Quan điểm của Tổng thống Mỹ về vấn đề Israel - Palestine

- Thứ Bảy, 15/05/2021, 06:22 - Chia sẻ
Xung đột giữa Israel - Palestine leo thang gần một tuần nay. Có thể nói, đây là thách thức lớn đầu tiên về chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Joe Biden kể từ khi nhậm chức. Chính vì thế, nhiều người quan tâm đến động thái và quan điểm của ông về chảo lửa Trung Đông này.

Những ngày bao lực ở Jerusalem đã leo thang thành các cuộc tấn công tên lửa chết người giữa quân đội Israel và các tay súng Palestine ở Gaza. Mới đây nhất, quân đội Israel đã huy động 9.000 quân dự bị tăng cường lực lượng áp sát Gaza, và rạng sáng 14.5, cả không quân lẫn bộ binh liên tục nã hỏa lực vào các mục tiêu. Ở chiều ngược lại, lực lượng Hamas tiếp tục trả đũa bằng loạt rocket bắn tới các thành phố Israel.

Tình hình bạo lực đẫm máu trên đánh dấu cuộc khủng hoảng lớn đầu tiên trong cuộc xung đột Israel - Palestine kể từ khi Tổng thống Joe Biden nắm quyền hồi tháng Giêng. Hôm đầu tuần, Nhà Trắng thể hiện thái độ “quan ngại sâu sắc”, đồng thời cho biết đang quan sát tình hình rất kỹ lưỡng. Tờ Newsweek của Mỹ gần đây đã tổng hợp một số quan điểm và bình luận của ông Joe Biden về xung đột Israel - Palestine (ngay từ khi vẫn đang tranh cử tổng thổng), bởi nó sẽ thể hiện phần nào chính sách của chính quyền Mỹ đương nhiệm về điểm nóng Trung Đông này.

Bạo lực vẫn tiếp tục leo thang trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine
Nguồn: AFP

Giải pháp hai nhà nước

Hồi vẫn còn trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020, trang web tranh cử của ứng cử viên Dân chủ Joe Biden lúc đó đã viết, ông “tin tưởng vào giá trị của mọi người dân Palestine và người Israel”.

Cụ thể là, “ông ấy sẽ làm việc để bảo đảm rằng người Palestine và người Israel được hưởng bình đẳng về tự do, an ninh, thịnh vượng và dân chủ. Các chính sách của ông sẽ dựa trên cam kết về giải pháp hai nhà nước, nơi Israel và nhà nước khả thi trong tương lai của Palestine sẽ sống cùng nhau trong hòa bình, an ninh và được công nhận lẫn nhau”.

“Ông Biden phản đối bất kỳ bước đi đơn phương nào của một trong hai bên làm suy yếu giải pháp hai nhà nước. Ông không đồng tình việc thôn tính và mở rộng các khu định cư và sẽ tiếp tục phản đối cả hai điều trên với tư cách là Tổng thống Mỹ”.

Trang web cho biết thêm, ông Biden sẽ “thực hiện các bước ngay lập tức để khôi phục hỗ trợ kinh tế và nhân đạo cho người dân Palestine, phù hợp với luật pháp Mỹ, bao gồm hỗ trợ người tị nạn, làm việc để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở Gaza, mở lại lãnh sự quán Mỹ ở phía Đông Jerusalem và làm việc để mở lại phái bộ (Tổ chức Giải phóng Palestine - PLO) ở Washington”.

“Tôi sẽ phản đối sáp nhập”

Tại buổi gây quỹ vào tháng 9 năm ngoái, ông Biden từng phát biểu, “đó là điều tốt” khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hoãn vô thời hạn kế hoạch sáp nhập các phần của Bờ Tây

Theo Jewish Insider, ông đã nói: “Ngay cả những người anh em của chúng tôi trong thế giới Ảrập... cũng nhận ra rằng, họ có lợi với giải pháp hai nhà nước, trong khi  bản thân Israel có thể sống trong hòa bình và được công nhận”.

Ông nói: “Tôi nói rõ sẽ phản đối việc sáp nhập trên cương vị tổng thống (nếu trúng cử). Giải pháp hai nhà nước là cách duy nhất để bảo đảm an ninh lâu dài của Israel trong khi duy trì bản sắc Do Thái và dân chủ. Và đó cũng là cách duy nhất để bảo đảm quyền của người Palestine có được nhà nước của riêng mình”.

Tiếp tục đối thoại với người Palestine

Tháng 5.2020, ông Biden cho biết ưu tiên vì “mục tiêu hòa bình Israel - Palestine nên nối lại đối thoại của chúng tôi với người Palestine và thúc giục Israel không thực hiện các hành động khiến giải pháp hai nhà nước không thể thực hiện được”.

Ông tiếp tục nhắc lại: “Tôi sẽ mở lại lãnh sự quán Mỹ ở Đông Jerusalem, tìm cách mở lại phái bộ ngoại giao của PLO tại Washington, nối lại nỗ lực hỗ trợ kinh tế và an ninh kéo dài hàng thập kỷ cho người Palestine mà Chính quyền Tổng thống Trump đã dừng lại”.

Kế hoạch của ông Donald Trump không phải giải pháp

Tháng 1.2020, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lúc đó đưa ra kế hoạch hòa bình Trung Đông có lợi cho Israel, ông Biden bình luận trên Twitter: “Một kế hoạch hòa bình đòi hỏi hai bên phải xích lại gần nhau”.

“Đây là diễn biến chính trị có thể châm ngòi cho các động thái đơn phương nhằm thôn tính lãnh thổ và đẩy lùi hòa bình hơn nữa. Tôi đã dành cả cuộc đời làm việc để thúc đẩy an ninh và sự tồn tại của một Israel dân chủ và của người Do Thái. Đây không phải là cách (giải pháp hòa bình của ông Trump)”, ông Biden khẳng định.

Biên giới và hồi hương người tị nạn

Năm 2019, ông Biden cho biết bản thân ủng hộ việc thành lập một nhà nước Palestine bao gồm vùng đất Bờ Tây được phân định bằng các đường biên giới trước năm 1967. Ông nói với tờ The New York Times rằng: “Ngoại trừ các khu định cư lâu năm của Israel hoặc các thỏa thuận và hoán đổi đất đai khác do các bên thương lượng”.

Bên cạnh đó, ông thể hiện quan điểm không ủng hộ phong trào tẩy chay, giảm đầu tư và trừng phạt, cho rằng nó “loại bỏ Israel - quê hương của hàng triệu người Do Thái - theo cách không phù hợp với cách đối xử của các quốc gia khác và nó đang biến thành chủ nghĩa bài Do Thái lẫn các nỗ lực không chấp nhận Israel”.

Cũng trong cuộc phỏng vấn của The New York Times, ông Biden được hỏi liệu những người tị nạn Palestine và con cháu của họ có được quyền quay trở lại Israel hay không. Ông trả lời, “đây là vấn đề quy chế cuối cùng mà cả hai bên phải đồng ý”.

“Con đường duy nhất”

Khi trả lời câu hỏi do Hội đồng Quan hệ đối ngoại đặt ra vào tháng 7.2019, ông Biden nhắc đến niềm tin rằng giải pháp hai nhà nước là “con đường duy nhất dẫn đến an ninh lâu dài cho Israel, đồng thời duy trì bản sắc nhà nước Do Thái và dân chủ”. “Đó cũng là cách duy nhất để bảo đảm phẩm giá của người Palestine và lợi ích hợp pháp của họ trong quyền tự quyết của quốc gia”.

“Hiện tại, cả lãnh đạo Israel và Palestine dường như đều không sẵn sàng chấp nhận những rủi ro chính trị cần thiết để đạt được tiến bộ thông qua các cuộc đàm phán trực tiếp”, ông phát biểu lúc đó. 

Ông tiếp tục: “Tôi sẽ khôi phục sự can dự đáng tin cậy với cả hai bên trong cuộc xung đột".

“Cũng cần thiết phải tiếp tục hỗ trợ Chính quyền Palestine, hỗ trợ hợp tác an ninh Israel - Palestine, các chương trình giao lưu nhân dân, phát triển kinh tế, viện trợ nhân đạo và chăm sóc sức khỏe cho người dân Palestine”.

Tuy nhiên, ông Biden nói thêm người Palestine nên công nhận “tính hợp pháp và lâu dài của Israel với tư cách là nhà nước Do Thái trên quê hương lịch sử của dân tộc Do Thái”. Trong khi đó, “các nhà lãnh đạo Israel nên ngăn chặn việc mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây và các cuộc đàm phán sáp nhập có thể khiến giải pháp hai nhà nước không thể đạt được. Họ phải công nhận tính hợp pháp của nguyện vọng có được một nhà nước của người Palestine”.

“Cả hai bên nên làm việc để cung cấp nhiều cứu trợ hơn cho người dân Gaza trong khi nỗ lực để làm suy yếu và cuối cùng là thay thế Hamas. Các quốc gia Ảrập nên thực hiện nhiều bước hơn để bình thường hóa với Israel và tăng cường hỗ trợ tài chính, ngoại giao để xây dựng các thể chế của Palestine”.

Đối với diễn biến mới nhất của cuộc xung đột Israel - Palestine hiện nay, Nhà Trắng thể hiện quan điểm, Israel có quyền tự vệ hợp pháp trước các cuộc tấn công bằng tên lửa của các tay súng Palestine, song chính quyền Mỹ cũng đồng thời gây áp lực lên Israel về việc đối xử với người Palestine. Tổng thống Biden đang tìm cách tái cân bằng chính sách của Mỹ đối với Israel và Palestine sau khi người tiền nhiệm đứng về phía Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trên mọi mặt trận.

Linh Anh