Sự tương quan cộng sinh, tỷ lệ thuận, cùng chiều và chế định lẫn nhau giữa phát triển giáo dục và phát triển kinh tế thể hiện thật đa dạng, song cũng thật rõ ràng và hội tụ trước hết ở chỗ: quốc gia, địa phương, doanh nghiệp, gia đình và cá nhân nào thực sự quan tâm nghiêm túc và có được nền giáo dục tốt, phù hợp, thì dễ đạt được sự phát triển và thành công vượt trội về kinh tế theo hướng bền vững cao hơn so với các nhóm đối tượng khác, thậm chí so với ngay bản thân các đối tượng này ở thời kỳ trước đó... Ngược lại, nhận thức thời cuộc bị lạc hậu và giáo dục xã hội (theo nghĩa rộng, nghĩa là bao gồm giáo dục cho tất cả các đối tượng, từ người lao động, cũng như các nhà quản lý doanh nghiệp, cho đến lãnh đạo quốc gia) bất cập do bị bóp méo theo những định kiến chính trị lạc hậu với những tiêu chuẩn mang tính hình thức cứng nhắc, duy ý chí, thì chắc chắn sớm hay muộn cũng làm biến dạng, thậm chí gây ra khủng hoảng và đổ vỡ kinh tế với các hệ lụy nặng nề. Khi đó, nhu cầu bức thiết phải đổi mới và phát triển giáo dục lên một tầm cao mới sẽ đặt ra như một bước đi và giải pháp chủ đạo để đổi mới và phát triển kinh tế mạnh mẽ và hiệu quả hơn theo hướng hiện đại hơn và có kiểm soát tốt hơn bởi cả bàn tay thị trường và Nhà nước...
Nhờ kết quả phát triển kinh tế mà giáo dục có điều kiện mở mang và phát triển nhanh hơn, đúng hướng hơn, do đó có hiệu quả và uy tín hơn. Chẳng phải ngẫu nhiên mà hầu như ở các nước có trình độ phát triển hơn về kinh tế cũng đều có nền giáo dục tiên tiến và có sức thu hút mạnh mẽ hơn đối với học sinh, sinh viên toàn thế giới. Năm 2008, Việt Nam có khoảng 86 triệu dân, đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, thứ 9 ở Châu Á và thứ 14 của thế giới. Tuy nhiên, đội ngũ lao động có trình độ cao lại đang bị già hóa rất nhanh. Số công nhân kỹ thuật bậc cao đa phần xấp xỉ tuổi 50. Số tiến sỹ tuổi bình quân là 52,8; giáo sư có độ tuổi 51- 70 chiếm tới 96% . Theo số liệu của UNDP, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam có xu hướng gia tăng thứ hạng. Trong các chỉ số cấu thành HDI của Việt Nam, thì chỉ số học vấn đạt kết quả cao nhất đứng thứ 101/177 nước, với tỷ lệ lao động biết chữ chiếm tỷ lệ bình quân khoảng 95%. Tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật tính từ trình độ sơ cấp hoặc chứng chỉ nghề trở lên trong năm 2000 là 15,53% tổng số lao động xã hội, tăng 22,52% so với năm 2006.
Việt Nam đang có những nghịch lý như người dân có tiềm năng trí tuệ học hỏi và sáng tạo khá cao, dễ thích nghi và đều mong ước làm giàu..., song nền kinh tế lại đang ở trình độ phát triển thấp, thuộc diện các nước nghèo nhất trên thế giới (năm 2007 ước tính GDP trung bình khoảng 835,9 USD/người); lao động đông và trẻ, số người đi học ngày càng tăng... nhưng tình trạng người lao động không đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp và lượng sinh viên đã tốt nghiệp của các trường đại học còn thất nghiệp cũng ngày càng tăng. Thậm chí, bất kỳ cơ quan hành chính và khoa học Nhà nước hàng đầu nào ở Việt Nam cũng có thể giảm từ 25-30% biên chế nhân sự hiện hành mà vẫn có thể bảo đảm hiệu quả hoạt động. Còn theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB), tại Việt Nam có khoảng 60% lao động tốt nghiệp từ các trường dạy nghề và trường cao đẳng cần được đào tạo lại ngay sau khi tuyển dụng.
Thực tế cho thấy nhiệm vụ đổi mới nhanh hơn, căn bản hơn hệ thống giáo dục để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế, thoát nghèo và hội nhập với thế giới là nhiệm vụ trọng tâm của công cuộc đổi mới trong thời gian tới. Yêu cầu về nguồn nhân lực có chất lượng cao đã và đang là đòi hỏi cấp bách đối với Việt Nam. Việc nhà trường chuyển từ đào tạo dựa theo khả năng sẵn có sang đào tạo theo nhu cầu xã hội, gắn quá trình hình thành và phát triển “thương hiệu” giáo dục với chất lượng thực tế của các sinh viên là việc nên làm ngay. Bối cảnh hội nhập và yêu cầu cạnh tranh cả trên thương trường, lẫn ngay chính trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo đòi hỏi các doanh nghiệp phải xây dựng mối quan hệ thường xuyên với Nhà trường, ngược lại, các cơ sở đào tạo phải chú trọng hơn đến nhu cầu của thị trường, nhu cầu của doanh nghiệp, để đào tạo sinh viên đáp ứng ngay được với vị trí công việc được tuyển dụng. Nói cách khác, chính cạnh tranh thị trường, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế đã quy định tính tất yếu của sự hợp tác qua lại giữa doanh nghiệp với nhà trường. Điều này tạo ra cơ hội và thách thức mới về đánh giá và hỗ trợ học tập tại nơi làm việc, về vai trò của người dạy và quan hệ với người lao động và người sử dụng lao động, về vai trò của doanh nghiệp trong cung cấp các cơ hội làm việc... Trước các cơ hội và thách thức đó, các giai đoạn và cấu trúc học tập truyền thống sẽ phải trở nên linh hoạt hơn, hướng đến và sát hợp thực tế thị trường hơn. Đặc biệt, cùng với những người học mới- vừa làm vừa học” và “học để làm”-sẽ xuất hiện những người dạy mới, các công nghệ, phương pháp truyền thụ mới và các cơ hội thiết lập quan hệ mới giữa Nhà trường và Doanh nghiệp.