QH Khóa XII - tiếp nối, đổi mới và phát triển

T. Bình thực hiện 24/03/2011 08:13

Năm 2007 – thời điểm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ QH Khóa XI và Khóa XII – có ý kiến băn khoăn: không biết QH Khóa mới có giữ được nhịp độ đổi mới của QH Khóa cũ không? Với hơn 2/3 số ĐBQH Khóa XI không tái cử và nhiều ĐBQH “lão làng”, có nhiều kiến thức và kinh nghiệm hoạt động của cơ quan dân cử không tái cử, chất lượng ĐBQH sẽ như thế nào, QH tiếp tục đổi mới ra sao? 4 năm sau, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, QH Khóa XII đã tiếp nối và phát triển được thành quả của QH Khóa trước. Không khí nghị trường dân chủ, thẳng thắn và tranh luận. Đặc biệt, QH Khóa XII đã xây dựng được những cơ chế mới, tạo điều kiện để ĐBQH tham gia tốt hơn vào các hoạt động của QH.

QH Khóa XII - tiếp nối, đổi mới và phát triển ảnh 1PV: Chủ nhiệm đánh giá như thế nào về hoạt động của QH trong nhiệm kỳ Khóa XII?

CN Trương Thị Mai: Năm 2007 – thời điểm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ QH Khóa XI và QH Khóa XII, có một câu hỏi đặt ra: QH Khóa XII có giữ được nhịp độ đổi mới của QH Khóa XI không? Với hơn 2/3 số ĐBQH không tái cử, trong đó có nhiều đại biểu lão làng mang trong mình nhiều kiến thức và kinh nghiệm của cơ quan dân cử không tái cử thì QH Khóa XII có điểm gì mới?

4 năm sau, khi QH Khóa XII đã đi gần trọn nhiệm kỳ, rõ ràng chúng ta đã có câu trả lời: QH Khóa XII đã tiếp nối và phát triển được những thành quả của QH Khóa XI. Không khí thảo luận, tranh luận tại nghị trường rất dân chủ và thẳng thắn. Đặc biệt QH Khóa XII đã xây dựng được những cơ chế mới, tạo điều kiện cho ĐBQH tham gia tốt hơn vào các hoạt động của QH. Ví dụ, lần đầu tiên, QH tiến hành chất vấn theo nhóm vấn đề. Trong trả lời chất vấn, QH yêu cầu 3 – 4 bộ trưởng, trưởng ngành liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tham gia trả lời chất vấn, làm rõ. Đây là cải tiến hay, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn. Với cách thức mới này, nhóm vấn đề nêu lên chất vấn đã được xử lý một cách trọn vẹn hơn (tôi không dùng chữ “đi đến cùng”), thay vì chỉ gói gọn trong phần đăng đàn của một Bộ trưởng trả lời chất vấn.

Hay, trong nhiệm kỳ Khóa XII, hoạt động chất vấn không dừng ở những Kỳ họp QH mà lần đầu tiên được tiếp nối thông qua việc tổ chức chất vấn tại các Phiên họp của UBTVQH; tổ chức hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH. Sau giám sát, cụ thể là giám sát chuyên đề, và sau chất vấn, QH ban hành Nghị quyết.

Những điểm mới rất đáng ghi nhận đó đã tạo sự kết nối ngày càng tốt hơn giữa QH, các ĐBQH với cử tri. Cử tri nhận thấy, hoạt động của QH mang lại những hiệu quả thiết thực. Nếu trước đây, không ít ý kiến băn khoăn: cử tri đóng góp ý kiến, gửi kiến nghị tới QH nhưng những kiến nghị đó có được tiếp thu không? Ai theo dõi, đôn đốc việc giải quyết và ai giám sát? Nhưng thực tế, trong nhiệm kỳ Khóa XII, với việc UBTVQH trình QH Báo cáo giám sát kết quả việc giải quyết kiến nghị của cử tri trong từng kỳ họp đã giải tỏa được băn khoăn trên. Tuy chưa hoàn toàn thỏa mãn song rõ ràng đây là sự định hình rõ nét về phương thức nhằm giải quyết kiến nghị của cử tri giữa hai kỳ họp. Đây là bước tiến rất quan trọng trong hoạt động của QH.  

PV: Chủ nhiệm có nhắc tới một điểm mới trong nhiệm kỳ Khóa XII là các hoạt động giải trình đã được tiến hành khá thường xuyên tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH. Là một trong những Ủy ban đi đầu trong việc tổ chức các hoạt động giải trình, Chủ nhiệm có ý kiến như thế nào về điểm mới này?

CN Trương Thị Mai: Trong Báo cáo tổng kết hoạt động của QH nhiệm kỳ Khóa XII (2007 - 2011) do Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Chín đã nêu rõ: việc tổ chức hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH là điểm mới trong nhiệm kỳ này, bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan của QH trong nhiệm kỳ tới thì phương hướng, nhiệm vụ đề ra là phát huy vai trò của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH theo hướng nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan này.  Tiếp tục mở rộng tổ chức hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH; nghiên cứu giao quyền chất vấn cho Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH.

Tôi cho rằng, việc tổ chức hoạt động giải trình nên được xem xét, nghiên cứu theo hướng kết hợp giải trình với chất vấn tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban. Nghiên cứu mở rộng đối tượng tham dự các phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban. Đối với những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân, có thể mời người dân tham gia để tạo không khí kết nối giữa cơ quan dân cử, đại biểu dân cử và các cơ quan có trách nhiệm với người dân. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta đẩy mạnh việc hiện thực hóa chủ trương: coi Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH thực sự là xương sống trong hoạt động của QH. Nếu chuyển giao và tăng thêm thẩm quyền, tạo cơ chế hoạt động cho Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH thì tôi tin, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban sẽ đóng góp xứng đáng hơn nữa cho các hoạt động của QH.

PV: Từ thực tiễn tổ chức các hoạt động giải trình ở Ủy ban của mình, thì hiệu quả thiết thực mà điểm mới này mang lại là gì, thưa Chủ nhiệm? 

CN Trương Thị Mai: Đối với một chính sách hoặc vấn đề nóng bỏng của thực tiễn cuộc sống, khi được đưa ra để giải trình thì điều đầu tiên là chính sách được giải thích một cách cặn kẽ. Bộ trưởng hoặc cơ quan liên quan của Chính phủ phải giải trình cặn kẽ tại sao lại ban hành chính sách đó, đánh giá tác động của chính sách đối với xã hội, với người dân như thế nào? Để thực hiện chính sách đó, chúng ta phải bỏ ra bao nhiêu tiền? Mặt tích cực, hạn chế của chính sách là gì? Trên cơ sở đó, các thành viên Ủy ban đặt câu hỏi, yêu cầu giải trình làm rõ những khía cạnh quan tâm hoặc người dân đang bức xúc. Những thông tin này rất cần thiết cho cơ quan giám sát cũng như cơ quan thực thi chính sách, bảo đảm chính sách được điều chỉnh theo hướng tốt hơn. Ví dụ, khi Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức phiên họp nghe giải trình về chính sách giảm nghèo, có thể thấy, một là chuẩn nghèo của chúng ta đã đưa ra quá lâu nên không còn hợp lý; hai là cách thức để điều tra hộ nghèo trong từng địa bàn dân cư còn nhiều bất cập. Vấn đề đặt ra là nên tổ chức điều tra thực trạng hộ nghèo trong cả nước theo hướng nào? Có nên tiếp tục chính sách giảm nghèo hay không khi chuẩn nghèo được nâng lên? Nhà nước và người dân tham gia với mức độ, tỷ lệ như thế nào để tránh tình trạng ỷ lại khi Nhà nước quan tâm quá sâu vào chính sách; hoặc ngược lại, nếu Nhà nước quan tâm, đầu tư không đầy đủ thì cũng không được tạo động lực để người nghèo vươn lên thoát nghèo...

Tất cả những câu hỏi này đã được đặt ra trong vòng vài tiếng đồng hồ của phiên họp nghe giải trình. Các cơ quan của Chính phủ đã lắng nghe, tiếp thu. Và hiện nay, trong chuẩn nghèo mới, có thể thấy một phần từ kết quả của phiên họp nghe giải trình về chính sách giảm nghèo của Ủy ban. Rõ ràng, phương thức hoạt động này tốt cho cả hai bên – cơ quan giám sát việc thực thi chính sách và cơ quan thực thi chính sách.

PV: Trong Báo cáo tổng kết hoạt động của QH nhiệm kỳ Khóa XII, Chủ tịch QH khẳng định: QH đã hoạt động ngày càng dân chủ, thiết thực và hiệu quả, có nhiều đổi mới cả trong tư duy và thực tiễn hành động. Thực tiễn hành động có lẽ đã rõ qua những cải tiến, đổi mới cụ thể ở Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban. Nhưng, đổi mới trong tư duy thì như thế nào, thưa Chủ nhiệm?

CN Trương Thị Mai: Trong nhiệm kỳ Khóa XII, QH, UBTVQH đồng loạt tiến hành xây dựng các Đề án cải tiến, đổi mới hoạt động của QH trên hầu hết các lĩnh vực như Đề án đổi mới cách thức tiếp xúc cử tri; Đề án nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; Đề án đổi mới hoạt động giám sát... Đây chính là những cơ sở rất quan trọng được đúc rút từ thực tiễn hoạt động của QH để QH, các cơ quan của QH đổi mới tư duy và đáp ứng ngày càng cao yêu cầu đổi mới của Đảng, của người dân.

Ví dụ Đề án đổi mới cách thức tiếp xúc cử tri, có lẽ không phải chờ đến nhiệm kỳ tới mà ngay trong nhiệm kỳ Khóa XII, nhiều nội dung trong Đề án đã được triển khai trong thực tế. ĐBQH, các Đoàn ĐBQH đã và đang từng bước thay đổi cách thức tiếp xúc cử tri, tiếp cận tốt hơn với người dân, tránh tính hình thức; tăng tính đối thoại giữa QH, các ĐBQH với người dân.

Các Đề án này do Đảng đoàn QH lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai; giao cho các Ủy viên UBTVQH, đồng thời là người đứng đầu các cơ quan của QH, UBTVQH chủ trì. Đó chính là sự đổi mới từ tư duy, nhận thức. Khi Đề án được tiến hành thảo luận tập thể như thế đồng nghĩa với việc các nội dung, góc cạnh của vấn đề đã được trao đổi kỹ; trong đó có những kiến nghị với Đảng, có những kiến nghị cho QH, tiếp tục hoàn thiện hơn cơ chế đang vận hành, hướng tới mục tiêu đổi mới. Đổi mới để hoạt động của QH ngày càng hiệu quả, đại diện ngày càng tốt hơn ý chí và nguyện vọng chính đáng của người dân.

Xin cám ơn Chủ nhiệm!

    Nổi bật
        Mới nhất
        QH Khóa XII - tiếp nối, đổi mới và phát triển
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO