Quản lý mã ngành theo chiều rộng
Một số tên ngành tại nhiều trường ĐH, CĐ sẽ phải đổi tên trong mùa tuyển sinh 2011 để phù hợp với quy định mới. Ngành giáo dục cho rằng, cách làm này là sự đổi mới quản lý từ chiều sâu sang chiều rộng, nhằm giúp các trường chủ động hơn trong đào tạo và người học dễ kiếm việc làm hơn sau khi tốt nghiệp. Dưới đây là cuộc trao đổi với THỨ TRƯỞNG BỘ GD - ĐT BÙI VĂN GA.
Việc đổi tên mã ngành theo Thông tư 14 của Bộ GD - ĐT được cho là sự đổi mới quản lý nhà nước về đào tạo ĐH. Sự đổi mới này có lợi gì cho các trường cũng như cho người học, thưa Thứ trưởng?
Nói chung, về mặt quản lý Nhà nước, Bộ GD - ĐT chỉ quản lý những ngành hết sức tổng quát. Các nước khác cũng làm như vậy. Ví dụ, ngành xây dựng, các trường triển khai cụ thể thành nhiều ngành như kỹ thuật công trình xây dựng, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông... Cách quản lý ngành rộng như vậy cũng có lợi cho người học như sinh viên sau khi học xong có nhiều cơ hội chuyển đổi ngành nghề cũng như kiếm việc làm. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm là Việt Nam có truyền thống quản lý quá sâu vào từng chuyên ngành theo kinh nghiệm của các nước Nga, Pháp trước đây. Hiện nay chúng ta đã có mã ngành cấp 3, cấp 4 và cấp 5. Cấp 3 do Thủ tướng Chính phủ quy định còn cấp 4 là Bộ GD - ĐT quản lý, cấp 5 do các trường triển khai trong phạm vi trường mình.
Vậy mã ngành cấp 5 do các trường triển khai như Thứ trưởng vừa nói có thể hiểu là các trường có quyền mở ngành riêng, phù hợp với trình độ kỹ thuật chuyên môn, cũng như điều kiện đào tạo của mình không?
Như tôi đã nói, Bộ GD - ĐT chỉ quản lý những ngành rộng, sau đó giao cho các trường. Trên cơ sở thực tế, các trường có những ngành riêng, ngành mới phù hợp với kỹ thuật chuyên môn. Tất nhiên là khi chuyển đổi theo thông tư hướng dẫn sẽ có những ngành truyền thống không biết ghép vào đâu. Vì vậy, đối với những trường khó khăn trong việc đổi tên ngành, chủ trương của Bộ GD - ĐT là tiếp tục cho đào tạo mã ngành cũ đến khi nào xã hội quen và có thể ghép vào những ngành chung. Lúc đó, Bộ sẽ quyết định mã ngành chung cho những ngành này.
Trên thực tế, nhiều trường gặp khó khăn cho việc đổi tên ngành theo hướng dẫn này, vì tên ngành sẽ liên quan đến việc thiết kế chương trình đào tạo. Ngay cả thí sinh cũng thắc mắc về tên ngành, bộ có giải pháp gì để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện, thưa Thứ trưởng?
Thực ra khi xây dựng mã ngành rộng thế này, chúng tôi đã hỏi ý kiến các trường, nhưng hình như lúc đó các trường chưa quan tâm lắm đến vấn đề này. Đến khi bắt đầu triển khai, các trường mới thấy nó ảnh hưởng đến mình. Để khắc phục khó khăn, chúng tôi đã thống nhất những ngành đặc thù thì Bộ cho phép trường thí điểm đào tạo theo yêu cầu. Vừa rồi, chúng tôi đã đồng ý cho ĐH Luật Hà Nội đào tạo ngành luật thương mại quốc tế. Có nhiều ngành, nếu chiếu theo mã ngành cấp 3, cấp 4 thì chưa có nhưng chúng tôi vẫn đồng ý cho trường đào tạo... Nói vậy để thấy, những trường còn khó khăn trong việc áp dụng mã ngành theo quy định mới có thể tiếp tục đào tạo những ngành cũ hoặc thí điểm ngành mới, đến khi nào ổn định thì bổ sung vào hệ thống mã ngành của hệ thống giáo dục quốc dân.
|
Như vậy, các trường vẫn còn cơ hội đề xuất thay đổi tên ngành, chứ đây chưa phải là một lỗi trong quy định về điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo… để Bộ có thể đình chỉ tuyển sinh, hoặc thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ ĐH, CĐ?
Đúng vậy, các trường vẫn có thể đề xuất nếu thấy hợp lý. Tất nhiên là không thể đề xuất quá nhiều ngành phân tán. Tôi đã khẳng định, bộ chỉ quản lý mã ngành rộng, quản lý những cái chung nhất, những mã ngành nhỏ thì trường tự chủ, các trường tự xác định chương trình đào tạo của mình. Còn theo quy định mới về điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ ĐH, CĐ mới được Bộ GD - ĐT ban hành, các trường sẽ bị đình chỉ tuyển sinh ngành đào tạo nếu không tuyển sinh được trong 3 năm liên tiếp; tổ chức tuyển sinh và đào tạo ngoài địa điểm được phép đào tạo... Trường sẽ bị thu hồi quyết định mở ngành đào tạo nếu có hành vi gian lận để được phép mở ngành đào tạo; vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ phải thu hồi...
Xin cám ơn Thứ trưởng!