Quận chúa biệt động

30/04/2008 00:00

Một Quận chúa lá ngọc cành vàng sớm trở thành bác sỹ tài hoa và là một chiến sỹ biệt động vào sinh ra tử, được vinh dự ra thăm bác Hồ… Từng gắn với nhiều bí danh và là Tỉnh trưởng phu nhân, nữ tiếp tân phủ Tổng thống, vợ chưa cưới của ngài đại tá cố vấn Mỹ. Đó là bà Ngọc Diệp, tên hiện nay là Đặng Hoàng Ánh.

07-Quan-chua-330415-200.jpg

      Từ Quận chúa trở thành chiến sỹ biệt động

      Theo tư liệu riêng của bà Đặng Hoàng Ánh, bà sinh ngày 28.4.1932 tại Huế trong một gia đình danh gia vọng tộc, cha là trí thức Tây học yêu nước; Là con chú bác ruột, chung người ông với vua Bảo Đại và là cháu ruột của Thái hậu Từ Dũ (mẹ của vua Tự Đức) nên được gọi là Quận chúa, sống trong nhung lụa và lễ nghi. Nhưng 13 tuổi, Ngọc Diệp đã phải chứng kiến cảnh cha mẹ và người thân bị quân thù chặt đầu. Căm thù giặc, dù còn nhỏ, ban đêm bà bán hàng rong để dễ rải truyền đơn. Biết mình có quyền thừa kế khoản tiền lớn theo di chúc của Thái Hậu Từ Dũ nhưng bà thẳng thắn từ chối. Bà nghĩ, lúc này nợ nước chưa đền xong, thù nhà chưa trả hết, làm sao có thể ích kỷ sống an nhàn một mình. 

      Sau khi lấy được bằng tốt nghiệp bác sỹ đa khoa loại giỏi tại Pháp, Út Diệp quyết định rời Paris hoa lệ về nước làm việc. Thời gian này, bà bắt liên lạc được với tổ chức và bắt đầu hoạt động ngay với vai trò là một cán bộ biệt động bán công khai trong lòng địch. Với tinh thần dũng cảm, lại có lợi thế về nhan sắc và ngoại ngữ, bà đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ cách mạng giao phó. Tiến hành vụ ám sát Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (nhưng không thành), xung phong đánh bom cảm tử vào rạp hát ở TP Đà Lạt, vận chuyển vàng và đôla từ Lào về tiếp tế cho cách mạng miền Nam qua một đường dây đặc biệt, một mình công khai lái xe chở hàng từ TP Đà Lạt vào tiếp tế cho Chiến khu 6... Đặc biệt khi làm tiếp tân Tổng thống phủ, được tiếp các đoàn ngoại giao và các quan chức, tướng lĩnh cao cấp của chính quyền Sài Gòn thời đó, bà có thêm điều kiện để lập công. Tiêu biểu nhất là trận nổ bom làm sập Tòa Đại sứ quán Mỹ. Bà nhớ lại: Năm 1964 lực lượng biệt động Sài Gòn lên kế hoạch đánh bom ĐSQ Mỹ và tôi được cấp trên giao nhiệm vụ giết Carborlos- cố vấn cao cấp của Mỹ. Phải khó khăn lắm, tôi mới phát hiện hắn sang Việt Nam với cái tên là Taylor. Trong vai ca sỹ- vũ nữ Thu Nga, tôi đã bắt quen và hút hồn Taylor, khiến ông ta phải cầu hôn. Nhờ mối quan hệ thân thiết này, tôi dễ dàng đưa bom vào Đại sứ quán. Thời gian này tôi thường xuyên phải uống thuốc giải rượu, ngậm sâm. Đau đớn hơn là âm thầm chịu tiếng xấu là gái hư theo Tây, phản bội đất nước (chồng vừa mất). Sau trận này, ĐSQ Mỹ đổ nát hoang tàn, tôi bị cảnh sát và mật thám đối phương truy nã gắt lắm phải trốn vào chùa làm ni cô, rồi lưu lạc nhiều tháng sau mới liên lạc được với tổ chức.

      Do yêu cầu công tác bí mật, bà phải thay tên, đổi họ liên tục, đặc biệt từ ngày tham gia hoạt động trong lực lượng Cảm tử quân của T.Ư Cục miền Nam và Biệt động thành Sài Gòn, như: Bà Diệp, cô Tư Mắt Kiếng, Lâm A Mùi, Thu Nga, Hoàng Nga,  T2R, TW307… Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, để tránh sự trả thù và truy sát của kẻ xấu, bà đổi họ tên mới là Đặng Hoàng Ánh, sinh năm 1940 và được tỉnh Lâm Đồng cấp giấy CMND.

07-Quan-chua-330415-300.jpg

       Tình riêng éo le
      Là phụ nữ hoạt động bí mật, tình duyên và hôn nhân của bà có nhiều éo le, trắc trở. Từ Pháp về chưa đầy một tháng, tổ chức đã yêu cầu Út Diệp phải kết hôn với Gs, bác sỹ Đào Tuấn Kiệt, một trí thức yêu nước, hơn bà tới hai giáp để tạo thêm “vỏ bọc” dễ hoạt động. Bà kể lại: Lúc đó, vì không chút tình cảm nào, thậm chí còn chưa biết đến mặt người ta, tôi đã xin hoãn 10 ngày để suy nghĩ, có lúc ấm ức, khóc hết nước mắt, thậm chí định tự sát. Cuối cùng vì nhiệm vụ tôi chấp nhận cuộc hôn nhân này, nhưng phải nhiều thời gian và nỗ lực, chúng tôi mới chính thức là vợ chồng . Trước khi sang Pháp, tôi có cảm tình với Trần Văn Phước (C16)- tỉnh trưởng tỉnh Vĩnh Long, trẻ, tri thức, đầy quyền lực. Chỉ vài lần gặp gỡ anh ngỏ lời cầu hôn. Quá đường đột nên tôi hẹn sẽ trả lời khi khóa học kết thúc. Nhưng éo le thay, khi gặp lại, tôi đã là phụ nữ có chồng và đang mang thai đứa con đầu lòng. Quá đau buồn, anh tự bắn vào bụng mình trước mặt tôi, và cho đến cuối đời không gắn bó với người phụ nữ nào nữa. Dẫu vậy, anh đã cứu tôi nhiều lần. Một lần vì cương quyết không khai, tôi bị địch dùng dao rạch nát kẽ tay và cắt gân, nhờ có anh mà tôi thoát được. Thậm chí tạo bình phong cho tôi dễ dàng hoạt động, anh đã làm thủ tục đăng ký kết hôn để tôi được gọi là “Tỉnh trưởng phu nhân”, dù hai người chưa bao giờ là vợ chồng thực sự. Đó là mối tình làm tôi dằn vặt suốt đời. 
      Trong 30 năm hoạt động (1945- 1975), không chỉ là nữ tình báo tài sắc nhiều lần vào sinh ra tử, bác sỹ Ngọc Diệp còn cứu chữa cho hàng trăm người. Nhưng sau chiến thắng 1975, do trớ trêu của số phận hay ẩn ức thường thấy đối với những người hoạt động bí mật, thêm nữa lại không còn giấy tờ tùy thân nên bà Ánh cũng mất các mối liên hệ cũ. Bà phải lần hồi kiếm sống bằng  nhiều nghề. Hai đứa con của bà cũng không được hưởng trọn sự chăm sóc của cha mẹ. Do yêu cầu hoạt động cách mạng, bà phải gửi con gái vào trường nữ tu và Kim Chi đã qua đời trong vụ tai nạn. Còn đứa con trai mới 1 tháng tuổi bị bắt cóc (do ông Kiệt sợ bà hoạt động gặp bất trắc về sau không có người thờ cúng nên bí mật gửi sang Paris) giờ là thầy tu Tấn Phúc tại Pháp. Hiện bà sống gần như ẩn dật với đứa con trai nuôi của đồng đội tại Lâm Đồng...
      Câu chuyện về cuộc đời và số phận của một Quận chúa triều Nguyễn trở thành chiến sỹ cách mạng dũng cảm được tái hiện trong truyện tư liệu Quận chúa biệt động của Đặng Vương Hưng, được NXB CAND ra mắt nhân kỷ niệm 33 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam. Qua cuốn sách, bà Đặng Hoàng Ánh mong muốn tìm lại bạn chiến đấu xưa, người thân của những người từng ở bên cạnh bà trong những năm tháng hoạt động bí mật.

Thái Sơn

    Nổi bật
        Mới nhất
        Quận chúa biệt động
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO