Qua những mạch suối nguồn…

Lần hồi từng trang sử thăng trầm của dân tộc, giá trị tinh thần vẫn luôn là mạch ngầm nuôi dưỡng sức mạnh quốc gia. Giá trị ấy suy cho cùng chính là dư âm nguồn cội, khởi phát từ nền văn hóa đậm đà bản sắc, gốc rễ cho sự vươn mình.

Nguồn năng lượng nội sinh

Cách đây vài năm, khi đọc Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca của nhà văn Nguyễn Trương Quý, Tiến sĩ ngữ văn Trần Ngọc Hiếu chỉ ra độ nén của cuốn sách nằm ở những câu chuyện khuất lấp, nơi ta cảm nhận được rõ hơn những kinh nghiệm tinh thần của con người trong quá khứ. “Với cuốn sách này, Nguyễn Trương Quý không chỉ phục dựng những vi lịch sử của một giai đoạn quá khứ. Nó có lẽ còn là cuốn sách hoài niệm những gì đã từng bước vào thế giới tinh thần của anh ở những năm tháng thanh xuân ấy. Và những gì bước vào đời ta ở cái quãng ấy chính là những giá trị quan trọng định hình nên ta bây giờ”…

Bản thân nhà văn Nguyễn Trương Quý nhiều lần thừa nhận: “Trong tôi như có một thế giới vang bóng những điều đã đi qua”... Dưới đôi mắt văn nhân, tháng ngày rong ruổi trên những nẻo đường du khảo (về Hà Nội) anh nhận ra mối liên thông giữa hai thế giới trong đời sống tình cảm con người. Một mặt trữ tình, yêu vẻ đẹp hoa mỹ và lối nói bóng bẩy, chất huê tình và bên cạnh đó là lòng ái quốc. “Chỉ một câu chuyện nhỏ được mở lại cũng khiến tôi rất thích thú. Như chuyện nhóm Lưu Hữu Phước tổ chức đạp xe đi Bắc Ninh, Kiếp Bạc, Đông Triều, Hòn Gai, Hải Phòng, qua sông Bạch Đằng và vịnh Hạ Long - những nơi diễn ra các trận chiến chống ngoại xâm trong lịch sử; chuyện họ mua một lư hương, các tối Chủ nhật, lại tắt đèn, đốt hương trầm ngồi khóc với nhau trong một niềm rạo rực tình yêu nước để rồi ra một loạt ca khúc cổ vũ tinh thần”.

Bước vào kỷ nguyên vươn mình đòi hỏi sự rung động, nguồn cảm hứng, năng lượng to lớn, trong đó văn hóa chính là nguồn lực đặc biệt. Nguồn: TTH

Bước vào kỷ nguyên vươn mình đòi hỏi sự rung động, nguồn cảm hứng, năng lượng to lớn, trong đó văn hóa chính là nguồn lực đặc biệt. Nguồn: TTH

Những giá trị văn hóa tinh thần cũng chính là di sản - thứ di sản không bất biến mà luôn vận động, tiếp biến trong cộng đồng. Sáng tạo, phát huy giá trị di sản là cần thiết, qua thời gian, cộng đồng sẽ tự chắt lọc và thẩm thấu những giá trị phù hợp, tàng ẩn tạo nên sức mạnh nội tại. “Di sản văn hóa rất đa dạng, chúng ta không nên bó hẹp trong một vài khuôn mẫu. Văn chương, điện ảnh và các nghi thức văn hóa đều chứa đựng những câu chuyện di sản đầy sức sống”, nhà văn Nguyễn Trương Quý nhìn nhận.

Dưới góc độ nhà làm phim, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp ví von văn hóa như một tấm thiệp quyền lực giúp mỗi người Việt định vị mình trong cộng đồng và định vị cộng đồng trên thế giới. Vài năm gần đây, nhiều bộ phim độc lập của Việt Nam đã đoạt được nhiều giải thưởng quốc tế, mở ra cơ hội kể câu chuyện về tâm hồn, khí chất, bản sắc Việt Nam. Các đạo diễn, nhà sản xuất phim Việt Nam đang say sưa sáng tạo, khắc họa chân dung những số phận, con người, đời sống xã hội… bằng ngôn ngữ mới của thời đại, trên nền tình yêu thiết tha với quê hương, xứ sở.

Chính đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp sau thành công với bộ phim Đập cánh giữa không trung (2014) đã liên tục thực hiện các dự án không gian sáng tạo. Đặc biệt, đầu năm 2024 trong vai trò nhà sản xuất, cô kết hợp với đạo diễn Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama thực hiện vở kịch nói Hồn Trương Ba, da hàng thịt với nhiều điểm phá cách so với sân khấu truyền thống. Khi được hỏi điều gì đã tiếp năng lượng cho mình, Nguyễn Hoàng Điệp trả lời: “Anh Lưu Quang Vũ luôn nói rằng ‘cuộc đời ghê gớm và đầy lý thú này’... Tôi cũng nghĩ thế đấy. Những việc ta làm trong cuộc đời này nó bé như hạt cát, thoáng nhẹ như áng mây bay... Tôi làm vì đến lúc cần làm”.

“Làm vì đến lúc cần làm” không phải tâm thế chờ đợi cảm hứng nơi đâu mà là sự thôi thúc từ bên trong. Thứ giục giã, mời gọi hồn người đến vậy chỉ có thể xuất phát từ trải nghiệm, xúc cảm cội nguồn. Bởi thế, đạo diễn gạo cội Đặng Nhật Minh nhiều lần khẳng định câu chuyện trong phim của ông không bao giờ tách khỏi bối cảnh xã hội Việt Nam trong những giai đoạn nhất định. Những câu chuyện đó chỉ có thể xảy ra ở Việt Nam chứ không thể ở nơi nào khác. “Nhớ lại năm 1999, tôi được nhận Giải thưởng Nikkei châu Á trong lĩnh vực văn hóa cộng đồng, điều làm tôi cảm động hơn cả là lý do của việc trao giải ghi trên tấm bằng: Là vì trong các phim của ông đã nói lên được tấm lòng của người Việt Nam và cũng là tấm lòng của người châu Á với thế giới. Tôi cảm động vì có người hiểu được mình, đánh giá đúng việc làm của mình”, NSND Đặng Nhật Minh kể.

Kiến tạo và nuôi dưỡng tinh hoa

Văn hóa là một món quà! Có phải thế không? Truy vấn như vậy, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng, quả đúng nếu coi văn hóa là báu vật nghìn đời tạc nên dáng hình dân tộc. Nhưng văn hóa không phải vật phẩm, không phải món quà quý giá được ai ban phát mà là thành quả được dày công vun đắp bởi biết bao thế hệ ông cha, là nguồn sức mạnh cho biết bao thế hệ.

Kiến trúc sư Tùng Lê, người có nhiều tâm huyết góp phần kiến tạo nên những công trình đậm nét di sản trên khắp mọi miền Tổ quốc, ví văn hóa như dòng chảy mà sự cống hiến của mỗi thế hệ là hành trình bồi đắp phù sa… Những khái niệm như dân tộc tính, hồn cốt văn hóa Việt vô hình lại là yếu tố quan trọng để cá nhân thỏa sức sáng tạo và không bị trộn lẫn. “Trong thiết kế, tôi sẽ không cố chấp đến nỗi khước từ tất cả giá trị có thể học hỏi, cảm thấy phù hợp với đời sống hiện đại nhưng không bao giờ bê nguyên một ngôi nhà theo kiểu châu Âu đặt vào không gian của đất nước nhiệt đới. Phải làm sao để ít nhất là ngôi nhà đó có hướng Đông, Đông Nam, hè mát đông ấm. Văn hóa của người Việt thực chất luôn dung hòa, đặc biệt như thế”.

Văn hóa như dòng chảy mà sự cống hiến của mỗi thế hệ là hành trình bồi đắp phù sa… Nguồn: TCDS

Văn hóa như dòng chảy mà sự cống hiến của mỗi thế hệ là hành trình bồi đắp phù sa… Nguồn: TCDS

Nhiều năm thực hành chất liệu gốm, họa sĩ Lê Thiết Cương chứng kiến sự mai một của nghề truyền thống trong đời sống đương đại. Ông bày tỏ sự tiếc nuối di sản gốm Thổ Hà, Hương Canh mất đi không phải chỉ mất cái vại, cái chum… mà trong ấy chứa đựng cả tập tính, văn hóa nghìn đời của người Việt. Mất truyền thống là mất căn cốt của một dân tộc. Chúng ta mất một thứ gì vật chất rất tiếc, nhưng mất văn hóa còn đau hơn nhiều, vì ít người biết, vì để lấy lại nó phải mất 50 năm, 100 năm hoặc lâu hơn, thậm chí không thể lấy lại nữa…

Đau đáu về những giá trị văn hóa của ông cha, trên nhiều diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh, nếu văn hóa không được đặt đúng vị thế có thể gây ra những hệ lụy toàn diện và lâu dài. Sự đứt đoạn của văn hóa truyền thống, việc đánh mất bản sắc, tinh thần dân tộc sẽ dẫn đến những con người vong bản. “Nếu không chú ý đúng mức đến vị trí, vai trò của văn hóa, không nâng cao sức mạnh nội sinh trong văn hóa, hiện đại văn hóa nhưng không xa rời các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm phong phú cho văn hóa Việt Nam, chúng ta sẽ mất đi nội lực và sức đề kháng trước những cuộc xâm lăng văn hóa từ bên ngoài”.

Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, giá trị văn hóa đã được Đảng, Nhà nước khẳng định từ lâu, đặc biệt là năm 1943 khi Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời. Từ đó đến nay, chúng ta đã đi một chặng đường rất dài, chuyên chở những hành trang tư tưởng lớn để dân tộc tiếp tục tiến về phía trước. “Bước vào kỷ nguyên vươn mình đòi hỏi sự rung động, nguồn cảm hứng, năng lượng vô cùng to lớn, trong đó văn hóa chính là nguồn lực đặc biệt. Tiếp sức cho văn hóa, kiến tạo tinh hoa văn hóa được đặt ra như một trách nhiệm to lớn không chỉ với những người làm công tác văn hóa mà là toàn thể xã hội, với mỗi cá nhân; từ đó, nhân lên nội lực, niềm tin, nuôi dưỡng khát vọng đổi mới, vươn mình”.

Văn hóa - Thể thao

Tết trong phố
Đại Biểu Nhân Dân TV

Tết trong phố

Tết bắt đầu bằng vị lạnh “ngọt” của những cơn mưa bụi li ti bám trên mái tóc, trên những cành đào còn đang lấm tấm nụ. Cái lạnh len lỏi trong từng con ngõ nhỏ, lẫn vào mùi trầm hương thoảng nhẹ, hòa cùng màu sắc tươi tắn, muôn hồng nghìn tía. Hà Nội vào những ngày cuối năm mang một nhịp điệu khác. Không còn vẻ trầm mặc thường ngày, phố phường khoác lên mình một sức sống mới, tươi vui và rộn rã hơn. Những dòng người tấp nập trên từng con phố, những chuyến xe chở đầy quất, đào xuôi ngược khắp phố phường, tất cả tạo nên một bức tranh mùa xuân đầy màu sắc và âm thanh.

Năm Ất Tỵ chọn tuổi nào xông đất?
Văn hóa - Thể thao

Năm Ất Tỵ chọn tuổi nào xông đất?

Theo quan niệm của người Việt Nam, mùng 1 Tết là ngày quan trọng và người đầu tiên bước vào nhà có ảnh hưởng tới vận may, sức khỏe và tài lộc của gia đình suốt cả năm. Vì vậy, nhiều gia đình coi trọng việc chọn người xông đất trong ngày đầu tiên của năm mới.

"Không gian chợ Tết xưa" tại Ninh Bình
Văn hóa - Thể thao

"Không gian chợ Tết xưa" tại Ninh Bình

Nhằm giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống và tăng trải nghiệm cho du khách, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Bình và Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường tổ chức “Không gian chợ Tết xưa” từ ngày 25.1 - 25.2, tại Phố cổ Hoa Lư, đường Tràng An, TP. Hoa Lư.

Tâm từ bi cảm hóa muôn loài
Văn hóa - Thể thao

Tâm từ bi cảm hóa muôn loài

THÍCH NGUYÊN HẬU

Trong kinh điển Phật giáo có nhiều giai thoại liên quan đến con rắn, thể hiện lòng từ bi, trí tuệ của đức Phật cảm hóa muôn loài. Cũng mang ý nghĩa ấy, song tích truyện “Đức Phật kể câu chuyện về con rắn độc” còn chứa đựng ý nghĩa sâu sắc về cách xử lý các vấn đề trong cuộc sống, thậm chí ở tầm quốc gia đại sự, theo cách gần gũi, dễ hiểu.

Món quà sách Tết từ Crabit books
Văn hóa - Thể thao

Món quà sách Tết từ Crabit books

Tết Nguyên Đán không chỉ mang lại niềm vui đoàn tụ mà còn là dịp để trao đi những giá trị sâu sắc. Crabit books giới thiệu một số đầu sách ý nghĩa giúp trẻ em hiểu hơn về ngày Tết cổ truyền của dân tộc.