Nếu cần bằng chứng về mối quan hệ kinh tế đang phát triển nhanh chóng như thế nào giữa Trung Quốc và Ảrập Xêút, thì chỉ cần nhìn vào hai sự kiện diễn ra vào tháng trước. Đầu tiên là Hội nghị Kinh doanh Trung Quốc - Ảrập Xêút ở Riyadh với hơn 30 thỏa thuận trị giá ít nhất 10 tỷ USD. Tiếp đó là Diễn đàn Kinh tế Thế giới được tổ chức tuần trước tại thành phố Thiên Tân của Trung Quốc, được gọi là “Davos mùa hè”. Mức độ quan trọng của Ảrập Xêút đối với sự kiện này được phản ánh qua số lượng chưa từng có các nhân vật cấp cao tham dự. Vương quốc dầu mỏ đã cử một phái đoàn gồm 24 quan chức, trong đó có những vị trí quan trọng như Bộ trưởng Kinh tế và kế hoạch; Bộ trưởng Công nghệ thông tin và truyền thông. Mặc dù không có thỏa thuận lớn nào được công bố, nhưng rõ ràng cả hai nước đều muốn sử dụng sự kiện này để khám phá tiềm năng hợp tác kinh tế sâu rộng.
Trong nhiều thập kỷ, quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Ảrập Xêút tập trung vào xuất khẩu dầu thô của vương quốc này. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mối quan hệ này đã nhanh chóng đa dạng hóa, phản ánh mong muốn của cả hai nước nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế vượt ra ngoài sự tập trung truyền thống vào các nguồn năng lượng.
Đối với Trung Quốc, cách tiếp cận này đã đi từ giao dịch thuần túy sang nhiều khía cạnh và đan xen hơn trong tương lai kinh tế và chính trị của Ảrập Xêút cũng như đối với các quốc gia khác trong khu vực Trung Đông.
Cam kết nhất quán
Những hợp đồng “tiền tươi thóc thật” của Trung Quốc đóng vai trò như sự bảo đảm thuyết phục nhất cho các cường quốc khu vực về cam kết can dự và ở lại khu vực của Bắc Kinh. Điều này hoàn toàn trái ngược với sự thiếu cam kết của Hoa Kỳ và đặt ra một thách thức to lớn đối với những nỗ lực của Washington nhằm duy trì ảnh hưởng của họ ở Trung Đông.
Từ lâu, mối quan hệ kinh tế giữa Bắc Kinh và Riyadh vốn đã bền chặt. Ảrập Xêút trong nhiều năm là nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất sang Trung Quốc. Vương quốc này cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Kinh ở Trung Đông trong hơn hai thập kỷ. Trong khi đó, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ảrập Xêút kể từ năm 2013.
Cột mốc rõ ràng nhất cho thấy mối quan hệ đang bước sang một kỷ nguyên mới sâu sắc hơn được đánh dấu trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Ảrập Xêút vào tháng 12 năm ngoái. Hai chính phủ đã xác định phạm vi hợp tác rộng lớn trong tương lai, bao gồm các lĩnh vực từ năng lượng, ô tô, chuỗi cung ứng, thông tin liên lạc, giao thông vận tải, khai thác mỏ và lĩnh vực tài chính.
Bắc Kinh và Riyadh đã cố gắng tìm ra sự mẫu số chung giữa Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc với chương trình cải cách Tầm nhìn 2030 của Ảrập Xêút, coi đó là đòn bẩy cho tương lai hợp tác phát triển các nguồn năng lượng mới bao gồm năng lượng mặt trời, gió và thủy điện, cũng như về nền kinh tế kỹ thuật số, chẳng hạn như mạng viễn thông thế hệ thứ 5 (5G).
Những lĩnh vực hợp tác này một lần nữa được thể hiện trong Hội nghị Doanh nghiệp Trung Quốc - Ảrập Xêút vào tháng trước. Một thỏa thuận trị giá 5,6 tỷ USD đã nhanh chóng được ký kết giữa Bộ Đầu tư Ảrập Xêút và nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Human Horizon, tập trung vào phát triển và sản xuất xe điện.
Đồng thời, một thỏa thuận trị giá 500 triệu USD giữa Tập đoàn ASK của Ảrập Xêút và Tập đoàn Địa chất và Khai thác mỏ quốc gia Trung Quốc sẽ cho phép công ty Trung Quốc phát triển các mỏ đồng ở vương quốc này.
Một lĩnh vực hợp tác khác trong tương lai là du lịch, vốn được coi là “dầu mỏ mới” của Ảrập Xêút. Kể từ khi nới lỏng các hạn chế đối với du khách, vương quốc này coi du lịch là lĩnh vực then chốt để tăng trưởng kinh tế và đã cam kết đầu tư hơn 800 triệu USD cho sự phát triển của lĩnh vực này. Tại Hội nghị Doanh nghiệp Trung Quốc - Ảrập, 26 thỏa thuận đã được ký kết giữa Chính quyền Riyadh và các công ty du lịch Trung Quốc.
Hướng tới mối quan hệ kinh tế có tầm nhìn chiến lược
Phạm vi và quy mô của các thỏa thuận cho thấy sự phát triển từ mối quan hệ giao dịch thương mại đơn thuần của Trung Quốc với các nước Trung Đông sang mối quan hệ hợp tác phát triển.
Trước đây, những gì Trung Quốc muốn từ khu vực chỉ đơn thuần là tài nguyên năng lượng, có thể đạt được thông qua thương mại mà không cần đầu tư chiến lược dài hạn. Bản chất giao dịch của các mối quan hệ có nghĩa là Trung Quốc có thể duy trì quan hệ tốt với các phe phái và chủ thể đối lập nhau trong khu vực. Cách tiếp cận này có thể mang lại cho Bắc Kinh sự linh hoạt, nhưng bị chỉ trích là thiếu cam kết chiến lược hoặc tầm nhìn dài hạn.
Trong thập kỷ qua, chiến lược của Trung Quốc đã trở nên có tính toán và có chủ đích hơn. Việc đa dạng hóa quan hệ kinh tế với Ảrập Xêút là một ví dụ như vậy.
Bắc Kinh không còn bằng lòng với việc chỉ là khách hàng chính của dầu thô trong khu vực. Thay vào đó, họ muốn tối đa hóa tiềm năng của khu vực như một thị trường cho hàng hóa, lao động và công nghệ của Trung Quốc; và hòa mình vào tương lai kinh tế của các quốc gia trong khu vực thông qua đầu tư và hợp tác lâu dài.
Thay vì hoàn toàn mang tính giao dịch, Trung Quốc đang phát triển một chiến lược khu vực kết hợp tầm nhìn chung về quản trị trong nước và tương lai kinh tế kết nối. Cam kết này đã nâng cao uy tín của Trung Quốc trong khu vực với tư cách là một đối tác kinh tế và một bên tham gia ngoại giao. Điều này hoàn toàn trái ngược với những băn khoăn thường trực của các nước Trung Đông và vùng Vịnh về việc liệu Mỹ có cam kết đầy đủ với khu vực hay không và trọng tâm địa chính trị đang thay đổi của Washington là gì?
Những hợp đồng kinh tế, những thỏa thuận đầu tư nhất quán và các mối quan hệ song phương của Bắc Kinh có lẽ là những công cụ hiệu quả nhất trong cuộc cạnh tranh với Mỹ để giành ảnh hưởng ở khu vực. Với chiến lược có ý thức của Bắc Kinh nhằm làm sâu sắc thêm các mối quan hệ ở Trung Đông, Mỹ sẽ càng khó khăn hơn trong việc cân nhắc giữa các ưu tiên địa chính trị khác nhau của mình, bao gồm Ukraine, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Trung Quốc. Bắc Kinh không cần phải đạt được mức tối đa trong khả năng của mình. Nó chỉ cần thể hiện rằng nó đang làm nhiều hơn và tốt hơn Mỹ để giành được trái tim và khối óc của các nhà lãnh đạo trong khu vực.
Sự tham gia chiến lược ngày càng sâu rộng của Trung Quốc cũng mang lại cho các nước Trung Đông nhiều cơ hội hơn để hành động và có nhiều quyền lực thương lượng hơn với Mỹ. Sự sẵn có của các lựa chọn và giải pháp thay thế luôn là một lời nhắc nhở mạnh mẽ đối với Washington rằng khu vực này không nhất thiết phải tuân theo các nguyên tắc và hướng dẫn của Mỹ.
Trong khi những phản ứng từ Mỹ, mối quan hệ kinh tế ngày càng sâu sắc và đa dạng giữa Riyadh với Bắc Kinh chắc chắn sẽ ngày càng được củng cố.