Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ khi có Luật PPP đến nay chỉ có 33 dự án mới, tập trung vào 3 trong 5 lĩnh vực Luật cho phép. Cụ thể, giao thông có 25 dự án, chiếm 80% tổng số dự án PPP mới, gồm 22 dự án đường bộ cao tốc, 3 dự án cảng hàng không. Xử lý rác thải và cung cấp nước sạch mỗi lĩnh vực có 3 dự án. Ở mảng y tế, có 2 dự án bắt đầu được Đà Nẵng và Yên Bái nghiên cứu đề xuất triển khai.
Vì sao nhà đầu tư thờ ơ với PPP như vậy dù khung pháp lý đã hoàn thiện hơn và ở tầm cao hơn - là luật, chứ không phải nghị định như trước? Tại một số hội thảo gần đây, các chuyên gia đã thảo luận và chỉ ra hai nguyên nhân chính.
Đầu tiên, quy định “trần” phần vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP tối đa bằng 50% tổng mức vốn đầu tư chưa phù hợp. Thực tế, Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương đang chuẩn bị đầu tư một số dự án theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm tạo động lực phát triển cho các vùng, miền. Giai đoạn đầu, nhu cầu vận tải của các dự án này chưa cao; một số dự án chỉ tính riêng chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư đã vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án. Vì vậy, ở các dự án này đòi hỏi Nhà nước phải tăng tỷ lệ đầu tư để thu hút nhà đầu tư tư nhân. Hiện nay, Quốc hội cũng đã cho phép áp dụng tỷ lệ vốn góp của Nhà nước vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án tại Luật Thủ đô và Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Thái Bình, Cao Bằng.
Bên cạnh đó, quy định lấy nguồn dự phòng ngân sách để chia sẻ với nhà đầu tư trong trường hợp doanh thu của dự án giảm, theo Bộ Tài chính, là chưa phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, chưa phù hợp với mục đích sử dụng nguồn ngân sách dự phòng. Nhà nước cam kết ứng tiền chia sẻ rủi ro nhưng nếu Bộ Tài chính cho rằng dùng dự phòng ngân sách là không đúng quy định, chưa kể nguồn dự phòng ngân sách lại phụ thuộc vào nguồn thu ngân sách hàng năm, thì khó có nhà đầu tư nào dám “xuống tiền”.
Cả hai vướng mắc này đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tìm hướng tháo gỡ trong quá trình sửa Luật PPP. Trong dự thảo Luật gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án cho phép Thủ tướng chính phủ, HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP cao hơn 50% nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư trong 3 trường hợp: (1) có chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư; hỗ trợ xây dựng công trình tạm vượt quá 50% tổng mức đầu tư; (2) thực hiện ở địa bàn có điều kiện kinh kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; (3) có phương án tài chính khả thi nhưng cần thu hút đầu tư tư nhân để nhận chuyển giao công nghệ cao, tiên tiến.
Về nguồn vốn thanh toán trong trường hợp chia sẻ giảm doanh thu, Bộ đề xuất bổ sung các nguồn vốn khác. Theo đó, ngoài ngân sách dự phòng, còn có nguồn từ dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, nguồn tăng thu ngân sách hàng năm dành cho chi đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, Bộ đề xuất không hạn chế các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP và bãi bỏ hạn mức quy mô tối thiểu với các dự án PPP. Theo đó, trừ các dự án thuộc trường hợp Nhà nước độc quyền, dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội, còn lại dự án PPP được khuyến khích thực hiện ở tất cả dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cung cấp sản phẩm, dịch vụ công.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến trong Kỳ họp tháng 10 tới đây. Các đề xuất chính sách này sẽ được Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng trước khi bấm nút thông qua, để bảo đảm phương thức đầu tư PPP sẽ hấp dẫn hơn, từ đó, thu hút thêm nhiều nguồn lực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của đất nước.