiêu nêu tại Quy hoạch điện VIII là các nguồn điện năng lượng tái tạo sẽ đạt khoảng 30,9 - 39,2% trong tổng công suất phát vào năm 2030; và đạt 67,5 - 71,5% vào năm 2050, sẽ là không ít thách thức, đặc biệt là về nguồn vốn thực hiện. Theo tính toán, nhu cầu vốn đầu tư phát triển ngành năng lượng rất lớn, trung bình mỗi năm khoảng 18,5 tỷ USD, trong đó, tập trung chủ yếu ở ngành điện khoảng 11,3 - 13,47 tỷ USD. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư cho ngành năng lượng từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư còn hạn chế, vốn ngân sách hầu như không có.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường Tạ Đình Thi nêu vấn đề
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Nêu thực tế này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi đề nghị, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan cần phân tích, đánh giá thêm về khả năng huy động vốn cho quá trình triển khai các quy hoạch liên quan cũng như các dự án năng lượng cụ thể.

Sẽ nỗ lực thực hiện

Đây là cam kết Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đưa ra khi giải trình trước Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc huy động nguồn lực xanh từ trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, hay những nguồn khác từ thị trường vốn, chứng khoán - một trong những vấn đề các thành viên Đoàn giám sát quan tâm.

Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện chính sách thuế, phí, lệ phí liên quan đến phát triển năng lượng bảo đảm thực hiện các mục tiêu về bảo vệ môi trường, an ninh năng lượng quốc gia, khuyến khích phát triển, sử dụng, sản xuất năng lượng sạch, sản phẩm thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết, đến nay vẫn chưa triển khai được trường hợp cụ thể nào để huy động trái phiếu xanh. “Và, Bộ Tài chính đang nỗ lực để triển khai và dự kiến đến cuối năm 2023, đầu năm 2024 sẽ thực hiện thí điểm phát hành trái phiếu Chính phủ xanh và trái phiếu công trình xanh. Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn một số dự án, công trình đạt những tiêu chí xanh để đưa ra phát hành trái phiếu Chính phủ xanh, trái phiếu công trình xanh; xây dựng các chính sách khuyến khích để thu hút các cá nhân, tổ chức mua trái phiếu, qua đó huy động vốn cho triển khai thực hiện những dự án, công trình này”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chia sẻ.

Về việc huy động nguồn lực triển khai thực hiện các quy hoạch, dự án năng lượng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng cả năm với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn. Qua đó, góp phần cung ứng đủ vốn cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và các dự án ngành năng lượng nói riêng.

Ghi nhận cam kết của các bộ, ngành, cơ quan, song các thành viên Đoàn giám sát cũng chỉ rõ, việc đánh giá về nguồn lực, khả năng huy động nguồn lực cho các quy hoạch năng lượng, dự án năng lượng giai đoạn vừa qua và giai đoạn tới chưa được kỹ lưỡng, ảnh hưởng đến cơ cấu các nguồn điện, chuyển dịch năng lượng và thực hiện các mục tiêu về quy hoạch năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng. Việc huy động nguồn lực xã hội cho các dự án truyền tải điện mặc dù đã có quy định trong Luật Điện lực nhưng chậm triển khai trong thực tiễn. Bên cạnh đó, còn có một số hạn chế khác về quản lý giá điện, thị trường điện; quản lý và sử dụng vốn nhà nước của các doanh nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực năng lượng còn hạn chế…

Những hạn chế, bất cập, yếu kém nêu trên có cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị 4 bộ, ngành, cơ quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm, đề xuất giải pháp cụ thể với những vấn đề Đoàn giám sát nêu. Trong đó có bất cập, hạn chế về chi phí, giá thành điện, giá bán điện, thị trường điện; khó khăn, thách thức về huy động ODA cho các dự án điện khi chuyển dịch năng lượng theo Quy hoạch điện VIII; vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đầu tư nhà nước của các dự án năng lượng… Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Ngân hàng Nhà nước báo cáo bổ sung các giải pháp về tín dụng dài hạn phù hợp với lĩnh vực năng lượng và các dự án năng lượng.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Quan tâm huy động vốn cho các dự án năng lượng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO