Quản lý thuốc bảo vệ thực vật - cách tiếp cận khoa học
Ước tính khoảng 50% sản lượng lương thực thế giới sẽ bị mất đi do sâu bệnh hại và cỏ dại nếu không có sản phẩm bảo vệ thực vật (BVTV). Tại Việt Nam, 24,5 triệu hộ nông dân nhỏ phụ thuộc vào các giải pháp BVTV để ngăn ngừa dịch hại và áp lực cỏ dại gây hại cho cây trồng làm giảm năng suất khi thu hoạch. Trong hệ thống các biện pháp BVTV, việc sử dụng thuốc BVTV từ những năm 50 của thế kỉ XX cho tới nay vẫn chiếm một vai trò hết sức quan trọng.
Đâu là những hạn chế?
Sử dụng thuốc BVTV quá liều lượng khuyến cáo, sử dụng sai mục đích, đặc biệt là trình độ nhận thức, hiểu biết và trách nhiệm xã hội của người sử dụng thuốc BVTV tại Việt Nam còn hạn chế… là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng kháng thuốc của sâu bệnh, làm giảm hiệu lực của thuốc và có thể gây ra tình trạng vượt mức dư lượng tối đa cho phép (MRLs) trên nông sản. Mức dư lượng tối đa cho phép (Maximum Residue Limit, hay MRL) là mức đánh dấu giới hạn thuốc BVTV được phép có trong các loại thực phẩm và được xác định riêng cho từng loại hoạt chất, từng loại cây trồng và theo tiêu chuẩn của mỗi quốc gia. Thực chất MRL là các tiêu chuẩn thương mại mà các quốc gia nhập khẩu nông sản xây dựng ra và được sử dụng như là một biện pháp để kiểm tra việc tuân thủ các biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP) của nông dân các nước xuất khẩu nhằm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường chứ không phải là các chỉ tiêu để đánh giá về an toàn thực phẩm. Trong một số trường hợp, MRL còn được các nước nhập khẩu sử dụng như là một hàng rào kỹ thuật để kiểm soát dòng hàng hóa nông sản nhập khẩu. Vì vậy, dư lượng thuốc BVTV vượt quá mức cho phép tối đa theo qui định của một nước nhập khẩu không đồng nghĩa với việc thực phẩm không an toàn.
Mức dung nạp hàng ngày chấp nhận được
Mức dung nạp hàng ngày chấp nhận được (Acceptable Daily Intake, hay ADI) của hóa chất được xác định dựa trên cơ sở khoa học và là giá trị đánh giá rủi ro mãn tính. Giá trị ADI là lượng thuốc BVTV tối đa mà cơ thể có thể dung nạp hàng ngày trong suốt cuộc đời mà không gây ra rủi ro nào đối với sức khỏe. ADI được thiết lập với một hệ số an toàn khá cao, thường là 100 lần so với Mức dung nạp không phát hiện ảnh hưởng tiêu cực (No Observed Adverse Effect Levels, NOAELs) được kết luận từ các nghiên cứu độc học mãn tính. NOAEL là liều lượng dung nạp cao nhất mà không gây ra ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe con người. Mức dư lượng tối đa không cho phép ADI bị vượt ngưỡng.
Như vậy, chúng ta đều đã thấy được vai trò không thể thiếu của thuốc BVTV, đặc biệt là thuốc hóa học đồng thời, cũng như một số tồn tại, hạn chế trong vấn đề sử dụng thuốc BVTV tại Việt Nam dẫn đến vấn đề về an toàn thực phẩm và xuất khẩu nông sản.
Chọn đúng sản phẩm, chỉ dùng khi cần
Về mặt quản lý nhà nước, Bộ NN - PTNT nói chung và Cục BVTV nói riêng là đơn vị quản lý chuyên ngành đã ban hành nhiều thông tư hướng dẫn liên quan tới vấn đề đăng kí, quản lý, sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV. Các quy định này đang dần được cải thiện theo hướng tích cực. Cụ thể, đang từng bước xây dựng quy trình đánh giá thuốc BVTV áp dụng các tiêu chí về đánh giá rủi ro, ban hành các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng thuốc BVTV. Tăng cường công tác thanh kiểm tra khâu sử dụng thuốc, nhằm bảo đảm việc sử dụng có trách nhiệm, an toàn và hiệu quả theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất. Chú trọng công tác huấn luyện về quản lý, sản xuất kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV cho nông dân, đại lý nhằm năng cao trình độ cũng như nhận thức của người sử dụng và kinh doanh thuốc BVTV. Khuyến khích doanh nghiệp và nhà sản xuất áp dụng các giải pháp công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy hợp tác công tư trong sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng, tăng lợi nhuận, tăng tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam trong xuất khẩu.
Các công ty hoạt động kinh doanh trong ngành BVTV cần khuyến khích và hướng dẫn nông dân lựa chọn đúng sản phẩm, sử dụng thuốc BVTV chỉ khi cần thiết thông qua công tác tập huấn. Thông qua các hoạt động của tổ chức phi lợi nhuận như Croplife, hỗ trợ nâng cao năng lực của các bên liên quan trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp an toàn và bền vững ở Việt Nam. Tháo gỡ rào cản trong xuất khẩu nông sản từ Việt Nam thông qua xúc tiến việc thiết lập Mức dư lượng tối đa cho phép đối với các loại thuốc BVTV trên các đối tượng cây trồng (đặc biệt là các cây trồng nhiệt đới) chưa có giá trị Mức dư lượng tối đa cho phép tại các nước nhập khẩu.