Quản lý chất thải rắn – góp phần kiểm soát ô nhiễm môi trường
Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7.5.2018. Theo đó, quản lý tổng hợp chất thải rắn là một trong những ưu tiên của công tác bảo vệ môi trường, góp phần kiểm soát ô nhiễm, hướng tới phát triển bền vững đất nước.

Phát biểu tại Hội thảo “Kiểm soát chất thải rắn: Chính sách, pháp luật và thực tiễn" do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức, ông Đặng Đình Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị về mặt quản lý nhà nước, các Bộ, ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả các Chương trình trọng điểm cấp quốc gia về liên quan đến bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai, trong đó có công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhằm đánh giá, lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với Việt Nam. Cùng với đó, ban hành, hoàn thiện cơ chế khuyến khích đủ hấp dẫn để doanh nghiệp tham gia chuyển giao công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt gắn liền với các dự án đầu tư và nghiên cứu nhiệm vụ KHCN có quy mô lớn; cần bổ sung đầy đủ chính sách về đơn giá xử lý rác/ mua điện từ dự án điện rác cho từng loại hình công nghệ khác nhau, cơ chế miễn giảm thuế, hỗ trợ/giảm lãi suất.
Đối với công nghệ đốt rác, ông Tùng khuyến cáo không phát triển thêm những dự án áp dụng lò đốt có công suất nhỏ (350-1000kg/h); đây là những giải pháp tình thế, tạm thời để xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các khu dân cư nhỏ. Các nhà máy xử lý rác cần thực hiện triệt để việc phát tán mùi ra bên ngoài bằng cách làm kín khu chứa rác, tạo áp suất âm và xử lý khí thải, nước rỉ rác tại nhà chứa rác. Khuyến khích các mô hình xử lý tập trung, quy mô đủ lớn và công nghệ hiện đạ với công suất xử lý từ 500 tấn trở lên.

Cùng với đó, đẩy mạnh kinh tế xanh, tuần hoàn, xử lý chất thải rắn sinh hoạt kết hợp với chất thải rắn công nghiệp tại các khu công nghiệp theo mô hình tiết kiệm năng lượng, tận dụng nhiệt từ chất thải rắn phục vụ cho các hộ tiêu thụ trong khu công nghiệp. Chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam có độ ẩm cao, lẫn nhiều tạp chất, phân loại đầu nguồn chưa tốt… do đó công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với Việt Nam phải khắc phục được những nhược điểm trên và có giá thành phù hợp để có thể kêu gọi được các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Việc thành công trong quản lý rác thải yêu cầu sự phối hợp giữa chính phủ, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cộng đồng. Việc tăng cường nhận thức trong cộng đồng rất quan trọng. Chúng ta cần tạo ra một tinh thần chung về trách nhiệm xã hội đối với việc quản lý, phân loại chất thải từ đầu nguồn đúng cách và khuyến khích thái độ và hành vi tích cực của cộng đồng đối với việc quản lý, phân loại chất thải. Sự quyết tâm và hợp tác của cộng đồng, doanh nghiệp và chính phủ là yếu tố rất quan trọng để giải quyết bài toán xử lý rác thải tại Việt Nam.
Mặt khác, để thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và mới đây nhất là COP28, cần phát triển các công nghệ xử lý chất thải rắn mới, thân thiện môi trường và giảm thải khí nhà kính – ông Tùng nói.