Quá tải bệnh viện nhìn từ ngành y tế
Từ trước đến nay, dư luận thường bức xúc trước hiện tượng quá tải bệnh viện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến quá tải bệnh viện mà ngành y tế lực bất tòng tâm. Quá tải bệnh viện là một thực tế không thể một sớm một chiều giải quyết được mà cần có sự phối hợp của các cấp chính quyền, các cơ quan đoàn thể, ban, ngành và đặc biệt của toàn xã hội.
Quá tải bệnh viện là một vấn đề nhức nhối không chỉ của ngành y mà của toàn xã hội. Từ sau khi đất nước thống nhất (năm 1975) đến nay, cả nước hầu như chưa xây mới các bệnh viện từ tuyến trung ương cho đến tuyến dưới, trong khi dân số ngày càng đông, đất nước ngày càng phát triển, nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân tăng cao nên việc quá tải bệnh viện là tất yếu. Hơn nữa, sau 18 năm không thay đổi giá dịch vụ y tế, (từ năm 1994 - 2012), nên giá dịch vụ y tế đã quá lạc hậu so với thời giá hiện tại, nhất là trong bối cảnh lạm phát tăng cao, nên việc thu phí của các bệnh viện không đáp ứng được nhu cầu phục vụ người bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Có thể thấy một số nguyên nhân chính đã gây quá tải bệnh viện, đó là cơ sở vật chất, trang thiết bị của bệnh viện lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của người dân. Bệnh viện tuyến cơ sở còn hạn chế cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực y tế nên đã dồn bệnh nhân lên tuyến trên dẫn đến quá tải bệnh viện. Chính sách thu viện phí, đầu tư cho y tế… cũng góp phần là nguyên nhân dẫn đến quá tải bệnh viện. Lương cán bộ y tế còn thấp, áp lực công việc, khám chữa bệnh nhiều, ý thức lao động giảm nên thời gian khám chữa bệnh lâu hơn cũng là nguyên nhân dẫn đến quá tải bệnh viện.
Việt Nam hiện có 90 triệu dân, tăng gấp 1,4 lần so với năm 1989, tạo áp lực quá tải dân số, dẫn đến quá tải bệnh viện. Tuổi thọ tăng, già hóa dân số, nhu cầu khám chữa bệnh tăng dẫn đến quá tải bệnh viện. Nhân lực y tế còn thiếu, hiện trung bình cả nước mới có 7,4 bác sĩ/10.000 dân, còn thiếu nhiều so với mục tiêu 10 bác sĩ/10.000 dân của Bộ Y tế - năm 2020; nhu cầu đào tạo, chất lượng đào tạo và loại hình đào tạo không đáp ứng được thực tế nên đã ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh dẫn đến quá tải bệnh viện. Nhiều loại dịch bệnh mới như: SARS, Cúm A/H5N1, H1N1, H7N9; một số dịch bệnh khác như tay-chân-miệng, sốt xuất huyết; bệnh không lây nhiễm như cao huyết áp, tim mạch, ung thư, đái tháo đường… có xu hướng gia tăng, nhu cầu khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch tăng, dẫn đến quá tải bệnh viện.
Bên cạnh đó, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng lên, số lượng khám, chữa bệnh đông, đặc biệt là tuyến trung ương, dẫn đến quá tải bệnh viện. Kinh tế phát triển, đời sống phát triển, xe máy, ô tô tăng nhiều, cùng với ý thức giao thông kém dẫn đến tai nạn giao thông nhiều làm cho nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế tăng cao, dẫn đến quá tải bệnh viện. Đường sá đã được cải thiện hơn trước nhiều nên việc đi lại thuận tiện giữa các vùng, miền do đó người dân dễ dàng lên tuyến trên để khám chữa bệnh, dẫn đến quá tải bệnh viện. Lối sống sinh hoạt, lạm dụng chất kích thích như: Hút thuốc lá, uống rượu bia, nghiện ma túy, nhiễm HIV và còn tai nạn do lao động, đánh nhau làm cho bệnh tật tăng, nhu cầu khám chữa bệnh và sử dụng dịch vụ y tế tăng dẫn đến quá tải bệnh viện. Quan niệm bệnh viện trung ương, tuyến trên tốt hơn dẫn đến quá tải bệnh viện. Chính sách ưu việt của Việt Nam là miễn phí bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số… nhu cầu khám chữa bệnh tăng cao dẫn đến quá tải bệnh viện…
Trong những năm qua, Bộ Y tế đã triển khai rất nhiều hoạt động có thể nhằm giảm quá tải bệnh viện như ưu tiên dành kinh phí để nâng cấp và xây mới các bệnh viện, nhất là nhóm 5 chuyên khoa quá tải: Ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi; Xây dựng 48 bệnh viện tuyến tỉnh là bệnh viện vệ tinh của 14 bệnh viện hạt nhân; thí điểm xây dựng mô hình phòng khám bác sỹ gia đình; hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới; thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…
Ngoài ra, Bộ Y tế đã thực hiện các biện pháp như, giảm diện tích khu hành chính, tăng diện tích khu khám bệnh và điều trị để kê thêm giường bệnh; mở rộng loại hình điều trị ngoại trú và triển khai một số mô hình dịch vụ mới trong khám, chữa bệnh; cải cách thủ tục hành chính, tăng ca, tăng giờ làm việc, tăng giờ khám bệnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh… Các biện pháp trên đã phát huy tác dụng và tình trạng quá tải bệnh viện đã được cải thiện một phần, mỗi năm số giường bệnh đã tăng thêm trên 6% so với năm trước, số giờ chờ đợi khám bệnh giảm từ 4-7 giờ xuống còn 2-4 giờ. Tuy nhiên, tình trạng quá tải bệnh viện vẫn tồn tại, bởi còn nhiều nguyên nhân ngoài ngành y tế, nên không thể một sớm một chiều đã giảm ngay được mà cần có sự phối hợp của các cấp chính quyền, các cơ quan đoàn thể, ban, ngành và đặc biệt của toàn xã hội.