PPP là chính, nhưng…!

- Thứ Sáu, 04/06/2021, 08:20 - Chia sẻ
Trong 10 năm tới, Việt Nam cần làm gần 4.000km đường cao tốc mới nhưng “vốn ngân sách trung ương chỉ mang tính khơi nguồn, vốn xã hội hóa là quyết định và đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) là chính”. Đây là một trong những nội dung kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp về thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 vừa được Văn phòng Chính phủ thông báo.

Lựa chọn PPP được đưa ra trong bối cảnh ngân sách nhà nước dù cân đối tối đa cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu vốn xây dựng đường bộ cao tốc trong 10 năm tới, khoảng 747,6 nghìn tỷ đồng theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải. Ngân sách nước ta thâm hụt nhiều năm nay, giờ lại bị đại dịch Covid-19 bào mòn vì phải chi những khoản lớn để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong khi các nguồn thu từ thuế sẽ sụt giảm đáng kể vì các hoạt động kinh tế bị đình trệ.

Tất nhiên, ngân sách eo hẹp chỉ là một trong số rất nhiều lý do cần phải dựa vào PPP để thay đổi diện mạo cơ sở hạ tầng nói chung và hoàn thành 4.000km cao tốc nói riêng. Không chỉ “có tiền”, khu vực tư nhân với đặc tính năng động của mình chắc chắn có khả năng thích ứng nhanh hơn với mức chi phí tiết kiệm hơn khu vực công, nhất là trong các tình huống khủng hoảng, ví dụ như xảy ra dịch bệnh. Đặc biệt, cơ chế chia sẻ rủi ro trong dự án PPP có thể giúp ngân sách nhà nước giảm bớt tổn thất trong trường hợp có những tình huống xấu ảnh hưởng đến khả năng thu phí của dự án.

Mặc dù vậy, rất lâu rồi không có mấy dự án BOT giao thông được khởi công. Ngay cả các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam cũng phải chuyển đổi sang dùng ngân sách nhà nước. Tỷ lệ đầu tư từ khối tư nhân trong tổng vốn đầu tư ở thời điểm cao nhất cũng chỉ đạt được 45,6%, thấp hơn nhiều nước trên thế giới. Luật PPP - khung pháp lý cao nhất cho hình thức đầu tư này - có hiệu lực từ đầu năm nay nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn “lắc đầu” khi được hỏi tương lai có rót vốn vào các dự án BOT giao thông nữa hay không… 

Thách thức sẽ còn lớn hơn rất nhiều khi đại dịch Covid-19 qua đi. Kinh tế khó khăn sẽ khiến nhà đầu tư tư nhân cẩn trọng hơn khi ra quyết định đầu tư, đặc biệt là vào những thị trường mới nổi và chưa có nhiều kinh nghiệm thực hiện PPP như Việt Nam.

Vì thế, định hướng “PPP là chính” hoàn toàn xác đáng nhưng điều quan trọng tiếp theo là phải trả lời cho được một câu hỏi vô cùng khó, đó là làm thế nào để thu hút được các nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư tổ chức (các công ty bảo hiểm, các quỹ lương hưu và các quỹ đầu tư tài sản…) vào các dự án cơ sở hạ tầng? Tuy không có chuyên môn xây dựng hay vận hành các dự án cơ sở hạ tầng nhưng các nhà đầu tư tổ chức thường có thời gian trả nợ dài nên có thể cho các dự án cơ sở hạ tầng vay với thời hạn dài hơn ngân hàng. Đặc biệt, họ cũng có thể vượt qua được sự thiếu hụt luồng tiền tạm thời do ảnh hưởng của đại dịch và vì thế trở thành các tổ chức cấp vốn lý tưởng cho các dự án cơ sở hạ tầng trong bối cảnh Covid-19 đặt cả nhà đầu tư tư nhân và ngân hàng đứng trước những thách thức chưa từng có.

Đại dịch một lần nữa cho thấy vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong đầu tư cơ sở hạ tầng dưới hình thức PPP, còn thực tế cho thấy điểm nghẽn phần lớn đến từ chính sách cụ thể, từ quy trình, thủ tục thực hiện của các bộ, ngành và địa phương - nói cách khác là trong chính bộ máy nhà nước. Do đó, Chính phủ cần  hành động quyết liệt và tập trung hơn nữa trong việc khắc phục những vấn đề của chính bộ máy để thu hút nguồn lực của tư nhân phát triển hạ tầng quốc gia, trước mắt là 4.000km cao tốc, qua đó vừa giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngắn hạn, vừa chuẩn bị nền tảng cho phát triển dài hạn. 

Hà Lan