Quan niệm về quyền miễn trừ

Trần Tuyết 16/01/2015 08:48

Nghiên cứu gần đây của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) cho thấy, xung quanh quyền miễn trừ của nghị sĩ nổi lên 2 vấn đề cơ bản, đó là khái niệm và sự cần thiết phải quy định quyền này.

Theo quan niệm của nhiều nước, nội dung quyền miễn trừ bao gồm 2 yếu tố cấu thành là: quyền không chịu trách nhiệm và quyền bất khả xâm phạm. Đặc biệt ở Pháp, khái niệm nói trên được mở rộng bao hàm 2 khía cạnh với tên gọi: đặc quyền (privilege) và quyền miễn trừ (immunity) – còn được gọi chung là quyền đặc miễn. Ngày nay, hầu hết các nước đều thống nhất cách hiểu về quyền đặc miễn với nội hàm như trên.

Khía cạnh đặc quyền muốn thể hiện quyền tự do của nghị sĩ trong phát biểu, trong thể hiện chính kiến (freedom of speech). Hiến pháp nhiều nước có quy định với nội dung: “Không nghị sĩ Quốc hội nào có thể bị truy tố, điều tra hoặc bắt giam hoặc trở thành đối tượng xét xử vì thể hiện chính kiến, hoặc đề nghị của mình khi đang thực hiện nhiệm vụ”.

Quyền miễn trừ được coi như một đặc quyền của nghị sĩ, theo đó, nghị sĩ được bảo vệ trước việc truy cứu trách nhiệm hình sự, được hưởng quyền miễn trừ tư pháp (freedom from arrest): không bị bắt, bị khởi tố hình sự nếu không có sự phê chuẩn của Nghị viện, trừ trường hợp phạm tội bị bắt quả tang. Nghị viện có quyền trừng phạt những ai vi phạm hoặc coi thường đặc quyền của nghị sĩ. Tuy nhiên, Nghị viện cũng có thể xem xét để hạn chế hoặc tước bỏ quyền miễn trừ hoặc bãi miễn tư cách của nghị sĩ nếu thấy cần thiết.

Quyền này bảo đảm cho nghị sĩ có điều kiện phát huy hết khả năng hoạt động. Nghị sĩ không tự mình định đoạt quyền này mà do Nghị viện quyết định.


Ở Pháp, quyền được bảo vệ trước việc truy cứu trách nhiệm hình sự được manh nha trong Nghị quyết ngày 23.6.1789 của Quốc hội và tiếp tục được duy trì, hoàn thiện trong các văn bản pháp luật về Nghị viện hiện nay. Mục đích của quyền này là nhằm bảo vệ các nghị sĩ trước việc truy cứu của cơ quan tư pháp để tránh trường hợp nghị sĩ có bất đồng chính kiến về mặt chính trị bị truy cứu hoặc bắt giữ một cách tùy tiện và bị vu là có hành vi phạm pháp. Trong trường hợp như vậy, công việc của người nghị sĩ không thể thực hiện được. Điều này giúp các nghị sĩ thoát khỏi mọi truy cứu dân sự hay hình sự đối với các quan điểm và các lá phiếu thể hiện chính kiến mà họ đưa ra khi đang thực hiện nhiệm kỳ của mình, cho phép các nghị sĩ được bày tỏ quan điểm, ý kiến riêng một cách hoàn toàn tự do nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi của người dân mà họ đại diện. Quyền miễn trừ tư pháp cũng nhằm bảo vệ các nghị sĩ khỏi sự thao túng quyền lực có thể xảy ra bất cứ lúc nào hoặc khỏi các đối thủ cạnh tranh.

Nhưng quyền miễn trừ tư pháp không phải là vô hạn mà theo quy định của nhiều nước, nó chỉ được áp dụng đối với các hành động thực hiện nhiệm vụ đại biểu trong nhiệm kỳ Nghị viện, chỉ bảo vệ các nghị sĩ trong các kỳ họp Nghị viện và khi thực hiện nhiệm vụ của người nghị sĩ. Như vậy, ngoài kỳ họp nghị viện và khi thực hiện các hoạt động với tư cách cá nhân và vì mục đích cá nhân thì nghị sĩ có thể là đối tượng của bất kỳ sự truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc dân sự nào. Nói cách khác, quyền miễn trừ tư pháp chấm dứt khi nhiệm kỳ đại biểu của nghị sĩ chấm dứt.

Tuy nhiên, ngay cả trong thời gian họp Nghị viện, quyền miễn trừ cũng không phải là tuyệt đối. Khi đang trong kỳ họp của Nghị viện, nghị sĩ cũng có thể bị bắt khi có sự cho phép của Nghị viện (với điều kiện đó là trường hợp phạm tội quả tang, việc truy cứu đó được phép hoặc việc kết án đó được khẳng định). Điều đó một mặt thể hiện quyền miễn trừ tư pháp không được áp dụng trong trường hợp phạm tội quả tang, tình trạng phạm tội kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đe dọa gây hậu quả nghiêm trọng (ví dụ: nổi dậy, bạo loạn, khủng bố...); mặt khác, quyền miễn trừ của nghị sĩ có thể bị hủy bỏ bởi chính Nghị viện sau khi có sự xem xét, thẩm tra và có kết luận về tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội và tính hợp pháp của việc truy cứu. Việc tước bỏ quyền miễn trừ được giới hạn chỉ trong các trường hợp quy định trong nghị quyết được Nghị viện thông qua.

Một số nước còn có quy định hoãn thi hành hoặc chấm dứt việc giam giữ đối với nghị sĩ. Nghị viện có thể yêu cầu cơ quan tư pháp áp dụng chế độ hoãn lệnh tạm giam hoặc lệnh khởi tố đối với nghị sĩ của mình. Nếu được chấp nhận, việc hoãn thực hiện lệnh tạm giam hoặc lệnh khởi tố sẽ được áp dụng đến cuối nhiệm kỳ của nghị sĩ đó.

Nghị sĩ ở một số nước như CHLB Đức, Hoa Kỳ... có quyền từ chối làm chứng. Quyền này cho phép nghị sĩ tự do quyết định có ra làm chứng trước tòa hay không, bảo đảm sự độc lập và quyền tự quyết của cá nhân nghị sĩ.

Sức mạnh của việc bảo vệ những nghị sĩ hiện nay dựa vào 2 trục chính: trục tư pháp và trục chính trị. Trục tư pháp giả định rằng không một cơ quan tư pháp nào có thể vượt qua được hệ thống bảo vệ đó, đồng thời, chính các nghị sĩ cũng không thể từ bỏ quyền đó. Còn trục chính trị đòi hỏi các công dân tôn trọng các nguyên tắc và phạm vi bảo vệ những người đại diện cho mình. Thực tế cho thấy ở đây có sự xung đột giữa tính độc lập của Nghị viện và nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật – nguyên tắc này không thể bị phá bỏ bởi quy định các nghị sĩ lại được hưởng đặc quyền tư pháp trọng việc giải quyết các vấn đề của họ có liên quan đến tư pháp. Do vậy, hiện nay câu hỏi về mức độ được hưởng đặc quyền và quyền miễn trừ của các nghị sĩ vẫn được đặt lên bàn nghị sự của Nghị viện nhiều nước cũng như các hội nghị liên quan đến Nghị viện.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Quan niệm về quyền miễn trừ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO