Quan hệ giữa Quốc hội và Tổng thống
Cho đến cuối thế kỷ XX, Quốc hội Hàn Quốc luôn trong vòng kiểm soát của Tổng thống. Theo Hiến pháp năm 1948, mô hình Tổng thống được thiếp lập; Tổng thống do Quốc hội bầu với nhiệm kỳ 4 năm, có thể được bầu lại thêm một nhiệm kỳ. Tổng thống có quyền phủ quyết và triệu tập phiên họp bất thường của Quốc hội. Cơ quan hành pháp có quyền đề xuất luật, dự và phát biểu tại phiên họp Quốc hội. Sau lần sửa đổi thứ nhất, Tổng thống do dân bầu trực tiếp. Quốc hội có quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Hội đồng Nhà nước; Thủ tướng và các thành viên Hội đồng Nhà nước có trách nhiệm tập thể. Sau sửa đổi lần thứ hai, việc tái cử không áp dụng cho Tổng thống đầu tiên, chức danh Thủ tướng bị bãi bỏ; các thành viên Hội đồng Nhà nước chịu trách nhiệm cá nhân.
![]() | |
Đương kim Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye | Đương kim Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Chung Ui-hwa |
Đến Hiến pháp của Nền Cộng hòa thứ hai (1960), mô hình nghị viện được áp dụng. Quyền hành pháp thuộc Hội đồng Nhà nước; Tổng thống là Nguyên thủ quốc gia mang tính biểu tượng, có nhiệm kỳ 5 năm, có thể được tái cử thêm 1 nhiệm kỳ, do Ủy ban lưỡng viện bầu. Hội đồng Nhà nước có quyền giải tán Hạ viện; Thủ tướng và một nửa số thành viên Hội đồng Nhà nước là nghị sĩ Quốc hội. Các hạ nghị sỹ có quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Hội đồng Nhà nước; Hội đồng Nhà nước có trách nhiệm tập thể trước nghị viện.
Hiến pháp của Nền Cộng hòa thứ ba (1962) tái thiết lập mô hình Tổng thống, theo đó cử tri bầu cử trực tiếp Tổng thống với nhiệm kỳ 4 năm; Tổng thống có quyền phủ quyết dự luật và yêu cầu phiên họp bất thường của Quốc hội. Cơ quan hành pháp có quyền trình dự luật; Quốc hội có quyền khuyến nghị việc bãi miễn Thủ tướng hoặc thành viên Hội đồng Nhà nước. Tuy nhiên, theo Hiến pháp của Nền Cộng hòa thứ tư (1972), Tổng thống do Hội đồng Thống nhất Quốc gia bầu với nhiệm kỳ 6 năm. Tổng thống có quyền giới thiệu ứng viên nghị sỹ để Hội đồng Thống nhất quốc gia bổ nhiệm. Còn Hiến pháp của Nền Cộng hòa thứ năm (1980) quy định Ủy ban Bầu cử bầu Tổng thống với nhiệm kỳ 7 năm và không được tái cử. Tổng thống có quyền giải tán Quốc hội, trình dự luật và thực hiện các biện pháp khẩn cấp. Quốc hội có quyền yêu cầu Thủ tướng, thành viên Hội đồng Nhà nước hoặc đại diện Chính phủ dự họp; quyền đề nghị bãi miễn Thủ tướng hoặc thành viên Hội đồng Nhà nước.
Đến nay, theo Hiến pháp của Nền Cộng hòa thứ sáu (1987), Quốc hội có thẩm quyền phê chuẩn việc bổ nhiệm Thủ tướng của Tổng thống; bãi nhiệm Thủ tướng hoặc thành viên Hội đồng Nhà nước; yêu cầu Thủ tướng, các thành viên Hội đồng Nhà nước hoặc đại diện Chính phủ dự và trả lời chất vấn trước Quốc hội. Để cân bằng với quyền lực của Quốc hội, cơ quan hành pháp có quyền yêu cầu triệu tập phiên họp bất thường; phủ quyết một dự luật do Quốc hội thông qua; tuyên bố áp dụng quân luật; tham dự và phát biểu tại phiên họp Quốc hội; trình những chính sách quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia hay trưng cầu dân ý toàn quốc; và đề xuất sửa đổi Hiến pháp.
Như vậy, lịch sử lập hiến Hàn Quốc có truyền thống Tổng thống mạnh, kiểm soát Quốc hội. Chỉ khi xuất hiện những ứng viên Tổng thống quyền thế, Quốc hội mới độc lập với Tổng thống. Nhưng ngay sau khi các ứng viên thắng cử Tổng thống, họ bắt đầu tổ chức lại chính đảng để kiểm soát nghị viện một cách hiệu quả như những người tiền nhiệm đã làm. Mặc dù lần sửa đổi Hiến pháp gần đây nhất năm 1987, đã phần nào cân bằng quyền lực giữa Tổng thống và Quốc hội, nền chính trị Hàn Quốc vẫn chịu ảnh hưởng của huyền thoại về một “Tổng thống hùng mạnh”, người có thể chèo lái phát triển kinh tế và cải cách chính trị cùng một lúc.