Ngày 20.12, thông tin từ Vườn quốc gia Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, bước đầu thông qua 85 điểm đặt bẫy ảnh giám sát đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Vũ Quang đã ghi nhận được 58 loài động vật hoang dã, quý hiếm, trong đó có 9 loài đặc hữu của dãy Trường Sơn.
Đặc biệt, có một số loài rất quan trọng cho công tác bảo tồn tại khu vực, cần phải có các phương án bảo vệ nghiêm ngặt là mang lớn, mang Trường Sơn, thỏ vằn Trường Sơn, cầy vằn Bắc, voi châu Á…
Các loài được ghi nhận lần này gồm: voi châu Á, khỉ mặt đỏ, khỉ vàng, khỉ đuôi lợn, khỉ mốc, mang Trường Sơn, mang lớn, mang thường, sơn dương, nai, thỏ vằn Trường Sơn, tê tê, cheo cheo Nam Dương, nai, nhím bờm, nhím đuôi dài, cầy vòi hương, chồn móc cua, chồn bạc má, cầy vòi mốc, cầy gấm, chồn họng vàng, triết bụng vàng, triết chỉ lưng, dúi, cầy vằn Bắc, mèo rừng…
Vườn quốc gia Vũ Quang được thành lập ngày 30.7.2002, nằm trên địa phận hành chính 3 huyện Vũ Quang, Hương Khê và Hương Sơn với tổng diện tích được giao quản lý trên 57.000 ha.
Vườn có một hệ động thực vật rất đa dạng và phong phú, với hơn 1.800 loài thực vật bậc cao, 94 loài thú, 315 loài chim, 90 loài bò sát ếch nhái, 88 loài cá, hơn 316 loài bướm, 118 loài kiến, 28 loài nhện và côn trùng khác, trong đó có nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam và Thế giới như: Voọc vá chân nâu, vượn má vàng, voi, mang lớn, cheo cheo, rắn hổ mang chúa…
Với tính đa dạng sinh học tháng 10.2019, tại Hội nghị các Vườn di sản ASEAN (AHP) lần 6 diễn ra tại thành phố Pakse (CHDCND Lào), Vườn quốc gia Vũ Quang chính thức được Hội đồng AHP, Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN (ACB) tuyên bố và trao danh hiệu "Vườn di sản ASEAN".
Đây là một trong những trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam, nơi lưu giữ nhiều nguồn gene rất giá trị cho công tác bảo tồn. Trong đó, có nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm, có tên trong danh mục sách đỏ IUCN và sách đỏ Việt Nam, cần được ưu tiên bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt.