QH tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn
* Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng: Sẽ kiềm chế và giảm dần tai nạn giao thông từ 5-10%/năm * Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát: Để hài hòa quyền sở hữu đất và tích tụ ruộng đất là một bài toán khó, nhưng vẫn có khả năng thực hiện
Ngày 23.11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, QH đã chất vấn hai Bộ trưởng: Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát. Phiên chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp đến cử tri cả nước.
Mở đầu phiên chất vấn, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tám và Kỳ họp thứ Chín, QH Khóa XII. Báo cáo nêu rõ: trong năm 2011, QH, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã quan tâm đến việc nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết và trả lời đầy đủ các kiến nghị của cử tri gửi đến các kỳ họp. Một số bộ, ngành nhận được nhiều kiến nghị đã tích cực nghiên cứu, giải quyết, trả lời kịp thời với cử tri. Đặc biệt, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã quan tâm, nghiên cứu, tiếp thu, khắc phục những tồn tại, hạn chế được UBTVQH kiến nghị. Tuy nhiên, một số bộ, ngành giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri còn chậm, nên không đáp ứng được yêu cầu để ĐBQH, Đoàn ĐBQH thông báo, trả lời cử tri tại các buổi tiếp xúc. Nhiều văn bản trả lời cử tri của một số cơ quan còn thiếu cụ thể, chủ yếu là giải thích, trích dẫn quy định của pháp luật mà chưa chú trọng đến việc tiếp thu, nghiên cứu, xem xét lại công tác quản lý thuộc trách nhiệm của mình và đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm giải quyết có hiệu quả những vấn đề cử tri đã kiến nghị. Vì vậy, cử tri chưa thỏa mãn và tiếp tục kiến nghị.
Thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Đinh La Thăng. Chất vấn của các ĐBQH dành cho Bộ trưởng Đinh La Thăng tập trung vào các nhóm vấn đề gồm: các giải pháp để giảm thiểu tai nạn giao thông trên cả nước, cũng như ùn tắc giao thông ở những đô thị lớn; cải thiện tiến độ và chất lượng công trình giao thông.
Các ĐBQH cho rằng, tình trạng tai nạn, ùn tắc giao thông gia tăng qua từng năm có nhiều nguyên nhân từ chất lượng công trình, quản lý giao thông, đào tạo lái xe, kiểm định phương tiện, phổ biến, giáo dục pháp luật... Theo ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), ngành giao thông - vận tải có tình trạng làm chậm, hỏng nhanh, trách nhiệm loanh quanh khiến người dân phải gánh hậu quả là ùn tắc, tai nạn giao thông. ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng, nếu chất lượng đào tạo càng tốt, càng nghiêm túc, cơ sở vật chất của các trung tâm đào tạo lái xe càng hiện đại thì số vụ tai nạn giao thông sẽ giảm. Đồng tình với quan điểm này, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị, Bộ trưởng cần đưa ra các giải pháp mang tính đột phá để giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông?
Bộ trưởng Đinh La Thăng xác nhận: dù các ngành, các cấp, toàn dân đã có nhiều nỗ lực khắc phục, nhưng tai nạn, ùn tắc giao thông vẫn xảy ra, gây thiệt hại về người và của cho xã hội. Để giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, cần đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông; tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước. Các ngành, địa phương phải coi giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông là nhiệm vụ chính trị như nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như của ngành. Bên cạnh những giải pháp lâu dài này, Bộ Giao thông – Vận tải cho biết, sẽ áp dụng nhiều giải pháp ngắn hạn như tổ chức lại giao thông; phân luồng, phân làn hợp lý; giải phóng vỉa hè, lòng đường...
Chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng, ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) nêu câu hỏi: giải pháp nào là giải pháp đột phá để vừa giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, vừa khắc phục những bất cập luôn đi cùng với hai hạn chế này? ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị, Bộ trưởng cần đưa ra cam kết cụ thể về số lượng tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông sẽ được giảm thiểu trong từng năm.
Trả lời chất vấn của ĐBQH, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, giải pháp đột phá là phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cũng như phải vào cuộc ngay, hành động một cách kiên quyết. Ngành giao thông - vận tải sẽ đề xướng, chắp nối để các bộ, các ngành cùng toàn dân thực hiện các giải pháp mà Chính phủ đã nêu ra. Và cam kết, sẽ kiềm chế và giảm dần tai nạn giao thông từ 5-10%/năm; tích cực cải thiện hạ tầng giao thông để giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn ngay từ năm 2012.
Về chất lượng công trình giao thông, ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) chất vấn: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định hoàn thiện cơ sở hạ tầng là một trong ba giải pháp đột phá trong giai đoạn tới. Nhưng trong khi nhu cầu vốn để thực hiện giải pháp này rất lớn, thì tiến độ thi công đang ì ạch, chất lượng công trình kém. Bộ trưởng có ý tưởng gì mang tính đột phá để giải quyết mâu thuẫn này, giúp cử tri thêm tin tưởng vào cá nhân Bộ trưởng cũng như ngành giao thông hay không?
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, để thực hiện mục tiêu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 thì ngành giao thông phải đi trước một bước, và phải giải quyết được điểm nghẽn về giao thông. Ngành giao thông – vận tải sẽ thay đổi từ quan điểm có bao nhiêu vốn thì làm bấy nhiêu, sang đầu tư dứt điểm để có thể hoàn thành những công trình trọng điểm, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, nâng cao chất lượng dự báo cũng như nâng cao chất lượng quy hoạch, đặc biệt là gắn chặt giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch giao thông ở các đô thị lớn để xử lý dứt điểm tình trạng ùn tắc giao thông. Để giải quyết bài toán vốn đầu tư cho nhiệm vụ này, Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu rõ, sẽ lấy hạ tầng để nuôi hạ tầng, tức là phí và lệ sử dụng hạ tầng giao thông được tính toán chuyển đổi thành giá theo cơ chế thị trường. Giải pháp này sẽ giúp thu hút được nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng tham gia hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông với Nhà nước. Cùng với xây dựng quỹ bảo trì đường bộ, sẽ xây dựng các quỹ bảo trì hạ tầng khác để thường xuyên duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa các loại đường.
Chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, tiền đóng thuế của người dân đang được sử dụng để thi công các công trình giao thông, nên quỹ bảo trì đường bộ đã trở thành một nghĩa vụ thêm vào cho người dân và cho doanh nghiệp. Do đó, quỹ bảo trì không thể được dùng để thay thế vào chuyện sửa chữa những yếu kém, những khuyết điểm trong xây dựng và quản lý giao thông. Và quỹ bảo trì giao thông phải được sử dụng công khai, minh bạch, hợp lý, không làm tăng mặt bằng giá cả chung trong điều kiện chúng ta đang chống lạm phát và không làm ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động – ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị.
Nội dung chất vấn của các ĐBQH dành cho Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát tập trung vào các nhóm vấn đề: chính sách, giải pháp để đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn; giảm tối đa thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, biến đổi khí hậu; giải pháp giữ hơn 3,8 triệu ha đất lúa...
Đối với vấn đề phát triển sản xuất nông nghiệp, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, loại hình sản xuất này chỉ có thể phát triển và đi lên trên nền tảng một nền sản xuất quy mô lớn, có khả năng ứng dụng các khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Nhưng sản xuất quy mô lớn đòi hỏi phải tích tụ ruộng đất, trong khi, người nông dân đang sở hữu những mảnh ruộng manh mún. Bộ trưởng đã có những giải pháp gì để tổ chức mô hình sản xuất phù hợp với đòi hỏi của một nền nông nghiệp sản xuất lớn, nhưng vẫn bảo đảm được quyền sở hữu của người nông dân trên từng thửa ruộng? – ĐB Nguyễn Ngọc Hòa nêu câu hỏi.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, để hài hòa quyền sở hữu đất và tích tụ ruộng đất là một bài toán khó, nhưng vẫn có khả năng thực hiện. Và thực tế đã hình thành những mô hình thực hiện thí điểm thành công như các vùng sản xuất cao su, cà phê, lúa gạo quy mô lớn; đang từng bước hình thành những vùng sản xuất thủy sản và các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn. Ngoài ra, đẩy mạnh các hình thức liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp để hình thành những cánh đồng, vùng sản xuất lớn.
Về chính sách đối với nông dân, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) trăn trở: để hình thành những người nông dân mới, Nhà nước đã đầu tư kinh phí lớn cho công tác dạy nghề. Nhưng công tác này đang tồn tại tình trạng bốn không: không đúng với đòi hỏi của nông dân; nội dung dạy nghề vừa thiếu, cũ, vừa không phù hợp; hiệu quả không cao; và nhiều nhà khoa học, chuyên môn không tham gia. Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để khắc phục những hạn chế của công tác dạy nghề cho nông dân. Bộ NN và PTNT được giao xác định ngành nghề, chương trình và thí điểm thực hiện tại hai địa phương để phát thẻ học nghề. Quá trình thí điểm thực hiện tại các địa phương đã cho thấy tính đúng đắn của phương pháp này.
Tại phiên chất vấn lần này, một lần nữa các ĐBQH đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ NN và PTNT về vấn đề đã nêu từ nhiệm kỳ Khóa XII: việc cấp phép đầu tư trồng rừng cho người nước ngoài. ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) nêu câu hỏi: việc 10 địa phương cho người nước ngoài thuê đất trồng rừng tới 300.000 ha đã được ngăn chặn hiệu quả chưa?
Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ: ngay sau Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XII, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ NN và PTNT, các địa phương kiểm tra nghiêm túc thực trạng này. Và Chính phủ đã có chủ trương không cho thuê mới; rà soát những dự án đã cấp giấy chứng nhận, những nơi nào chồng lấn lên địa bàn nhạy cảm về an ninh – quốc phòng thì rút lại giấy phép đầu tư; những nơi nào đã cấp giấy chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn trồng rừng, không ở vùng đất an ninh – quốc phòng thì tiếp tục thực hiện. Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, các địa phương đang thực hiện nghiêm túc chỉ đạo này, hiện diện tích cho thuê thực tế là 18.571 ha.
Hôm nay, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, QH chất vấn hai Bộ trưởng: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận; Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ.