Quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh trong và sau đại dịch

- Thứ Tư, 20/10/2021, 12:11 - Chia sẻ
Tiếp tục phiên làm việc sáng nay, 20.10, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Vẫn còn tình trạng chưa thống nhất, đồng bộ giữa các cấp chính quyền, các địa phương

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, trong gần hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống Nhân dân, gây tổn hại sức khỏe và cướp đi sinh mạng của hàng nghìn đồng bào ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp chung sức, đồng lòng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái trong nhân dân, góp công, góp sức, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, triển khai quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, linh hoạt nhiều chủ trương, biện pháp để kiểm soát dịch Covid-19, thực hiện mục tiêu kép, vừa bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội dần đưa nước ta trở lại trạng thái bình thường mới.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Ảnh: Quang Khánh

Tiếp tục phát huy tinh thần làm việc “chủ động, đổi mới, sáng tạo, tâm huyết, đồng lòng”, đồng hành với Chính phủ trong công tác phòng, chống đại dịch, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 6 Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; tích cực tham gia công tác ngoại giao vaccine; các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội chủ động nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Về thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15, Ủy ban Xã hội thấy rằng, Chính phủ đã tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 thông qua việc kịp thời trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành về một số nội dung khác luật hoặc luật chưa quy định hoặc vượt thẩm quyền. Ngoài ra, Chính phủ đã chủ động, khẩn trương, kịp thời ban hành trên 100 văn bản chỉ đạo, điều hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch với mục tiêu bảo đảm sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết và trước hết.

Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội cũng thấy rằng, các văn bản hướng dẫn, trả lời của các Bộ, ngành Trunh ương để giải quyết các vấn đề vướng mắc, phát sinh ở địa phương đôi khi còn chậm, có văn bản chưa phù hợp với tình hình thực tiễn; vẫn còn tình trạng văn bản của chính quyền địa phương chưa bảo đảm tính thống nhất với hướng dẫn của Trung ương và chưa thống nhất, đồng bộ giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa các địa phương; một số trường hợp làm phát sinh thủ tục hành chính mới, chưa phù hợp với quy định pháp luật; trong chỉ đạo, điều hành đôi lúc còn lúng túng, thiếu thống nhất; việc phân cấp cho các địa phương thời gian qua chưa thật chặt chẽ, thiếu cơ chế kiểm soát việc thực hiện.

Tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ và kiến nghị, Quốc hội xem xét, đưa vào Nghị quyết Kỳ họp thứ Hai hoặc Nghị quyết về kinh tế - xã hội giao Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có các nội dung như: đầu tư nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng; tiếp tục bảo đảm nguồn lực để thực hiện việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19; điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng, nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành gói hỗ trợ nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp, người lao động ở khu công nghiệp với các cơ chế phù hợp, hiệu quả.

Quốc hội cần tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15; huy động các kênh ngoại giao Quốc hội để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc vận động các nước, tổ chức quốc tế tăng cường hợp tác, hỗ trợ phòng, chống đại dịch Covid-19; tiếp tục tăng cường hoạt động của Tổ Công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết 30 liên quan đến phòng, chống Covid-19.

Ủy ban Xã hội nhất trí với các bài học kinh nghiệm, mục tiêu, quan điểm, các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới được Chính phủ báo cáo Quốc hội, đồng thời đề nghị Chính phủ quan tâm một số vấn đề sau: tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát, đánh giá các văn bản, quy định có liên quan đến công tác phòng, chống dịch để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc sửa đổi, bổ sung đảm bảo chặt chẽ, khả thi, thống nhất, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, phát huy hiệu lực, hiệu quả.

Chính phủ cần khẩn trương ban hành Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế để thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh Covid-19; nâng cao năng lực trong dự báo xu hướng dịch Covid-19; chỉ đạo bộ, ngành, địa phương kịp thời ban hành hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, ứng phó với dịch Covid-19 trong phạm vi phụ trách. Có biện pháp để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; khen thưởng kịp thời đối với những cá nhân, đơn vị có thành tích trong phòng, chống dịch Covid-19. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho ngành y tế; quan tâm đầu tư và phát huy vai trò của mạng lưới y tế cơ sở trong phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu; có cơ chế huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong phòng, chống dịch Covid-19; rà soát, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ lực lượng tham gia phòng, chống dịch.

Tiếp tục thực hiện chiến lược ngoại giao vaccine, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước; triển khai hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và nghiên cứu ban hành hướng dẫn tiêm vaccine cho trẻ em ở các độ tuổi trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn.

Đánh giá hiệu quả của các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để có giải pháp trong những năm tiếp theo; kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ lao động tự do, người dân có hoàn cảnh khó khăn bảo đảm công bằng, không để sót, lọt đối tượng.

Tiếp tục xem xét ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, các khoản đóng bắt buộc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; kịp thời nối lại hoạt động thông thương, xuất nhập khẩu hàng hóa quốc tế.

Quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh trong và sau đại dịch; nghiên cứu gắn việc quy hoạch khu công nghiệp với nguồn lao động bảo đảm khả năng đáp ứng hạ tầng kinh tế - xã hội, an sinh xã hội.

Nghiên cứu phương án cho học sinh, sinh viên trở lại trường học kịp thời - an toàn; tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục, tư vấn cho cha, mẹ, gia đình, người chăm sóc trẻ em và trẻ em về chăm sóc sức khỏe, thể chất, tinh thần và bảo vệ trẻ em.

Chỉ đạo chính quyền địa phương rà soát, đánh giá việc ban hành và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo có tính chất quy phạm trong phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương để điều chỉnh cho phù hợp; bảo đảm việc thực hiện chính sách tài chính cho y tế theo Nghị quyết số 18/2008/QH12 của Quốc hội.

Quang Khánh