Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)

Quản lý ngay từ đầu người sử dụng trái phép ma túy

- Thứ Bảy, 09/01/2021, 07:20 - Chia sẻ
Do tình hình sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp những năm gần đây, việc bổ sung quy định quản lý đối với người sử dụng trái phép ma túy đã nhận được sự tán thành của nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia. Việc quản lý được áp dụng ngay lần đầu khi phát hiện người sử dụng trái phép chất ma túy được cho là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn người đó tiếp tục sử dụng.

Đặt trong lợi ích cộng đồng

Theo số liệu thống kê, năm 2009, cả nước có 146.731 người nghiện ma túy, đến tháng 12.2019 cả nước có 235.314 người nghiện ma túy, tăng 60%. Đây chỉ là số liệu thống kê về những người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, còn trong thực tiễn, số người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy cao hơn rất nhiều. Điều nguy hiểm là tình trạng người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy ngày càng phổ biến gây nên chứng rối loạn tâm thần, mất kiểm soát... dẫn tới các vụ án giết người vô cớ, gây bức xúc, lo lắng trong dư luận và khiến công tác cai nghiện gặp nhiều khó khăn.

		ĐBQH Trương Thị Yến Linh (Cà Mau)
ĐBQH Trương Thị Yến Linh (Cà Mau)
Nguồn: ITN

Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Công an, hiện chưa có quy định pháp luật về quản lý đối tượng này nên mặc dù thấy được tính chất nguy hiểm, hậu quả gây ra cho xã hội nhưng công tác quản lý đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy chưa được quan tâm đúng mực. Và, hậu quả do những người sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho xã hội thời gian qua là vô cùng nghiêm trọng.

Hơn nữa, thời gian qua, ma túy được sử dụng không chỉ là những loại thông thường (heroin, thuốc phiện, cần sa) mà xu hướng sử dụng trái phép ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng. Thậm chí, nhiều đối tượng sử dụng trái phép ma túy truyền thống đã chuyển sang sử dụng ma túy tổng hợp. Số lượng người sử dụng trái phép chất ma túy tổng hợp ngày càng tăng, song việc xác định tình trạng nghiện ma túy của người sử dụng ma túy tổng hợp là rất khó khăn, chưa có phác đồ điều trị những đối tượng này. Do vậy, tại dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) trình Quốc hội vừa qua, Bộ Công an đã đề xuất, phải đặt vấn đề nghiên cứu cơ chế quản lý người sử dụng ma túy mà chưa xác định được tình trạng nghiện.

 Việc chưa có cơ chế để quản lý những người sử dụng trái phép ma túy đúng mực được nhận định sẽ tiềm ần nhiều nguy cơ gây mất an ninh, trật tự và hậu quả gây ra cho xã hội là đặc biệt nghiêm trọng. Do vậy, nhiều ĐBQH tán thành với đề xuất của cơ quan chức năng về việc tăng cường biện pháp phòng, chống ma túy, trong đó tăng cường quản lý người có hành vi sử dụng trái phép ma túy.

Việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy có ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp hay không? ĐBQH Nguyễn Hữu Chính (TP Hà Nội) nhấn mạnh, khi gia đình có một thành viên sử dụng ma túy trái phép là gánh nặng và khu dân cư có một công dân sử dụng trái phép chất ma túy cũng tiềm ẩn hậu họa. Đặt trong lợi ích của cộng đồng, đại biểu Nguyễn Hữu Chính tán thành với việc quy định cố định các biện pháp quản lý người sử dụng trái phép ma túy.

Nghiện mới xử lý thì đã muộn

Để công tác phòng, chống ma túy đạt hiệu quả, rất cần phát huy sức mạnh của toàn dân và tăng cường công tác quản lý với những người sử dụng ma túy, chứ không phải cứ chờ đến khi họ nghiện mới xử lý. Nói cách khác, việc dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) bổ sung quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và tăng thẩm quyền cho công an xã trong quản lý người sử dụng trái phép ma túy cũng như người nghiện ma túy, theo đánh giá của nhiều ĐBQH là phù hợp.

Tuy nhiên, trong quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy ở Điều 24, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười, thời hạn quản lý được phân biệt theo độ tuổi. Cụ thể, 1 năm đối với người sử dụng trái phép chất ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, 6 tháng đối với người sử dụng trái phép chất ma túy dưới 18 tuổi, kể từ ngày xác định được hành vi sử dụng trái phép chất ma túy gần nhất của người đó. 

Băn khoăn về sự phân biệt thời gian quản lý với người sử dụng trái phép chất ma túy, ĐBQH Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) cho rằng, độ tuổi không nói lên được thời gian người này tiếp cận, sử dụng trái phép chất ma túy là mới hay đã lâu cũng như liều lượng, cường độ sử dụng nhiều hay ít. Trong khi đó, tình hình học sinh, sinh viên sử dụng trái phép chất ma túy đang dần trở nên phổ biến những năm gần đây. Điều này chứng tỏ, ma túy ngày nay không phân biệt độ tuổi. Vậy do đâu chúng ta lại căn cứ độ tuổi để quy định thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy? Đặt câu hỏi này, đại biểu Trương Thị Yến Linh đề nghị, cần giải trình thấu đáo hơn quy định này để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong thực tế. 

Chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật này, Ủy ban về các vấn đề Xã hội cho biết, Điều 24 được điều chỉnh theo hướng: Quy định thời hạn quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy là 12 tháng mà không phân biệt độ tuổi. Đồng thời, bổ sung quy định làm rõ căn cứ và cơ sở thực hiện các nội dung quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy để tránh quy định một cách tùy nghi và bảo đảm tính khả thi.

Thời gian qua, các chất ma túy, chất gây nghiện liên tục được phát hiện, thành phần gây nghiện mới được bổ sung vào thực phẩm ngày càng nhiều hơn. Điều này cho thấy mức độ tinh vi của các đối tượng phạm tội, đồng thời cũng sẽ khiến cuộc chiến chống tội phạm ma túy ngày càng gian nan hơn. Do vậy, rất cần thiết quy định cố định các biện pháp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy ngay từ đầu tại dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), góp phần thực hiện hiệu quả các yêu cầu trong Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.

Lê Bình