Quản lý chặt nợ công, giữ vững an toàn tài chính quốc gia

- Thứ Ba, 10/08/2021, 06:46 - Chia sẻ
Tại Nghị quyết về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 đã xác định tổng mức vay, tỷ lệ nợ công phù hợp, để có thêm nguồn tăng vốn đầu tư công nhằm tạo đột phá và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng đối chiếu với một số chỉ tiêu khác, các đại biểu Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần chú ý trong điều hành, để quản lý chặt chẽ nợ công, giữ vững an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.
Một số chỉ tiêu quan trọng tại Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025
Một số chỉ tiêu quan trọng tại Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025

Lần đầu tiên đặt ngưỡng cảnh báo nợ công

Trong Nghị quyết về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 đã xác định tổng thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn tới khoảng 8,3 triệu tỷ đồng, gồm thu từ thuế, phí chiếm 13 - 14%; thu nội địa bình quân 85 - 86% tổng GDP. Tổng mức vay trong 5 năm tới được xác định là 3,068 triệu tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương vay khoảng 2,9 triệu tỷ đồng với nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng. Tổng mức vay của ngân sách địa phương khoảng 148.000 tỷ đồng và nghĩa vụ trả nợ của chính quyền địa phương khoảng 35.300 tỷ đồng.

Để bảo đảm an toàn nợ công, Nghị quyết cũng đặt trần nợ công hàng năm không quá 60% GDP, ngưỡng cảnh báo là 55% GDP. Bên cạnh đó, trần nợ Chính phủ hàng năm không quá 50% GDP; ngưỡng cảnh báo là 45% GDP; trần nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm không quá 50% GDP; ngưỡng cảnh báo là 45% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) được xác định không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước. Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc ngắn hạn dưới 12 tháng) không quá 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Ngưỡng cảnh báo nợ công là một chỉ tiêu lần đầu được đưa vào Kế hoạch tài chính quốc gia giai đoạn 5 năm. Đây là một chỉ tiêu được đưa vào Kế hoạch tài chính giai đoạn 5 năm theo quy định tại Luật Quản lý nợ công năm 2017. Chỉ tiêu này được đưa vào áp dụng để trước khi đến chạm “trần” nợ công sẽ có “ngưỡng” cảnh báo báo động đỏ tình trạng vay, đòi hỏi cơ quan chức năng triển khai biện pháp kiểm soát lại nguồn vay nợ.

Dù có thêm một chỉ tiêu nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm an toàn nợ công, song trước khi thông qua Nghị quyết này, một số đại biểu Quốc hội đề nghị, cân nhắc mức trần nợ công thấp hơn để đạt mục tiêu dài hạn theo Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị và bảo đảm an toàn nợ công.

Giải trình về chỉ tiêu này, tại Báo cáo tiếp thu, giải trình về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 nêu rõ: Việt Nam là quốc gia đang phát triển, nhu cầu vay nợ để tăng đầu tư là cần thiết cho giai đoạn tới, cũng như dự phòng các tác động phức tạp của đại dịch Covid-19. Mức tỷ lệ “trần nợ công” cũng bảo đảm theo tinh thần Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, và Chính phủ đã đề xuất thêm “ngưỡng cảnh báo” để đặt ra các mục tiêu thực hiện an toàn hơn. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội chấp thuận phương án Chính phủ trình.

Không ban hành đề án mới khi không cân đối được nguồn

Quan tâm đến chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia, đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) phân tích, Việt Nam là nước đang phát triển có thu nhập trung bình ước tính khoảng từ 4.700 đến 5.000 USD/người. Do vậy, trong thời gian tới, quá trình vay vốn, chi phí vay vốn có thể cao, kỳ hạn trả nợ gốc bị rút ngắn, áp lực trả nợ tăng cao. Việc bố trí vốn đối ứng gặp rất nhiều khó khăn khi áp lực khả năng trả nợ tăng rất cao. Nguy cơ vượt ngưỡng 25% vào năm 2021 từng được Ủy ban Tài chính - Ngân sách cảnh báo. Chỉ ra điều này, đại biểu Trần Anh Tuấn đề nghị, việc đánh giá, so sánh chi phí lãi vay trong nước và các hiệp định vay cần phải được đánh giá cụ thể, qua đó giúp chọn lựa chi phí lãi vay tối ưu và hiệu quả nhất. “Để tránh vay mượn chi phí khá cao, chúng ta cần có một sự so sánh”, đại biểu Trần Anh Tuấn lưu ý.

Dù chỉ tiêu bội chi và nợ công trong giai đoạn 2021 - 2025 tuy được giữ ở mức giảm hoặc tương đương so với giai đoạn trước. Song, một số đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, chỉ tiêu bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 nếu tính trên GDP chưa điều chỉnh thì rất cao. Trên thực tế, bội chi của nước ta còn ở mức cao so với khu vực, gần chạm ngưỡng cảnh báo nguy hiểm theo thông lệ quốc tế số vay hàng năm nhiều gấp 1,7 lần so với bình quân giai đoạn trước.

Ngoài ra, các tỷ lệ an toàn nợ công hiện đều nằm trong giới hạn nhưng số tuyệt đối của các khoản nợ tăng nhiều. Mức dư nợ vay bình quân trên đầu người tăng cao so với giai đoạn trước. Tổng mức vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc cũng đã lớn hơn tổng số vốn đầu tư công của giai đoạn 2021 - 2025. Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu, Chính phủ cần chú ý trong điều hành để bảo đảm an toàn nền tài chính quốc gia.

Những lưu ý trong điều hành với Chính phủ, các bộ, ngành trên thực tế cũng đã được quy định rõ trong nội dung về các giải pháp để thực hiện mục tiêu, phương hướng của Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh các giải pháp cụ thể với vay, trả nợ công, Nghị quyết cũng quy định rõ, cần thường xuyên đánh giá những tác động của vay vốn đến dư nợ công, nợ Chính phủ và nghĩa vụ trả nợ; gắn kết tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước và tỷ lệ trả nợ trực tiếp từ ngân sách trong điều hành ngân sách nhà nước hàng năm. Không ban hành các chính sách, chế độ, các chương trình, đề án mới khi không cân đối được nguồn. Trường hợp các chỉ tiêu nợ công chạm ngưỡng cảnh báo, Chính phủ báo cáo Quốc hội tình hình, giải pháp kiểm soát đặc biệt quản lý nợ công.

Thanh Hải