Quản lý, bảo vệ động vật hoang dã

- Thứ Sáu, 20/08/2021, 06:00 - Chia sẻ
Mặc dù khung pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã đã khá đầy đủ, song thực tế vẫn có nhiều vi phạm về buôn bán, nuôi nhốt động vật hoang dã bất hợp pháp. Ngoài nguyên nhân “lợi nhuận khủng” khiến các đối tượng, đường dây buôn bán vận chuyển động vật hoang dã trái phép bất chấp làm liều, thì việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, công tác tuyên truyền về pháp luật bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm, nguy cấp của các ngành chức năng, các địa phương chưa đến nơi đến chốn khiến cho tình trạng này còn nhức nhối.

Bài 1: Nhức nhối nạn buôn bán bất hợp pháp

Gần đây, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, “thị trường ngầm" mua bán sản phẩm từ động vật hoang dã bất hợp pháp lại càng hoạt động sôi nổi hơn. Nhiều chuyên gia cho rằng, hệ quả của việc mua bán, nuôi nhốt động vật hoang dã bất hợp pháp không những gây nguy cơ tuyệt chủng nhiều loài động vật, mà còn khiến nguy cơ về dịch bệnh gia tăng...

Tội phạm vẫn hoạt động “ngầm”

Số liệu do Cơ quan điều tra Môi trường (EIA) công bố cho thấy, khoảng 15 năm gần đây, trong số các vụ bắt giữ buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam hoặc liên quan đến Việt Nam, có ít nhất 105,72 tấn ngà voi (khoảng 15.779 cá thể voi); 1,69 tấn sừng tê giác (khoảng 610 cá thể tê giác); da, xương từ ít nhất 228 cá thể hổ, 65.510 cá thể tê tê bị thu giữ. Đáng nói, đây chỉ là những vụ việc được phát hiện và xử lý. Trên thực tế, tội phạm ẩn của tình trạng săn bắn mua bán động vật hoang dã ở Việt Nam còn rất nhiều nhưng chưa được phát hiện, xử lý.

Khảo sát nhanh của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cho thấy, cả trước và sau thời điểm Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã được ban hành, tình trạng buôn bán các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã tại nhiều địa phương vẫn không có biến chuyển tích cực. Một số chợ động vật hoang dã vẫn hoạt động công khai, thậm chí buôn bán cả các loài động vật quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ. Đặc biệt, vấn nạn buôn bán các sản phẩm từ ngà voi rất sôi động, xuất hiện tại nhiều tỉnh thành ở cả ba miền; hoạt động nuôi nhốt động vật hoang dã tại nhiều trang trại cũng chưa được kiểm soát chặt về mặt thú y, vệ sinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Báo cáo “Chưa lối thoát: Nạn buôn bán động vật hoang dã trước và trong đại dịch Covid-19 tại Việt Nam” do PanNature thực hiện tại 20 tỉnh, thành trong hai năm 2019 - 2020 chỉ rõ: Có tới 27/31 địa điểm được khảo sát ghi nhận tình trạng buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm từ ngà voi; một số khu chợ tại đồng bằng sông Cửu Long vẫn buôn bán sôi động các loài rùa, chim và các động vật hoang dã khác, bao gồm loài quý hiếm.

Điều đáng nói, sau khi một trong những nguyên nhân gây ra đại dịch Covid-19 được cho là có thể bắt nguồn từ động vật hoang dã, Chính phủ Việt Nam đã có các chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc săn bắn, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã; mệnh lệnh về việc đóng cửa các chợ buôn bán động vật hoang dã đã được đưa ra. Tuy vậy, nạn buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam đến nay vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Bằng chứng là, một số chợ buôn bán động vật hoang dã vẫn công khai hoạt động bất chấp lệnh cấm của chính quyền địa phương; nhiều vụ việc mua bán, nuôi nhốt động vật hoang dã quý hiếm được phát hiện, bắt giữ. Đơn cử như khu chợ Thạnh Hóa ( Long An) - nơi mệnh danh “ địa ngục chim trời” vẫn hoạt động; nhiều vụ việc buôn bán, nuôi nhốt động vật hoang dã liên tiếp được phát hiện với số lượng lớn. Một trong những đường dây vận chuyển số lượng lớn động vật hoang dã quý hiếm được ưu tiên bảo vệ gồm rắn hổ mang chúa, rắn hổ mang Trung Quốc, rắn cạp nong, rùa sa nhân, tắc kè, cầy vòi... được Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Yên Bái triệt phá vào trung tuần tháng 5.2021.

Mới đây nhất, ngày 4.8, khi mà làn sóng dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh, thành phố, lực lượng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với các cơ quan chức năng cũng phát hiện, bắt vụ giữ 17 con hổ đang được nuôi nhốt trái phép, quy mô lớn tại nhà một số người dân ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Số lượng lớn ngà voi được lực lượng chức năng

Vi phạm nhiều, xử lý được bao nhiêu?

Nhận thức rõ mức độ ảnh hưởng cũng như tác động xấu của hành vi săn bắt, buôn bán, gây nuôi động vật hoang dã có thể gây ra, thời gian gần đây công tác bảo vệ động vật hoang dã đã được các cơ quan bảo vệ pháp luật, ngành chức năng cũng như các địa phương tăng cường. Dẫu vậy, số vụ vi phạm được xử lý chỉ đếm được trên đầu ngón tay...

Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) Bùi Thị Hà dẫn chứng: Từ năm 2018 đến nay, ENV đã ghi nhận hơn 50 tấn động vật hoang dã được phát hiện từ các vụ việc, trong đó có hơn 15 tấn ngà voi được tịch thu tại các cảng. Tuy nhiên, các vụ việc cũng như đối tượng vi phạm được xử lý chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đơn cử, liên quan đến lô hàng ngà voi lớn nêu trên cho đến nay, ENV chưa thấy bất cứ đối tượng nào phải chịu trách nhiệm cho những lô hàng lớn này, trong khi rất có thể chúng thuộc về các đường dây buôn bán động vật hoang dã lớn xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam.

Nguyên nhân của thực trạng trên là do phần lớn đối tượng mua bán, nuôi nhốt động vật hoang dã rất khôn khéo, xảo quyệt, trong khi đó lực lượng chức năng chuyên về điều tra xử lý vi phạm về động vật hoang dã còn thiếu và chưa được quan tâm đúng mức. Một nguyên nhân nữa khiến hầu hết các vụ việc bị “chìm xuồng” không được xử lý là do năng lực ở địa phương có hạn, nhiều vụ việc được phát hiện bắt giữ với quy mô lớn, quá trình bắt giữ thì do các cơ quan ở Trung ương tiến hành, nhưng quá trình điều tra, xử lý thì lại chuyển về địa phương. Ngoài ra, sự phối kết hợp với các quốc gia láng giềng, tìm nguồn xuất hiện nay đang gặp phải những khó khăn nhất định dẫn đến việc xử lý các vụ việc không dễ.

Chú thích ảnh: Số lượng lớn ngà voi được lực lượng chức năng bắt giữ 

Bài và ảnh: H. Thanh- D. Thúy