Nêu vấn đề trên tại Phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng do Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức, các đại biểu đề nghị, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý cũng như quan điểm cấm hay không cấm của Bộ Y tế và Bộ Công Thương với loại thuốc lá mới này.
Chưa thống nhất quan điểm giữa các bộ
Tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với sức khỏe, kinh tế, môi trường, đạo đức xã hội, tâm sinh lý, trật tự an toàn xã hội đã được nhận diện và cảnh báo từ lâu, nhưng đến nay hành lang pháp lý chưa có. Việc buông lỏng quản lý đã dẫn đến thiếu các giải pháp phòng ngừa, chống tác hại của thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử. Chỉ ra thực tế này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong đề nghị các bộ, ngành làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của mình.
Chỉ rõ đang có sự chưa thống nhất quan điểm giữa các bộ, ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh) băn khoăn: trong khi Bộ Y tế đề nghị cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ Công Thương lại đề xuất thí điểm thuốc lá mới, đưa thuốc lá mới vào quản lý như đối với thuốc lá thông thường. Đại biểu đề nghị Bộ Công Thương làm rõ lý do, căn cứ của đề xuất này, đặc biệt là về tác động của đề xuất này, Nhà nước và người dân sẽ có được những lợi ích gì?
Giải trình nội dung đại biểu nêu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng bày tỏ đồng tình với quan điểm cần đặt việc bảo vệ sức khỏe của người dân, của cộng đồng lên trên hết. Bộ Công Thương với vị trí, vai trò đặc thù của mình, đã soạn thảo các báo cáo, đề xuất trên tinh thần hướng đến quản lý xã hội một cách tốt nhất.
Thứ trưởng cũng cho biết, khoản 19, Điều 1 Nghị định số 106/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14.9.2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27.6.2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, về kinh doanh thuốc lá quy định: Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức có liên quan nghiên cứu xây dựng quy định phù hợp để quản lý các sản phẩm thuốc lá điện tử, trình Thủ tướng Chính phủ.
Về cơ sở thực tiễn, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, trên thế giới, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đã ra đời từ lâu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, số lượng người sử dụng, kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang rất nhiều. Nhận thấy các chế tài, văn bản pháp lý hiện nay chưa rõ ràng, chưa đủ tính răn đe đối với các đối tượng sản xuất, mua bán hàng giả, nên Bộ Công Thương đã thận trọng kiến nghị thí điểm với mục đích nâng cao hiệu quả quản lý trong vấn đề này.
Nhấn mạnh quan điểm nhất quán của Bộ Y tế là đề xuất cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, với vai trò trách nhiệm của cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ phòng, chống tác hại của thuốc lá theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế đã nắm bắt sự ảnh hưởng của thuốc lá điện tử, triển khai nhiều công việc tham mưu cho công tác quản lý nhà nước. Cụ thể, Bộ đã điều tra tình hình, triển khai hợp tác quốc tế để nắm bắt thực trạng của thế giới, phối hợp xây dựng báo cáo xin ý kiến các bộ, ngành, trình Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã tổ chức tổng kết, đánh giá 10 năm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá để cập nhật, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn thay đổi.
Việc xây dựng Luật không thể thực hiện trong một sớm một chiều, mà cần có các bằng chứng khoa học, đánh giá tác động kỹ lưỡng. Nhấn mạnh như vậy, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đã có báo cáo đánh giá, tổng kết việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và đang tiếp tục triển khai xây dựng kế hoạch để sửa đổi Luật này.
Có thể tính đến xây dựng một nghị quyết chuyên đề
Nhìn nhận dưới góc độ chuyên gia y tế, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu quan điểm, thuốc lá điện tử hiện nay đã xuất hiện tràn lan trên thế giới và ở Việt Nam. Đây là loại thuốc lá rất có hại một cách toàn diện và rõ ràng không những không có tác dụng hạn chế thuốc lá thông thường mà còn kích thích hút thuốc lá thông thường, thậm chí gây nghiện.
Bày tỏ cùng quan điểm với Bộ Y tế, Phó Cục trưởng Cục pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), Thiếu tướng Trần Nguyên Quân nêu rõ, tỷ lệ thanh niên sử dụng thuốc lá điện tử rất phổ biến, đặc biệt ở quán bar, quán nước, khu vui chơi giải trí, sử dụng nhiều hơn thuốc lá thông thường. Thậm chí đứng chờ đèn xanh, đèn đỏ cũng đưa ra hút, tình hình gia tăng rất đáng ngại. Vì vậy, nên cấm thuốc lá điện tử vì "có hại hơn lợi ích về mặt kinh tế".
Trước những tác hại rõ ràng của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu câu hỏi: Bộ Y tế có tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành một nghị quyết chuyên đề trước khi có Luật để cấm việc sử dụng, mua bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hay không? Đại biểu cũng cho rằng, việc ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội trong tuyên truyền pháp luật đang được đẩy mạnh, tuy nhiên, vai trò của các trang mạng này trong việc tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hướng tới đối tượng thanh thiếu niên là chưa đạt yêu cầu, do đó cần có giải pháp hiệu quả hơn để tuyên truyền tốt hơn trong thời gian tới.
Bộ Y tế là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trong tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, hàng năm, Bộ phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các bộ, ban, ngành, cơ quan thông tấn báo chí để tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền. Bộ cũng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng cẩm nang hướng dẫn về phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong đó nhận diện các tác hại của thuốc lá, tuyên truyền tới các đối tượng học sinh, sinh viên.
Về đề xuất xây dựng một nghị quyết chuyên đề, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, đây là phương án đã được tính đến, vì nếu chờ sửa đổi Luật, thì phải qua quy trình theo luật định, trong khi đó, nhiệm vụ xây dựng pháp luật của Bộ Y tế từ nay đến cuối nhiệm kỳ còn nặng với nhiều dự án luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến. “Vì vậy, việc sửa đổi Luật đòi hỏi phải có thời gian, nên phương án xây dựng nghị quyết chuyên đề có thể sẽ được tính đến để có giải pháp giải quyết tình hình cấp bách hiện nay”, Bộ trưởng nói.
Hoan nghênh Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, đây là hoạt động thực hiện Nghị quyết số 969-NQ/UBTVQH15 ngày 25.1.2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
"Phiên giải trình không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa ra các kiến nghị, giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng mà còn thể hiện trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đối với việc phòng ngừa, bảo vệ thanh niên, thiếu niên khỏi các chất gây nghiện, góp phần hoàn thiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.