Quản lý nhà nước về xây dựng chưa hiệu quả, còn chồng chéo và bất cập là do chưa tách bạch rõ ràng nội dung quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng

- Thứ Hai, 25/11/2013, 16:26 - Chia sẻ
Việc ban hành Luật Xây dựng (sửa đổi) nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và tăng hiệu quả đầu tư, tránh thất thoát lãng phí. Nhưng để thực hiện được những mục tiêu trên, luật cần bao quát đầy đủ các hoạt động xây dựng không phân biệt công trình và dự án sử dụng từ nguồn vốn nào; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, dự thảo luật cần quy định chặt chẽ đầy đủ về yêu cầu, nguyên tắc lập quy hoạch, trình tự lập, thẩm định, lấy ý kiến cho đến phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch; quản lý xây dựng theo quy hoạch, tránh việc lập và phê duyệt quy hoạch tràn lan…

ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình): Câu hỏi đặt ra là hoạt động xây dựng thì sẽ do luật nào điều chỉnh?
 
Thứ nhất, về phạm vi và đối tượng áp dụng của luật quy định tại Điều 1 và Điều 2 trong dự thảo hiện nay chỉ đề cập tới quy định về hoạt động đầu tư xây dựng, quyền và nghĩa vụ của tổ chức và cá nhân chỉ trong hoạt động đầu tư xây dựng. Vậy câu hỏi đặt ra là hoạt động xây dựng thì sẽ do luật nào điều chỉnh nếu không phải là do Luật Xây dựng điều chỉnh? Vì rõ ràng ta thấy khái niệm về hoạt động đầu tư xây dựng không thể bao trùm cả khái niệm hoạt động xây dựng vì nó chỉ là hoạt động bỏ vốn vào các công trình hay tổ hợp công trình xây dựng, đồng thời với hoạt động quản lý nguồn vốn đó. Còn hoạt động xây dựng là các hoạt động như khảo sát thiết kế xây dựng, thi công xây dựng, giám sát quản lý việc xây dựng, nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào khai thác, sử dụng và bảo hành bảo trì công trình sau xây dựng. Tuy nhiên, có một điều đặc biệt là các hoạt động xây dựng này đều đã được trình bày tại các chương II, IV, V và VI của dự thảo luật, tuy chưa được nêu trong phạm vi điều chỉnh cũng như đối tượng áp dụng của luật, do vậy để bảo đảm tính khoa học chặt chẽ và đầy đủ tôi kiến nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc và sửa đổi, bổ sung thêm cụm từ "hoạt động xây dựng" vào Điều 1 và Điều 2 của dự thảo luật cụ thể như sau. Điều 1 sửa lại là luật này quy định về hoạt động xây dựng và hoạt động đầu tư xây dựng, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng và hoạt động đầu tư xây dựng và bổ sung tương tự như với Điều 2 của dự thảo luật. Do vậy, phần giải thích từ ngữ cần bổ sung thêm hoạt động xây dựng là gì và dự án xây dựng là gì.

Thứ hai, về các quy định đối với dự án đầu tư xây dựng quy định tại Chương III, thực tế cho thấy hiện nay công tác quản lý nhà nước về xây dựng chưa được hiệu quả còn chồng chéo và bất cập do chưa tách bạch rõ ràng nội dung quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng.

Về đầu tư và quản lý nhà nước trong hoạt động xây dựng, để công tác quản lý nhà nước về xây dựng ngày càng hiệu quả, đồng thời phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, tôi nhất trí quan điểm như đã nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng đầu tư là giai đoạn không thể tách rời trong các dự án xây dựng công trình. Do đó, Luật Xây dựng (sửa đổi) cần điều chỉnh xuyên suốt toàn bộ quá trình bỏ vốn và tiến hành các hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, vẫn cần tách bạch đầu tư và quản lý nhà nước về xây dựng trong các Điều thuộc Chương III của Luật Xây dựng một cách rõ ràng và cụ thể hơn để hạn chế đến mức tối đa những bất cập như trong thời gian qua. Bên cạnh đó, các nội dung trong luật nên xác định rõ cụ thể những nội dung nào nhà nước sẽ quản lý nói chung đối với tất cả các dự án đầu tư xây dựng mà không nên phân biệt dự án của chủ đầu tư là cơ quan nhà nước hay không phải là nhà nước. Khi đó quyền và nghĩa vụ của tất cả các chủ đầu tư đều như nhau và việc quản lý cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng và đầu tư xây dựng theo tôi sẽ hiệu quả, rõ ràng và không chồng chéo bất cập như luật hiện hành.
 
ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định): Quy định điều kiện khởi công xây dựng công trình phải được bố trí đủ vốn là chưa phù hợp
 
Thứ nhất, về nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng, tại Khoản 3, Điều 4 có quy định bảo đảm nhu cầu tiếp cận, sử dụng của người khuyết tật. Đây là một nguyên tắc có tính nhân văn, bảo đảm cho những người bị thiệt thòi về thân thể, sức khỏe có điều kiện sống tốt hơn. Theo tôi phần lớn nhu cầu tiếp cận, sử dụng của người khuyết tật là dành cho những người đi xe lăn, người khiếm thính, khiếm thị. Ví dụ đối với người đi xe lăn, một công trình muốn bảo đảm nhu cầu tiếp cận, sử dụng của họ thì phải có lối đi riêng cho xe lăn, phải có thang máy, nút bấm cũng phải thiết kế cho vừa tầm, bàn tiếp họ cũng phải bố trí thấp hơn, nhà vệ sinh cũng phải bảo đảm cho họ sử dụng được. Đối với người khiếm thính, khiếm thị còn nhiều đòi hỏi khác. Vì vậy, các công trình đều đáp ứng yêu cầu này là không thể thực hiện, do đó, nội dung bảo đảm nhu cầu tiếp cận, sử dụng của người khuyết tật sẽ không quy định trong nguyên tắc cơ bản, trong hoạt động đầu tư xây dựng mà sẽ quy định chặt chẽ hơn ở trong những công trình đặc thù như bệnh viện, trụ sở cơ quan nhà nước... sẽ khả thi hơn.

Thứ hai, tại điểm b, Khoản 5, Điều 81 quy định hộ gia đình, cá nhân tự thiết kế chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế, tác động của công trình đến môi trường và an toàn các công trình lân cận là chưa phù hợp. Hộ gia đình chỉ có thể chịu trách nhiệm đối với bản thân họ, như nhà ở riêng lẻ ở nông thôn nếu công trình của họ xây dựng trên đất của họ tách biệt với các công trình lân cận thì họ có thể tự thiết kế. Nhưng đối với nhà liền kề thì nếu công trình của họ xảy ra sự cố ảnh hưởng đến các nhà bên cạnh về tài sản, tính mạng thì họ không thể chịu trách nhiệm được. Theo tôi tại điểm này cần bổ sung thêm một nội dung là không phải nhà liền kề và có khoảng cách ít nhất đến các công trình lân cận bằng chính chiều cao của công trình, phòng ngừa trường hợp công trình riêng lẻ bị xuống móng hoặc sụp đổ sẽ không ảnh hưởng đến công trình lân cận.

Thứ ba là có sự không thống nhất giữa Khoản 8, Điều 99 với Khoản 2, Điều 104, Khoản 8, Điều 99 quy định nếu quá thời hạn trong giấy biên nhận mà cơ quan cấp phép không trả lời thì chủ đầu tư được phép xây dựng theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt được quy định có trong hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng. Nhưng Khoản 2, Điều 104 lại quy định điều kiện khởi công xây dựng công trình thì phải có giấy phép xây dựng đối với những công trình theo quy định phải có giấy phép xây dựng. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo sửa Khoản 2, Điều 104 là có giấy phép xây dựng đối với những công trình theo quy định phải có giấy phép xây dựng, trừ trường hợp quy định tại Khoản 8, Điều 99.

Thứ tư là tại Khoản 5, Điều 104 quy định điều kiện khởi công xây dựng công trình là phải được bố trí đủ vốn để đảm bảo tiến độ xây dựng công trình, theo tôi là chưa phù hợp. Theo tôi nội dung này chỉ quy định đối với công trình dùng vốn nhà nước, còn đối với tư nhân thì không thể áp dụng được.
 
ĐBQH Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội): Sửa đổi Luật Xây dựng là yêu cầu cấp bách…
 
Luật Xây dựng ban hành và đã có hiệu lực thi hành gần 10 năm, trong thời gian đó có nhiều luật liên quan được ban hành mới hoặc sửa đổi, do vậy, một số quy trình trong Luật Xây dựng được điều chỉnh hoặc mâu thuẫn không thống nhất với nhau. Bối cảnh trong nước, hội nhập quốc tế gần đây đã có nhiều điều chỉnh yêu cầu mới và định hướng mới như chiến lược phát triển bền vững, chiến lược về nhà ở, xây dựng nông thôn mới, đòi hỏi phải có những quy định mới. Hiện nay đối tượng tham gia hoạt động xây dựng rộng rãi hơn, vai trò cộng đồng, yêu cầu chất lượng xây dựng, yêu cầu cần cải cách hành chính, bảo tồn di sản đòi hỏi cần có thể chế để khuyến khích và quản lý tốt hơn. Từ thực tiễn cho thấy sửa đổi Luật Xây dựng là yêu cầu cấp bách, với quan điểm là luật cơ bản liên quan đến tổ chức không gian, đến khai thác tài nguyên đất đai, đến bảo vệ môi trường, đến văn hóa, xã hội. Do đó việc nghiên cứu dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) vừa qua đã thể hiện sự công phu, nghiêm túc trong việc tiếp thu các ý kiến đóng góp của Ban soạn thảo nên về cơ bản tôi tán thành cấu trúc và nội dung dự thảo luật. Song qua nghiên cứu dự thảo, tôi có một số ý kiến như sau:

Một, khuyến khích trong hoạt động đầu tư xây dựng các di tích tín ngưỡng tôn giáo, Việt Nam có Quỹ di sản, di tích phong phú trải qua nhiều thế hệ. Vì thế việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đã được nhà nước quan tâm, nhưng cũng có một thực tế không thể phủ nhận đó là xu thế xã hội hóa ngày càng cao. Đây là nguồn lực quan trọng và ngày càng cần và nên khuyến khích. Vì vậy, tôi đề nghị tại Khoản 1, Điều 11 của dự thảo bổ sung thêm cụm từ "bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị các di tích, di sản, tín ngưỡng, tôn giáo" vào cuối câu của khoản này.

Hai, trong phần yêu cầu chung với quy hoạch xây dựng, tôi thống nhất với 5 yêu cầu như trong Khoản 1, Điều 14 của dự thảo luật song đề nghị bổ sung thêm cụm từ "Quỹ di tích, di sản văn hóa" vào nội dung d trong Khoản 1 thành câu: Tổ chức sắp xếp không gian lãnh thổ trên cơ sở khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, quỹ di tích, di sản văn hóa và các nguồn lực phù hợp...

Ba, về phần trình tự đầu tư xây dựng ở Điều 41 trong dự thảo. Hai khoản trong điều này chỉ thích hợp với các dự án vốn ngân sách mà chưa khái quát chung cho các loại nguồn vốn khác, nhất là với nhà ở của dân. Do vậy, tôi đề nghị sửa lại điều này là chỉ nêu nguyên tắc chung và giao cho Chính phủ hướng dẫn thực hiện.

Bốn, về yêu cầu thiết kế xây dựng công trình, Điều 68, Khoản 2 nêu yêu cầu đặc thù với công trình dân dụng và công nghiệp, đề nghị bổ sung thêm nội dung việc bảo tồn, tôn tạo các di tích, công trình tín ngưỡng tôn giáo, chú trọng tính nguyên trạng, ưu tiên kỹ thuật thi công chất liệu, vật liệu truyền thống phù hợp với di tích.

Năm, về phần trách nhiệm quản lý nhà nước, đề nghị chuyển Khoản 1 của Điều 144 về Điều 143 để Điều 144 hoàn toàn là trách nhiệm của UBND các cấp.
 
ĐBQH Phạm Thị Mỹ Lệ (Bình Phước): Đối với nhà ở riêng lẻ của người dân, không nên bắt buộc phải có thiết kế xây dựng được duyệt
 
Về giải thích từ ngữ, Điều 3, Khoản 5 dự thảo luật quy định khái nhiệm "bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo phân loại công trình xây dựng bao gồm: Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an". Với nội dung khái niệm trên hoàn toàn không đúng thực tế, không phù hợp với quy định của pháp luật, cụ thể đối với các công trình viễn thông, văn hóa, thể thao, y tế thì bộ nào là bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành? Do đó, theo tôi bỏ thuật ngữ "bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành", thay bằng thuật ngữ là "cơ quan nhà nước quản lý công trình xây dựng chuyên ngành'.

Hai, về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đầu tư xây dựng, Điều 12, Khoản 7 dự thảo luật quy định vi phạm các quy định về an toàn tính mạng con người, tài sản và vệ sinh môi trường trong xây dựng. Trong hoạt động xây dựng phải bảo đảm an toàn lao động đã bao gồm bảo đảm tính mạng sức khỏe của người lao động và người dân… Do đó, theo tôi Khoản 7, Điều 12 dự thảo luật cần phải sửa lại như sau: Vi phạm các quy định an toàn lao động, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường trong xây dựng.

Ba, về các bước thiết kế xây dựng công trình, Điều 67, Khoản 1 quy định thiết kế xây dựng công trình gồm thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ, thiết kế thi công và các bước thiết kế khác theo thông lệ quốc tế. Trong khi nhiều công trình xây dựng dân dụng nhà ở nhỏ lẻ do người dân đầu tư xây dựng, công trình thiết kế phải đầy đủ, thiết kế bản vẽ như đã nêu trên. Ngoài ra, dự thảo luật còn quy định các bước thiết kế theo thông lệ quốc tế cụ thể là như thế nào? Do đó, với nội dung dự thảo như trên là không thực tế, không có tính khả thi, chỉ gây khó khăn cho người dân. Tôi đề nghị dự thảo luật cần quy định cụ thể đối với từng loại công trình khác nhau thì quy định các bước thiết kế khác nhau để phù hợp thực tế hơn.

Bốn, về điều kiện cấp giấy phép xây dựng, Điều 79 dự thảo luật quy định điều kiện cấp giấy phép xây dựng là có thiết kế xây dựng được duyệt theo quy định, bảo đảm chất lượng và an toàn có nhà thầu thi công xây dựng đủ điều kiện năng lực theo quy định. Như vậy, theo dự thảo luật, trước khi cấp giấy phép xây dựng thì phải có thiết kế xây dựng được duyệt theo quy định, có nhà thầu thi công xây dựng đủ điều kiện năng lực theo quy định. Vậy đối với nhà ở riêng lẻ của người dân, trước khi được cấp giấy phép xây dựng bắt buộc phải xin phép duyệt thiết kế trước. Với quy định như trên chỉ gây khó khăn, tốn kém cho người dân. Do đó, theo tôi dự thảo luật cần phải quy định cụ thể đối với công trình xây dựng nào khi cấp giấy phép xây dựng phải có thiết kế xây dựng được duyệt theo quy định. Còn đối với nhà ở riêng lẻ của nhân dân thì không nên bắt buộc phải có thiết kế xây dựng được duyệt theo quy định mới được cấp phép xây dựng. Dự thảo luật còn quy định điều kiện cấp phép xây dựng là phải có nhà thầu thi công là hết sức vô lý, bởi vì chưa có giấy phép xây dựng thì cơ sở nào thuê nhà thầu thi công? Theo tôi điều kiện này chỉ gây khó khăn cho người dân, không thực tế, nên tôi đề nghị Điều 79 dự thảo luật nên bỏ quy định này.
 
ĐBQH Nguyễn Thế Tuy (Lạng Sơn): Luật tập trung và điều chỉnh các hoạt động về quản lý chất lượng thi công, chất lượng công trình, kỹ thuật xây dựng, tiêu chuẩn quy phạm xây dựng là cần thiết
 
Tôi đồng ý với ý kiến của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về phạm vi điều chỉnh của luật là phải điều chỉnh các hoạt động đầu tư xây dựng đối với tất cả các nguồn vốn, bao gồm cả xây dựng nhà ở của hộ gia đình phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Đồng thời trong khi chưa có luật quy hoạch xây dựng chung để điều chỉnh tất cả các loại quy hoạch trừ ở đô thị đã có Luật Quy hoạch, còn ở ngoài đô thị chưa có luật điều chỉnh. Do vậy, việc đưa Chương quy hoạch xây dựng vào luật là hợp lý, sau này phát triển sẽ tách ra gộp với luật quy hoạch đô thị thành luật quy hoạch xây dựng chung. Một lý do nữa, thực tế trong bối cảnh chất lượng nhiều công trình xây dựng còn chưa bảo đảm, các tiêu chuẩn quy phạm xây dựng của Việt Nam còn thiếu đồng bộ thì việc dự thảo dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) lần này tập trung và điều chỉnh các hoạt động về quản lý chất lượng thi công, chất lượng công trình, kỹ thuật xây dựng, tiêu chuẩn quy phạm xây dựng là hết sức cần thiết.

Về quản lý năng lực hoạt động xây dựng, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, lĩnh vực hoạt động xây dựng là loại hình dịch vụ khi hoạt động mới yêu cầu phải có điều kiện năng lực phù hợp với công việc thực hiện. Nghĩa là khi đăng ký kinh doanh không yêu cầu phải đáp ứng các điều kiện về năng lực tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm. Xong khi tham gia thực hiện một công việc xây dựng nào đó thì phải đáp ứng đủ điều kiện năng lực theo quy định của Luật Xây dựng. Luật Xây dựng năm 2003 và Nghị định của Chính phủ đã quy định và hướng dẫn về vấn đề này, tuy nhiên chưa được cụ thể, chi tiết, vì vậy thời gian qua tình trạng đấu thầu để lựa chọn nhà thầu còn có vấn đề chưa minh bạch, chưa có cơ sở đánh giá đúng năng lực của nhà thầu. Theo tôi biết hiện nay số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoạt động xây dựng phát triển tương đối nhiều, nhưng năng lực kinh nghiệm của nhiều doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu ảnh hưởng tới chất lượng công trình xây dựng. Do đó tôi thống nhất Luật Xây dựng (sửa đổi) cần có một chương quy định về điều kiện năng lực hoạt động xây dựng. Mặc dù trong dự thảo đã đề cập đến việc phân loại chứng chỉ hành nghề, phân loại năng lực của tổ chức hoạt động xây dựng, xong tôi đề nghị cần quy định cụ thể hơn. Đề nghị Ban soạn thảo  nghiên cứu các quy định này để bổ sung vào luật, nhằm quản lý chặt chẽ hơn năng lực hoạt động xây dựng và cũng là để quản lý tốt hơn chất lượng các công trình xây dựng.

Minh Vân lược ghi