Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Quản lý công dân bằng công nghệ hiện đại

- Thứ Sáu, 05/03/2021, 07:15 - Chia sẻ
Sau một thời gian ngắn với tinh thần “thần tốc”, "vừa chạy vừa xếp hàng", hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã chính thức được Bộ Công an khai trương vào cuối tháng 2 vừa qua. Khi đi vào hoạt động, Hệ thống cơ sở dữ liệu về dân cư được xem là một bước đột phá trong quản lý dân cư tại Việt Nam, là hệ thống nền tảng giúp thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công sang hiện đại.

Số hóa phương thức quản lý công dân

Với khoảng 5.400 thủ tục hành chính, thuộc phạm vi quản lý của các bộ, mà việc quản lý dân cư mang tính đơn lẻ, từng bộ, ngành quản lý, theo dõi riêng biệt thông qua việc cấp một số loại giấy tờ mỗi công dân, nên mỗi công dân sở hữu nhiều loại giấy tờ khác nhau (giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, thẻ bảo hiểm y tế, hộ chiếu, giấy phép lái xe, các loại chứng chỉ…). Trong khi đó, việc nghiên cứu, xây dựng các cơ sở dữ liệu mới chỉ tập trung vào mục tiêu quản lý nhà nước của từng bộ, ngành, lĩnh vực mà chưa đặt vấn đề kết nối, chia sẻ thông tin về công dân giữa các cơ sở dữ liệu, gây chia cắt thông tin, không thống nhất về thông tin cơ bản của một công dân.

Những người dân đầu tiên được hưởng lợi từ Dự án Dữ liệu quốc gia về dân cư  

Khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý dân cư của các cơ quan quản lý nhà nước, ngày 8.6.2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 896 phê duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020 với mục tiêu tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm cho biết, ngày 11.3.2020, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 366 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, Bộ Công an đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của toàn lực lượng. Với tinh thần “thần tốc”, “vừa chạy vừa xếp hàng”, Bộ Công an đã ưu tiên cao nhất nguồn lực, kinh phí, phương tiện để hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Tính đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị về hạ tầng và công nghệ, kỹ thuật để đưa hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào vận hành đã sẵn sàng. Sau khi hệ thống này đi vào hoạt động sẽ cung cấp các thông tin cơ bản có đầy đủ tính pháp lý về công dân. Tới đây, người dân, doanh nghiệp thay vì phải khai báo, nộp, chứng thực các giấy tờ khi thực hiện các giao dịch với cơ quan nhà nước thì các thông tin đó sẽ được trích xuất tự động khi thực hiện các giao dịch hoặc các cơ quan nhà nước tra cứu, khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nhanh chóng, tiện lợi và sự hài lòng

Bên cạnh việc giúp giảm bớt thời gian chuẩn bị hồ sơ, giảm chi phí giấy tờ, thời gian xác minh, đi lại cho công dân; Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công sang hiện đại thông qua mã định danh cá nhân. Đây cũng là chìa khóa giúp giải quyết cơ bản vấn đề định danh, xác thực điện tử cho công dân trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, thực hiện phương thức quản lý mới sẽ bảo đảm công khai, minh bạch các thủ tục hành chính để phục vụ công tác quản lý; qua đó, tạo ra sự chuyển biến căn bản trong quan hệ giải quyết thủ tục hành chính giữa cơ quan Nhà nước với người dân.

Cán bộ công an trong ngày vận hành khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Là một trong những công dân đầu tiên được trải nghiệm dịch vụ ngay sau khi bấm nút kích hoạt hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất cấp và quản lý căn cước công dân khi đi làm thủ tục đăng ký thường trú, nhập hộ khẩu, chị Nguyễn Thị Kim Loan, trú tại xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên cho biết: Chị rất hài lòng với dịch vụ, bởi thủ tục làm nhanh chóng, không mất nhiều thời gian, cũng không phải mang kèm nhiều giấy tờ và điền nhiều thông tin thủ tục như trước đây. Thay vào đó, chỉ cần cung cấp thẻ căn cước công dân cho cán bộ tiếp dân để quét là hệ thống sẽ tự hiện thị đầy đủ thông tin, mình không cần phải kê khai mà chỉ cần kiểm tra lại thông tin, ký xác nhận là hoàn thành xong thủ tục.

Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quản lý thông tin của hơn 100 triệu người dân, phạm vi sử dụng trên cả nước với hơn 11.500 điểm từ cấp xã, huyện đến Trung ương với lượng người truy nhập vào hệ thống là hơn 40.000. Tính sơ bộ, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp giảm chi phí tiết kiệm được là 4.864 tỷ đồng/năm.

Chị Hà Yến Nhi, trú tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng cũng là một trong những người đầu tiên hưởng lợi từ dự án Cơ sở dữ liệu về dân cư, chị Yến Nhi cho biết, mặc dù đã nhiều lần trực tiếp đi làm thủ tục, xong chưa lần nào việc đi làm thủ tục đăng ký mã số thuế lần đầu lại nhanh như vậy. “Tôi rất hài lòng với cách thực hiện này, vì so với trước kia tôi phải mất nhiều thời gian để phô tô các giấy tờ cá nhân nhưng nay chỉ cần ngồi quán cà phê là đã hoàn thành tờ kê khai mã số thuế lần đầu. Sự thuận lợi đó là nhờ một phần do thông tin của tôi đã được bên Cơ sở dữ liệu quốc gia cập nhật sang mà không cần mất nhiều thời gian để điền thông tin khác”.

Không chỉ một hay nhiều hoạt động hành chính mà rất nhiều lĩnh vực đều có thể khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu này để đạt được những lợi ích từ công cuộc số hóa đang được triển khai hiện nay. Đơn cử như lĩnh vực giao thông, đối với lỗi vi phạm người điều khiển xe máy không có gương chiếu hậu, thông thường lỗi này sẽ mất từ 15 - 20 phút để lực lượng chức năng hoàn thiện việc lập biên bản xử lý, nhưng nay nhờ thông tin cá nhân đã được tích hợp trong thẻ Căn cước công dân nên cả lực lượng chức năng và người vi phạm lỗi chỉ mất một vài phút là đã có thể tiến hành xong các bước xử phạt, nộp phạt.

Bài và ảnh: Hải Thanh - Minh Hiền