Tản mạn

Quà của sách

- Thứ Ba, 28/09/2021, 06:34 - Chia sẻ
Trên thế giới, những nước có nền văn hóa lớn, giàu mạnh thông thường là những nước có ngành xuất bản phát triển lâu đời, tỷ lệ người đọc sách cao. Đáng tiếc, Việt Nam lại ở trong nhóm tỷ lệ dân số đọc sách khá thấp.

Nguyễn Thu Thủy có lẽ là hoa hậu Việt Nam duy nhất tôi follow trên Facebook. Không phải vì tôi không biết tới các hoa hậu khác, mà vì Nguyễn Thu Thủy cho tôi một lý do để theo dõi: Các bài viết của cô.

Cuộc sống không phải bao giờ cũng dễ dàng, ngay cả với nhan sắc. Những dòng viết của hoa hậu chia sẻ với mọi người nỗ lực của cô, cả niềm vui và đôi khi là sự mỏi mệt của đời người. Nhiều dòng chia sẻ của Nguyễn Thu Thủy được viết với giọng văn rất cuốn hút. Tôi đôi lần thầm nghĩ có được điều đó phải chăng vì cô là người đọc rất nhiều. Sách thấm vào người. Văn thấm vào người. Tri thức thấm vào người. Sách nâng đỡ con người, và cũng khiến con người khó mà sống với những nghĩ suy đơn giản. Chữ nghĩa hành hạ người ta. Khi họ đã đọc nhiều thì họ sẽ muốn viết. Một sự thôi thúc không ngừng. 

Sau khi hoa hậu qua đời, tôi được biết cô đã viết một tiểu thuyết, có tựa đề là “Mưa rơi trên thành phố”, dài hơn 500 trang. Hoa hậu đã viết đi viết lại tiểu thuyết này trong 10 năm.

Nguyễn Thu Thủy trở thành một runner ở tuổi 40, cũng là lựa chọn được truyền cảm hứng từ sách - cuốn "Sinh ra để chạy" của Christopher McDougall. 

Nhiều người bạn trên Facebook có thể tôi quen hoặc không quen ngoài đời, nhưng khi đọc những dòng chia sẻ của họ, tôi đoán rằng họ đã đọc sách rất nhiều. Điều đó thể hiện ở văn phong trôi chảy và tri thức. Một vẻ đẹp khó lẫn của người đọc sách. Đây có thể là nhận định chủ quan. Vì ngày nay người ta có nhiều cách tiếp thu, tổng hợp kiến thức nhờ internet mà không cần đến sách vở. Nhưng tôi vẫn cho rằng những gì đến nhanh sẽ trôi nhanh. Đến chậm như đọc sách thì mới thấm được vào những gì họ viết ra. 

Trên thế giới, những nước có nền văn hóa lớn, giàu mạnh thông thường là những nước có ngành xuất bản phát triển lâu đời, tỷ lệ người đọc sách cao. Tất nhiên một số nước chưa phải giàu có gì lắm, người dân vẫn đọc sách rất nhiều. Đáng tiếc, Việt Nam lại ở trong nhóm tỷ lệ dân số đọc sách khá thấp. Một khảo sát quốc tế được dẫn ra vào Ngày Sách Việt Nam cách đây ba năm, cho thấy trong khi người Ấn Độ đọc gần 11 giờ/tuần, Đài Loan đọc 5 giờ/tuần, Nhật Bản đọc 4 giờ/tuần, Hàn Quốc 3 giờ/tuần…, thì người Việt Nam trung bình đọc chưa tới 1 giờ/tuần. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh một đêm muộn cách đây 15 - 16 năm ở ga Lào Cai chờ tàu, cả nhà ga ngồi chen chúc hầu hết xem điện thoại hoặc buôn chuyện, ngủ gà ngủ gật, riêng một nhóm khách Tây cao lòng khòng thì cứ đứng dưới cột đèn cắm cúi đọc sách. 

Tôi là người thích sách, mua khá nhiều sách, dù sức đọc chưa nhiều. Niềm yêu thích có lẽ được hình thành từ thủa nhỏ. Tuổi thơ nghèo khó không có nhiều sách vở, cũng không có game online, YouTube, Netflix như bọn trẻ bây giờ, nên cứ có gì trong tầm tay mà đọc được là cầm đọc hăng say.

Tôi biết ơn sách và internet. Những khi tôi cảm thấy mình tự do nhất là khi tôi biết tư duy, biết suy xét dựa trên kiến thức của riêng mình, biết tỉnh thức không phụ thuộc vào ngoại cảnh.

Võ Thành