Quai xăm (Phần cuối)
Truyện ngắn của Đoàn Lê

Tôi không ngoảnh lại, chỉ hỏi bác Khảm cho có chuyện:
- Bác Khảm đoán hôm nay thế nào?
- Không khẳm, đem đầu tao mà chặt. Nước lên mạnh thế kia. Trông thấy luồng tép xăm đang thốc vào đấy thôi. Thằng Đối hôm nay đi buổi đầu đã gặp may nhé.
Đối cười:
- Bác ơi, ở nhà ông cụ cháu ngắm giời đất rồi cứ giục. Ông cụ cháu bảo thế cũng chậm mất hai con nước.
- Biết vậy. Hôm qua tao phải đi đám nhà thông gia bên Kiến Thụy.
- Ngừ ơi, chuẩn bị cờ cho bến biết.
- Gớm chửa, mới có hai con tép mẹ con vào xăm đã cuống lên.
Cái lệ treo cờ mỗi khi thuyền đầy khẳm tép người ta bỏ từ lâu lắm, nhưng bác Khảm quyết giữ như một thú chơi. Trên bến những người đi đón thuyền nhà chúng tôi ai cũng lấy thế làm thích.
Tôi vẫn ngắm biển như chưa bao giờ nhìn thấy. Đường chân trời hút tầm mắt. Bên mạn trái, đảo Dấu hong mình trong mầu nắng rực rỡ. Tôi hình dung ra những con đường đá núi ngoằn ngoèo với từng chùm rễ cổ thụ buông xuống âm u mát rượi trên đảo. Nhất định những cái vỏ ngao ngày ấy chúng tôi nướng ăn vẫn vương vãi đâu đó giữa sỏi đá. Trên đảo Dấu, không ai dám nhặt dù một viên sỏi mang đi. Cái gì của đảo phải giữ nguyên lại đảo, từ xưa các cụ đã dặn vậy, nếu không muốn phát điên phát rồ. Lão Đảo Thần vương linh thiêng và uy nghiêm đến mức xưa rày dân vạn chài không ai dám vi phạm. Thế tất hôm nào tôi quay lại nơi chân đảo xưa, tôi sẽ tìm được những cái vỏ ngao, thấy cả những câu thơ rơi vãi. Tình anh như nước triều dâng...
Phía sau lưng tôi bác Khảm đang rỉ rả câu chuyện.
- Chúng mày tò mò tao đành phải kể, nhưng đừng nhắc lại cho ai nghe nữa. Đời tao quai xăm, quai đáy đã ba chục năm, chưa lần nào hãi như lần ấy.
- Cháu có nghe ông Tạc nói. Nhưng mồm ông Tạc ai tin được. Có ít xít ra nhiều...
- Mẹ lão bốc phét! Lão có dám ngó quái đâu mà biết.
- Vậy bác kể đi.
- Bữa ấy nước cũng đang đừng. Trời về chiều, nắng bắt đầu ngả xuống ngọn Mẫu Sơn. Tao thấy nghẹt Tây, bóng nước, tép đi nổi, tao liền ngụp xuống kéo khoẳm lên cao hơn đón luồng, mừng rằng hôm nay thế nào cũng kèo. Xuống nước chưa kịp mở mắt đã nghe thứ gì lạnh buốt lướt qua mặt, trơn nhẫy. Tao giật mình mở vội mắt. Thoáng thấy mầu ánh hồng vụt lao vào đáy. Chắc một anh cá dưa lạc đàn đây. Ước lượng phải hàng cân. Ngoi lên thuyền, tao tuyên bố: “Tôi vừa le được một chú cá vào xăm. Hôm nay con cá to chui vào là của tôi đấy nhá’’. Ai cũng tưởng tao đùa. Nhưng chính thực tao nghĩ thế cơ... Đi xăm mà vác về cho mẹ đĩ con cá ngần ấy còn gì sướng hơn. Mấy bữa con mẹ đĩ ốm nghén, bỏ cơm lử khử...
Ngừ nôn nóng hỏi liền:
- Rồi rút cục thế nào hở bác.
- Sao vậy mày? Biển không dạy nổi mày hết thói nóng chuyện hở? Nghe chuyện chứ đi ăn cướp đâu. Đã thế tao để dành hôm khác kể tiếp.
- Cụ đừng bày trò. Cháu xin nhớ. Đây, cháu rót rượu hầu cụ trước.
- Nâng hai tay vào!
Mùi rượu, mùi mực nướng thơm sực. Tôi ngoảnh lại nhìn những con mực khô, nâu hồng, cong mình lại trong ánh lửa xanh lét của rượu mạnh bị đốt cháy.
Bác Khảm khề khà kể:
- Khi kéo xăm lên hóa ra không phải cá mú gì. Giữa đống moi tươi xanh ở lòng thuyền là một cái túi ni lông màu hồng được dán kín, phồng hơi, tựa một chiếc phao nhỏ. Đúng nó đây. Tao nhớ ngay đến cảm giác trơn trơn lạnh ngắt lướt qua má. Anh em chỉ vào cái túi cười giễu: “Đấy, con cá to của chú Khảm đấy. Nhặt đi xem nó là cái gì’’. Tao vừa cầm cái túi xé miệng ra thì một mùi tanh tưởi xộc lên mũi không chịu nổi. Hóa ra trong đó có một bàn tay đang thối rữa. Một bàn tay đàn ông bị chặt nham nhở.
- Ở cửa sông trôi ra thiếu gì thứ. Giá bàn tay ấy đeo mấy khâu vàng, bác cũng đầy lộc đấy nhỉ.
- Mày nói sao hở Đối? Mày chưa biết chuyện sau đó đêm nào tao cũng nằm mơ thấy một người đàn ông không trông rõ mặt, đến đầu giường xin lại cái tay. Nhưng lấy gì mà trả? Ngay lúc ấy tao có dám để mọi người xem đâu, tao vứt luôn xuống biển chứ.
- Thế rồi sau ra sao bác?
Vẫn Ngừ sốt sắng hỏi.
- Sau tao phải thuê làm một cái tay đồ mã, trông như thật, nhân rằm tháng bảy đem cúng, đốt cho người chết mới yên.
- Sợ nhỉ?
- Phải, những người đi biển rất cần ăn ở cho chu đáo. Đừng nghĩ giữa giời nước mênh mang thế này, chỉ mình với mình, làm gì chả được.
Tôi hơi chột dạ. Có vẻ như bác Khảm đang ám chỉ điều gì đấy.
Bữa cơm trên thuyền trưa nay là một cực hình với tôi. Cá đối kho khô, tôm nớt rang cháy cạnh, dưa chua, tất cả như mất hết hương vị. Thấy Đối hào hứng uống rượu với anh em He, Ngừ, tôi điên tiết cụng chén cùng nó, hung hăng đến độ bác Khảm phải can cả hai thằng.
- Chúng mày sợ ngày mai chợ Cầu Vồng hết rượu hay sao?
Rượu làm người ta phấn chấn tinh thần, mọi sự buồn đau chịu đựng dễ dàng hơn. Thậm chí cuối bữa rượu tôi còn muốn gục vào ai đó, kể cả Đối, để khóc thỏa thích.
Tôi nhớ đến lần năm ngoái được nâng niu bàn tay Dâng, một bàn tay non tơ, những ngón muốt trắng thanh tân, và sự mềm mại giống một bàn tay trẻ con. Dâng bị cái gai xương rồng nhà tôi găm vào ngón tay út. Rất sâu. Em gái tôi lẫn Dâng đều sợ không dám cầm cây kim khêu gai ra. Tôi thương bàn tay Dâng đứt ruột, nhưng là đàn ông trong nhà nên không thể từ chối việc phải bạo gan xử lý. Khi tôi lấy hết can đảm khêu được cái gai, máu chảy ra thành giọt. Cuống quýt, tôi vội đưa ngón tay em lên miệng ngậm như thói quen hàng ngày mỗi khi chảy máu. Một vị mặn thơm tan nhanh trong miệng tôi.
Dâng không cưỡng lại. Không có ai chung quanh chúng tôi. Tôi đánh bạo vòng bàn tay còn rảnh ngang eo Dâng, kéo em sát gần mình. Tôi nhắm mắt lấy đầu lưỡi mơn man thưởng thức làn da non mịn của ngón tay trong miệng. Trời ơi, giá thời gian cứ đứng dừng ở giây phút đó. Rồi tôi chết cũng được...
Bây giờ tôi không thể hình dung lúc em ra bến đón thuyền chúng tôi về. Bàn tay như nụ hoa của em vầy trong đống tép moi phần của chồng. Em sẽ ngẩng nhìn Đối nhoẻn cười, đôi mắt lấp lánh vui, quên không một lần nhìn tôi... Rồi cái dáng thanh mảnh của em hớn hở bước theo sau Đối, thậm chí đôi lần nắm lấy cánh tay Đối hỏi một câu gì đó. Có thể tôi ngây ra lắng nghe tiếng cười của em vọng lại trên bãi biển...
Không, nỗi đau này sẽ bám vào da thịt tôi như hà bám vào đá. Cái thằng to xác hơi ngố kia có gì hơn tôi mà suốt một đời ai cũng thấy tôi thua kém nó? Cả em nữa? Có phải cánh tay lực lưỡng kia ôm ghì em chặt hơn? Có phải cái miệng kia khéo thì thào bên tai em những lời đường mật hơn? Có phải vồng ngực bè bè của nó mới đủ sức cho em tựa má lên đó trong giấc ngủ say nồng? Có phải... Mà thôi, đừng nghĩ thì hơn.
Xong tuần rượu kết thúc bữa cơm, bác Khảm lao xuống biển thăm nước. Lúc ngoi lên bác bảo:
- Nước nâu, tép đi chìm. Chịn miệng xuống mới được.
Có nghĩa dòng nước đục, luồng tép vào phía dưới, phải hạ thấp miệng xăm xuống.
Bốn chúng tôi lại nhảy tùm cùng một lúc, khiến nước bắn tóe lên.
Xuống dưới sâu, tôi mở mắt nhìn. Đúng thế, những con tép óng ánh đang lao vun vút theo luồng nước chảy xiết.
Buộc khoẳm trở nên khó khăn hơn. Tay tôi phải bám cứng cái cọc, hai chân quặp chặt. Quái lạ, bữa nay nước ào như lũ ngầm là thế nào? Chỉ sẩy tay một chút, tôi sẽ bị cuốn phăng vào đáy xăm, chết trong đám lưới vây bọc tựa một con moi bất hạnh.
Cái chết ấy luôn rình rập tất cả dân quai xăm lớ ngớ.
Phía trên, Đối đang duỗi chân lặn sâu hơn. Những cái chân hắn săn vồng, gân guốc như chân ếch. Và cả bộ đồ nghề của hắn ở dưới nước cũng thêm vẻ hung dữ, bày ra như khiêu khích sát mặt tôi. Lúc đó trong tôi đột ngột trào lên một khao khát cháy bỏng được túm lấy người Đối kéo ghì xuống, để cả hai thằng cùng trôi tuột theo dòng lũ ngầm vào đáy.
Dâng ơi, vầng trăng non của tôi ơi...
Răng tôi nghiến lại. Tôi điên khùng bám cọc xăm bằng một tay, một tay nhanh thoắt quờ đôi chân đang đung đưa trước mặt, ghì chặt. Nó không đề phòng nên tôi dễ dàng kéo nó tuột xuống. Phải, sẽ không ai biết được vì sao Đối bị cuốn vào đáy xăm.
... Có thể sau đó tôi sẽ tháo một móc khoẳm ra, người ta sẽ nghĩ móc khoẳm ấy theo sức nước bật văng vào mặt Đối khiến nó rời tay, bị lũ ngầm cuốn trôi... Có thể nó đột ngột bị chuột rút... Có thể nó đã uống hơi nhiều rượu và sức khỏe giảm sút sau tháng trăng mật...
Vào đúng giây phút ấy tôi chợt hiểu Dâng chỉ là cái cớ cuối cùng cho tất cả những ấm ức thua thiệt, cho sự đau đớn ngấm ngầm của tôi với Đối ở cuộc đời này trong suốt những năm tháng còn lại.
Thân hình Đối cong xuống. Nó bám cọc xăm để toài về phía tôi. Trong bóng nước, hai khuôn mặt chúng tôi xáp gần nhau, tôi nhận ra đôi mắt ngây ngô của Đối nhướn to đầy ngạc nhiên. Hình như nó muốn hỏi tôi đã xảy ra điều gì? Tôi nhắm mắt lại không dám nhìn vào đôi mắt nó nữa. Phải, đúng lúc này tôi chỉ cần giật một cái nhẹ là Đối rời tay ra... Nó không phòng bị gì cả... Nào...
Nhưng tôi không thể, tôi không thể... dù chỉ một động tác đơn giản.
Bỗng tôi thấy cánh tay chắc khỏe ấm áp của nó luồn qua nách mình, ghì chặt lấy, cùng lúc đôi chân nó vùng khỏi vòng tay rời rã của tôi.
Đó là lúc tôi muốn buông xuôi tất cả. Tôi rời nốt bàn tay níu cọc xăm, mặc cho thằng Đối dìu tôi ngoi lên. Thân hình nó áp chặt vào tôi mới ấm áp làm sao, sự ấm áp thân yêu ruột rà của những sinh linh đang sống chết cùng nhau giữa muôn trùng biển khơi... Đối ơi, giá mày buông tay để tao chìm nghỉm xuống đáy biển còn hơn.
Hai đứa bị nước cuốn trôi tới tận cái phao đuôi. May mà ở ngoài xăm. Bác Khảm vội chèo vào đón. Đối đẩy tôi lên thuyền. Tôi nhũn người, thở hổn hển, nằm vật xuống ván, mắt nhắm nghiền. Hình như tôi chìm ngay vào một thế giới nào xa vắng. Loáng thoáng bên tai tôi nghe Đối nói với bác Khảm:
- Cu cậu nốc rượu quá đà, chắc cảm lạnh. Cũng may nó còn quờ được chân cháu túm lấy.
- Có phen chết chìm bỏ bố, chứ chả đùa đâu!
Ơ, cứ cho là thế. Tôi cũng có cảm giác mình vừa thoát chết. Các cụ đã dặn con cháu không được ra khơi khi lòng dạ không yên tĩnh. Bởi biển vốn thanh sạch, tinh khiết hơn ta tưởng.
Trong cái đầu lơ mơ, tôi tự nhủ có thể đây sẽ là lần đi xăm cuối cùng, có thể tôi lên bờ, theo anh họ khai thác than ngoài Quảng Ninh thôi.
Nhưng đúng như một con cá chình, rời khỏi nước sẽ chết, liệu tôi có bỏ được biển không?