Quà tặng lớn nhất là niềm tin!

- Thứ Năm, 08/10/2020, 05:53 - Chia sẻ
Long An cắt giảm hơn 4 tỷ đồng kinh phí tổ chức Đại hội Đảng bộ. Đây là thông tin được Phó Bí Thường trực Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được cho biết tại cuộc họp báo về Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025). Không chỉ người dân Long An mà với nhiều người dân, đây là một tin vui, bởi việc chuẩn bị tổ chức đại hội thể hiện theo đúng tinh thần tiết kiệm, hiệu quả.

Theo dự kiến ban đầu, Long An dự trù toàn bộ kinh phí tổ chức Đại hội là hơn 8,1 tỷ đồng, tất cả các khoản mua sắm đều phải qua đấu thầu theo đúng quy định. Tuy nhiên, để tập trung nguồn lực quan tâm đến an sinh xã hội và khôi phục kinh tế hậu Covid-19, Long An quyết định cắt giảm một nửa kinh phí tổ chức Đại hội, tiết kiệm chỉ còn 4,2 tỷ đồng. Đại hội được tổ chức tiết kiệm tối đa.

Gần đây, quà tặng đã trở thành vấn đề được nhiều người quan tâm. Cũng có không ít cơ quan, địa phương có những khoản dự trù kinh phí mua quà tặng cho đại biểu tham dự lễ kỷ niệm, hội nghị lên đến hàng trăm, hàng tỷ đồng. Đối với những cơ quan, địa phương kinh tế còn khó khăn, khoản dự trù kinh phí như trên làm quà tặng là điều rất đáng suy nghĩ, nhất là trong điều kiện chúng ta đang phải đối diện với đại dịch Covid-19 với những tác động nặng nề như hiện nay.

Vừa qua, để chuẩn bị cho đại hội, nhiều địa phương cũng đã có dự trù kinh phí để làm quà tặng đại biểu. Có nơi dự kiến quà tặng là bình gốm cao cấp, có nơi là bộ trang phục và có nơi là cặp da dành tặng đại biểu. Tùy từng nơi, có gói thầu quà tặng dự trù lên đến 2,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, với tinh thần lắng nghe dư luận hết sức cầu thị, trên cơ sở thực tế kinh tế - xã hội, nhiều địa phương đã điều chỉnh, hủy nhiều gói thầu mua quà tặng phù hợp.

Đơn cử, tỉnh Tuyên Quang không ký hợp đồng may trang phục, tỉnh Quảng Trị hủy gói thầu mua bình gốm tặng đại biểu dự đại hội Đảng bộ tỉnh. Với Đà Nẵng thì sẽ “không có quà tặng đặc biệt”, và quà tặng chính thức cho đại biểu là tập sách “Đà Nẵng thành tựu và khát vọng". Sự lắng nghe, điều chỉnh này là rất cần thiết, và rất đáng ghi nhận.

Câu chuyện quà tặng đại biểu được nhắc nhiều thời gian qua. Trước đây, đã từng có địa phương chi mấy chục tỷ đồng chỉ để mua quà tặng nhân dịp ngày thành lập tỉnh, rồi có tập đoàn kinh tế chi đến hơn 70 tỷ đồng chỉ để làm kỷ niệm chương nhân kỷ niệm ngày truyền thống của ngành… Việc thành lập tỉnh, thành lập ngành, việc tổ chức lễ kỷ niệm là dịp để thế hệ đi sau ôn lại chặng đường đã qua, để hiểu rõ hơn về địa phương, về ngành mình về những cống hiến của những người đi trước.

Quà tặng cho đại biểu cũng là dịp để tri ân những người có nhiều công sức đóng góp cho địa phương, cho ngành và điều này nên làm và rất đáng trân trọng. Việc tặng quà các đại biểu đến dự một sự kiện nào đó cũng là chuyện bình thường, bởi quà tặng cũng là để đại biểu lưu giữ kỷ niệm.

Tuy nhiên, lưu giữ kỷ niệm thì không nhất thiết phải đo đếm bởi giá trị vật chất, kinh tế mà quan trọng là việc tặng quà đại biểu như thế nào cho phù hợp. Việc tặng quà hay không và tặng như thế nào là tùy thuộc vào mỗi cơ quan, địa phương trên cơ sở thực tế của mình. Không nên cố để “bằng chị bằng em” bởi những món quà tặng cho đại biểu chỉ vì tâm lý cơ quan này làm được, tỉnh này làm được, cơ quan mình, tỉnh mình tại sao không?

Phải nhấn mạnh rằng, việc tặng quà đại biểu không có tính bắt buộc và cũng không nên quá “cứng nhắc” hay nặng nề về giá trị của món quà tặng. Điều quan trọng là món quà tặng phải thực sự mang lại ý nghĩa, là sự lưu giữ kỷ niệm đẹp của đại biểu được tham dự lễ kỷ niệm, đại hội. Và để người trong cuộc cảm thấy hạnh phúc vì món quà được tặng, tránh những lùm xùm không đáng có.

Bởi nói như Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn: Quà tặng lớn nhất dành cho Đại hội, cho các đại biểu chính thức của Đại hội là niềm tin, sự gửi gắm, trách nhiệm của các đại biểu về dự Đại hội, làm sao đóng góp, xây dựng một cách đầy đủ nhất những nội dung, công việc của Đại hội như mong muốn.

Lê Hùng