QH thảo luận tại tổ về Báo cáo tổng kết hoạt động của QH, các cơ quan của QH nhiệm kỳ Khóa XII
Sáng 24.3, QH đã thảo luận tại tổ về Báo cáo tổng kết hoạt động của QH, các cơ quan của QH nhiệm kỳ Khóa XII (2007-2011). Theo đánh giá dù nhiệm kỳ QH lần này chỉ có 4 năm, nhưng đã đạt được nhiều thành tựu đổi mới quan trọng. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đại biểu băn khoăn về sự đáp ứng của luật đối với yêu cầu cuộc sống, vấn đề hậu giám sát…
QH hoạt động ngày càng dân chủ, thiết thực
Đa số ý kiến các đại biểu đều thống nhất với đánh giá được nêu trong Báo cáo tổng kết hoạt động của QH nhiệm kỳ Khóa XII. Theo đó, kết quả nổi bật là QH đã hoạt động ngày càng dân chủ, thiết thực và hiệu quả, có nhiều đổi mới cả trong tư duy và thực tiễn hành động. ĐB QH Nguyễn Hữu Nhị (Nghệ An) cho rằng, QH Khóa XII đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được đổi mới về quy trình, bảo đảm tăng cả về số lượng và chất lượng, thông qua được 68 dự án luật, góp phần thể chế hóa kịp thời, đúng đắn đường lối của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của Nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Trong hoạt động của UBTVQH đã chú trọng tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi có sự tham gia của nhiều thành phần liên quan. Công tác giám sát được tăng cường với sự kết hợp của nhiều phương thức, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan của QH. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống, thảo luận, ra Nghị quyết và giám sát thực hiện Nghị quyết đã được thông qua. Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt là về KT- XH, ngân sách nhà nước và công trình dự án quốc gia ngày càng có chất lượng hơn, bám sát và đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn. Đồng tình với nhận định này, ĐBQH Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa), cũng khẳng định, QH Khoá XII đã thực sự là diễn đàn dân chủ, sinh động. QH đổi mới tổ chức và hoạt động, thực hiện có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ đã tạo ra nhiều nhân tố mới, góp phần tích cực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân do Đảng lãnh đạo, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
ĐBQH Trần Đình Nhã (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cho rằng, Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ QH đã nêu được những vấn đề cơ bản, những nét khái quát về QH Khóa XII. Tuy nhiên, qua 4 năm hoạt động, cùng với rất nhiều việc đã làm được, cũng còn nhiều vấn đề hạn chế cần được kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm cho các nhiệm kỳ tới. Còn ĐBQH Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận) đề nghị, cần đặt ra vấn đề hoạt động QH nên đổi mới như thế nào. Khóa XIII và các khóa tiếp theo có hai hướng: phải sửa một số các đạo luật, có thể phải sửa cả Hiến pháp thì QH mới tiếp tục đổi mới như thế nào? Những vấn đề đó không thể chỉ đặt riêng cho QH Khóa XIII. Vấn đề thứ hai là phải thành lập các UB chuyên sâu.
ĐBQH trình sáng kiến luật - mong muốn và hiện thực
Bên cạnh nhiều thành tựu đã đạt được, nhiều hạn chế trong vấn đề lập pháp cũng được nhiều ĐBQH quan tâm trong phiên thảo luận tại tổ sáng nay. Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ cho thấy, trong 4 năm, QH đã thông qua được 68 luật, 12 Nghị quyết; UBTVQH đã thông qua 13 Pháp lệnh và 7 Nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, trong đó, đáng chú ý là phần lớn các văn bản được ban hành hoặc là sửa mới hoặc sửa một cách toàn diện. Tuy nhiên, ĐBQH Đào Xuân Nay (Bình Thuận) trăn trở, chất lượng luật đôi lúc chưa đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống. Nhiều luật ban hành, nhưng Chính phủ và các Bộ chưa ban hành hướng dẫn kịp thời hoặc hướng dẫn không mạch lạc dẫn đến luật chậm đi vào cuộc sống. Nhìn lại những hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật, ĐBQH Trần Đình Nhã (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, chương trình xây dựng luật hiện nay cần được xem xét lại. Theo ĐB, nhiều luật rút ra khỏi chương trình nhưng chưa ai có báo cáo trước QH tại sao lại rút ra, nguyên nhân do đâu... ĐB cũng trăn trở, tại sao ĐBQH chưa đưa ra một sáng kiến lập pháp nào, trong khi đó, nghị viện các nước trên thế giới, nghị sỹ cũng chính là người làm luật. Đây là vấn đề được đặt ra từ lâu. Theo ĐBQH Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận), ĐBQH hiện nay chủ yếu thực hiện xem xét các dự án luật trình và thông qua. Hơn nữa, ĐBQH kiêm nhiệm, bộ máy giúp việc chuyên nghiệp không có… nên việc để ĐBQH trình các sáng kiến luật có lẽ phải chờ đợi…
Hậu giám sát cần được đặt ra một cách quyết liệt
Hầu hết các ý kiến của ĐBQH đều cho rằng, thời gian qua công tác giám sát được tăng cường với sự kết hợp của nhiều phương thức và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan của QH. Đặc biệt, việc QH Khoá XII giám sát giải quyết các kiến nghị của cử tri là một điểm mới trong hoạt động giám sát tối cao, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, được nhân dân hoan nghênh. Tuy nhiên, hậu giám sát là vấn đề nhiều đại biểu còn băn khoăn. ĐBQH Nguyễn Hữu Nhị (Nghệ An) thẳng thắn, tính pháp lý trong hoạt động giám sát chưa cao, chưa có chế tài để các kiến nghị sau giám sát cần phải được xem xét, xử lý. Theo ĐB Nguyễn Văn Phúc, thời gian qua, hậu giám sát chưa thực sự được quan tâm đúng mức; chưa có một quy chế nào cho hậu giám sát. Vừa qua, UBTVQH có báo cáo kết quả giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri, nhưng đây mới chỉ là bước đầu. ĐB đề nghị, thời gian tới cần có quy chế để nghe kiến nghị của Hội đồng Dân tộc và các UB báo cáo và làm thế nào để những kiến nghị đó “vang” lên trên diễn đàn QH. ĐBQH Hà Minh Huệ (Bình Thuận) cũng cho rằng, giám sát làm tốt nhưng hậu giám sát không theo đuổi đến cùng là hơi "lãng phí". Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của QH và các văn bản pháp luật có liên quan theo hướng xác định rõ phạm vi, đối tượng chịu sự giám sát tối cao của QH; thẩm quyền giám sát của các chủ thể; hình thức, cách thức, trình tự, thủ tục tiến hành giám sát, hậu quả pháp lý sau giám sát.
Nhiều đại biểu đề nghị, trong hoạt động giám sát hiện nay, UB của QH đang tiến hành thí điểm điều trần. Đây là một hoạt động hay, cần được phát huy...
Buổi chiều, QH thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Kiểm toán độc lập