QH thảo luận về dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Tiết kiệm năng lượng, nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả kinh tế

26/05/2010 00:00

Tiết kiệm năng lượng hiệu quả là vấn đề khó. Dự thảo Luật chưa quy định cụ thể tiết kiệm năng lượng ở mức độ nào là đạt hiệu quả và tiết kiệm ở mức độ nào là không đạt hiệu quả. Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhiều ĐBQH cho rằng, cần làm rõ vấn đề này vì điện đóng vai trò quyết định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nếu “tiết kiệm” quá sẽ gây khó khăn cho phát triển kinh tế. Tiết kiệm được năng lượng, nhưng vẫn phải bảo đảm hiệu quả kinh tế.

03-tiep-kiem-14610-180.jpgĐBQH NGUYỄN VĂN PHÚC (BÌNH THUẬN): Có nên đưa chương trình mục tiêu quốc gia vào trong Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả với tư cách là một chương trình dài hạn không?

Khi làm luật phải giải quyết được một cách chính xác các khái niệm và  phạm trù liên quan. Đây không chỉ là những vấn đề kỹ thuật, câu chữ mà đằng sau những khái niệm và phạm trù đó là chủ trương, chính sách. Trên tinh thần đó, trong dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tôi đề nghị, thứ nhất phải làm rõ khái niệm “tiết kiệm” và khái niệm “hiệu quả”. Trong định nghĩa và trong nhiều điều khoản của dự thảo Luật, cụm từ “tiết kiệm và hiệu quả” luôn luôn đi với nhau, nhưng xét về khía cạnh quản lý kinh tế cũng như kỹ thuật, nội hàm của hai khái niệm này có những yếu tố khác nhau. Khi dự thảo Luật định nghĩa: sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là việc giảm tổn thất, giảm mức tiêu thụ năng lượng mà vẫn bảo đảm hiệu quả hoạt động của phương tiện... thì không biết có hoàn toàn chính xác hay không, nhất là trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng? Định nghĩa này mới đề cập đến khái niệm tiết kiệm.

Theo dự thảo Luật, năng lượng được định nghĩa là nhiên liệu, là điện năng và nhiệt năng. Năng lượng có phải là nhiên liệu không, hay nhiên liệu là nguồn để tạo ra năng lượng? Bởi ở những khái niệm tiếp theo, chúng ta có nhiên liệu là các dạng vật chất được sử dụng trực tiếp hoặc qua chế biến từ tài nguyên năng lượng không tái tạo và tái tạo để làm chất đốt, tạo ra nhiệt năng. Rõ ràng khái niệm năng lượng là nhiên liệu theo tôi không chính xác vì năng lượng có điện năng, nhiệt năng, chứ không phải là nhiên liệu. Tôi cho rằng, các khái niệm phải chính xác làm cơ sở để xử lý hàng loạt vấn đề trong các điều khoản tiếp theo.

Trong dự thảo Luật cũng có nêu khái niệm kiểm toán năng lượng là hoạt động đo lường, phân tích, tính toán… Cần làm rõ khái niệm này trong mối quan hệ với Luật Kiểm toán Nhà nước. Kiểm toán Nhà nước là kiểm toán việc sử dụng, kiểm tra tài chính việc sử dụng tiền và tài sản của Nhà nước dưới các chức năng kiểm toán tuân thủ, kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán hoạt động. Trong kiểm toán hoạt động có kiểm toán tính kinh tế và tính hiệu quả của việc sử dụng tiền và tài sản Nhà nước, trong đó có năng lượng. Vậy kiểm toán năng lượng này có nằm trong phạm trù kiểm toán Nhà nước, tức là kiểm toán hoạt động của Kiểm toán Nhà nước hay không?

Cũng liên quan đến khái niệm, dự thảo Luật có đưa ra khái niệm liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia: sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là chương trình mục tiêu quốc gia dài hạn được thực hiện theo lộ trình phù hợp với từng thời kỳ phát triển KT – XH. Đây là khái niệm nửa khái niệm nửa mang tính quy định. Tôi cho rằng, trước hết, phải khẳng định đây có phải là một khái niệm không? Thứ hai là có nên đưa chương trình mục tiêu quốc gia vào trong Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với tư cách là một chương trình dài hạn hay không? Trong thực tế cũng như quy định của các văn bản pháp luật liên quan thì chương trình mục tiêu quốc gia là chương trình mang tính chất ngắn hạn. Theo đó, nhà nước phải dành các nguồn lực, nỗ lực để tập trung giải quyết một số mục tiêu trong một thời hạn nhất định. Sau khi giải quyết xong thì việc quản lý và điều chỉnh những hoạt động liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia sẽ căn cứ theo luật và theo những hoạt động quản lý nhà nước thường xuyên khác. Đề nghị cân nhắc và xử lý rành rọt các khái niệm nêu trên, nhất là khái niệm về chương trình mục tiêu quốc gia cũng như khái niệm tiết kiệm và hiệu quả vì đây là những khái niệm chi phối toàn bộ Luật này.

03-tiep-kiem-14610-180-a2.jpgĐB MAI THỊ ÁNH TUYẾT (AN GIANG): Chính sách về giá có sức mạnh hướng các doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Điều 41 quy định về ưu đãi đối với hoạt động sử dụng tiết kiệm năng lượng có hiệu quả, trong đó có chính sách hỗ trợ đối với các dự án tiết kiệm năng lượng có hiệu quả. Các quy định này cần rõ hơn theo hướng, nếu tiết kiệm năng lượng hiệu quả thì sẽ nhận được hỗ trợ toàn bộ hay một phần và đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ là ai? Đề nghị cần cụ thể theo hướng quy mô tiết kiệm, lĩnh vực tiết kiệm và mục tiêu tiết kiệm; đồng thời vấn đề tiết kiệm năng lượng phải kết hợp với vấn đề môi trường, khuyến khích sản xuất theo hướng tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn… Đây là mô hình hiện nay các nước phát triển đang hướng vào và đang phát triển rất mạnh. Vấn đề sản xuất sạch hơn vừa giảm thiểu nguyên liệu đầu vào cũng như đầu ra, giúp doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng vừa giúp bảo vệ môi trường. Tôi nghĩ, trong chính sách và đối tượng để ưu tiên hỗ trợ quy định trong dự thảo Luật nên khuyến khích các dự án về tiết kiệm năng lượng theo hướng sản xuất sạch hơn. Đây là giải pháp hiệu quả cho cả nhà nước và doanh nghiệp.

Điều 41 còn quy định về đầu tư dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, nâng cao năng lượng sản xuất theo hướng đổi mới công nghệ và chính sách hỗ trợ về đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, tôi cho rằng, các chính sách quy định trong dự thảo Luật không khác gì các chính sách hiện hành. Hiện nay, các chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ chưa tạo sức hút cho các doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ. Nếu đẩy mạnh vấn đề tiết kiệm năng lượng có hiệu quả mà không tăng cường những chính sách mang tính hấp dẫn hơn thì e rằng sẽ tiếp tục không có bao nhiêu doanh nghiệp tiến hành đổi mới công nghệ nhằm hướng tới mục tiêu sản xuất tiết kiệm năng lượng hiệu quả. Đề nghị chính sách ưu tiên hỗ trợ trong Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần có sức hấp dẫn hơn, trong đó cần lưu ý đến chính sách về giá để khuyến khích các doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng có hiệu quả. Chính sách về giá là chính sách có sức mạnh hơn các chính sách hỗ trợ hay chế tài khác để hướng các doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm năng lượng theo hướng hiệu quả.

03-tiep-kiem-14610-180-a3.jpgĐB TRẦN VĂN KIỆT (VĨNH LONG): Tiết kiệm được năng lượng mà vẫn bảo đảm hiệu quả kinh tế

Tiết kiệm năng lượng hiệu quả là vấn đề vô cùng khó khăn. Dự thảo Luật chưa quy định cụ thể tiết kiệm năng lượng ở mức độ nào là đạt hiệu quả và tiết kiệm ở mức độ nào là không đạt hiệu quả. Cần làm rõ vấn đề này vì điện đóng vai trò quyết định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nếu tiết kiệm theo kiểu hà tiện quá sẽ gây khó khăn cho phát triển kinh tế. Tiết kiệm được năng lượng mà vẫn bảo đảm hiệu quả kinh tế đi lên. Do đó, tôi đề nghị QH nên xem xét tiết kiệm năng lượng ở mức độ nào là hợp lý, chứ nếu không khéo thì tiết kiệm năng lượng trở thành khẩu hiệu cho toàn xã hội… Chẳng hạn, chúng ta có thể quy định là tiết kiệm năng lượng chiếm tỷ lệ bao nhiêu % tăng trưởng GDP thì sẽ hợp lý hơn. Ví dụ chiếm tỷ lệ 1/3 hoặc 1/6 theo tăng trưởng GDP của đất nước. Như vậy, mọi người, mọi nhà,  mọi cơ quan và doanh nghiệp sẽ biết ước lượng, từ đó tự điều hòa vấn đề tiết kiệm năng lượng.

03-tiep-kiem-14610-180-a4.jpgĐBQH HỨA CHU KHEM (SÓC TRĂNG): Nên áp dụng chế tài về kinh tế để xử phạt vi phạm về sử dụng năng lượng 

Trong xã hội có nhiều hình thức sử dụng năng lượng và cũng có nhiều dạng năng lượng. Sử dụng như thế nào là tiết kiệm thì do sự điều chỉnh của pháp luật và nhận thức của mỗi người. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, tôi nghĩ rằng, không thể bắt tất cả mọi việc sử dụng năng lượng giống nhau. Bởi, đối với những hộ sản xuất kinh doanh phải sử dụng những thiết bị có công suất lớn, hao tốn nhiều điện, nhiều năng lượng thì mới đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh. Trong trường hợp này, mặc dù tiêu hao nhiều điện, nhiều năng lượng, nhưng đó là do tính chất và yêu cầu của công việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; họ trả tiền cho việc sử dụng đó thông qua các mức giá khác nhau. Cho nên, tôi nghĩ rằng, trong chế tài xử phạt về sử dụng năng lượng hiệu quả nên áp dụng những biện pháp chế tài về mặt kinh tế, chứ không thể sử dụng biện pháp khống chế bằng hành chính như phạt giam giữ, cải tạo…

03-tiep-kiem-14610-180-a5.jpgĐBQH NGUYỄN VĂN THUẬN (QUẢNG NAM): Đang có sự lúng túng…

Dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được chuyển hóa từ một Nghị quyết thành một văn bản pháp luật. Do vậy, có những bất cập là trong 8 chương thì có 4 chương quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo ngành và lĩnh vực; còn 3 chương đi theo các đối tượng như chương VI về hộ gia định, cá nhân, cơ sở dịch vụ; Chương VII về cơ quan đơn vị, các dự án đầu tư mà sử dụng ngân sách nhà nước; Chương về cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Điểm bất hợp lý là cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thì có mặt tất cả 4 lĩnh vực: công nghiệp, sản xuất công nghiệp, xây dựng, chiếu sáng, giao thông vận tải, nông nghiệp. Vấn đề đặt ra là các cơ sở này chấp hành quy định ở Chương IX hay chấp hành các quy định ở Chương II, III, IV, V thì trong dự án Luật không giải quyết được.

Để sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả không chỉ có vai trò của Bộ Công thương; Bộ Công thương chỉ giúp Chính phủ quản lý nhà nước về lĩnh vực năng lượng. Nhưng để thực hiện được thì trong tất cả các khâu, đặc biệt là quy trình sản xuất phải tuân theo những quy trình, quy chuẩn của mỗi sản phẩm để bảo đảm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tại dự án Luật trình UBTVQH cho ý kiến trước đó, cũng có điều luật giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như một số bộ, ngành khác. Khi đó chúng tôi đặt câu hỏi, bây giờ Chính phủ phải lường được là đến bao giờ các cơ quan có trách nhiệm ban hành được quy chuẩn để bảo đảm thực hiện điều luật này… Rõ ràng đang có sự lúng túng trước phạm vi điều chỉnh đồ sộ của lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với các quy định cụ thể trong dự án Luật này.

Về trách nhiệm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của hộ gia đình, Điều 27 quy định: khuyến khích các hộ gia đình thiết kế xây dựng nhà ở có khả năng tận dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên. Trước hết, trong quá trình thiết kế chắc chắn người ta đã phải tính làm thế nào để tiết kiệm được tối đa năng lượng. Thứ hai, ở các đô thị hiện nay, với điều kiện ăn ở chật hẹp, nhiều khi muốn tận dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên cũng không làm nổi… Tôi rất băn khoăn như vậy. Có lẽ dự án Luật nên tập trung vào một vài nội dung trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chứ nếu giữ cả dự án Luật như thế này thì sự thực là cũng chỉ thành một đạo luật chung chung.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        QH thảo luận về dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Tiết kiệm năng lượng, nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả kinh tế
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO