Pippi đi xem xiếc
Truyện của Astrid Lindgren (Thụy Điển)

Một đoàn xiếc đến diễn ở thị trấn, mọi đứa trẻ đều chạy đến bố mẹ xin phép được đi xem. Thomas và Annika cũng xin và ông bố phúc hậu bèn rút ngay ra mấy đồng bạc đẹp đẽ đưa cho chúng. Nắm chặt tiền trong tay, hai đứa chạy sang nhà Pippi. Pippi đứng ở hiên nhà, bên con ngựa và đang tết đuôi ngựa thành những cái bím xinh xinh buộc nơ đỏ.
“Tớ nghĩ hôm nay là sinh nhật nó. Vì vậy trông nó phải rõ bảnh”.
“Pippi”, Thomas thở hổn hển nói, vì cậu vừa chạy thật lực. “Pippi, cậu có muốn cùng bọn tớ đi đến rạp xiếc không?”.
“Tớ có thể cùng đi khắp nơi, “Pippi nói, “nhưng liệu có thể cùng đến rạp xiếc không thì tớ không biết, vì tớ chẳng biết rạp xiếc là cái gì cả. Nó có làm mình đau không?”
“Ngốc ơi là ngốc”, Thomas nói “Nó làm gì mà đau! Vui lắm cơ, với nào ngựa, nào hề, cùng những cô rất đẹp đi trên dây biểu diễn các tiết mục đặc sắc”.
“Nhưng phải mất tiền”, Annika nói và xòe bàn tay xinh xinh ra xem hai đồng bạc to sáng loáng và hai đồng 50 xu còn đấy không.
“Tớ giàu như một nhà ảo thuật, và lúc nào mà tớ chả có thể mua cả một rạp xiếc”, Pippi nói, “mặc dù nhà sẽ trở nên chật chội, nếu tớ có thêm ngựa ở đây. Các chú hề và những cô gái đẹp tớ còn có thể nhét vào trong kho, nhưng với lũ ngựa thì gay go đấy”.
“Cậu ngốc thật”, Thomas nói. “Cậu không phải mua rạp xiếc. Cậu phải trả tiền để được vào mà nhìn, hiểu chưa?”
“Lạy Chúa che chở”, Pippi kêu lên và nhắm tịt mắt lại, “phải mất tiền mới được nhìn à? Thế mà ở đây thì tớ cứ trợn mắt lên nhìn hết ngày sang ngày khác. Ai mà biết được tớ đã nhìn mất không biết bao nhiêu là tiền!”
Nó từ từ thận trọng mở một mắt và đảo con ngươi một vòng.
“Mặc kệ, tốn bao nhiêu thì tốn nhưng bây giờ tớ cứ phải nhìn cái đã”.
Nhưng rốt cuộc Thomas và Annika cũng giải thích được cho Pippi thế nào là rạp xiếc, và Pippi bèn mở vali lấy ra mấy đồng tiền vàng. Nó đội lên đầu cái mũ to tướng như cái bánh xe cối xay, đoạn cả lũ chạy đến rạp xiếc.
Trước nhà bạt là một đám đông chen chúc, trước quầy bán vé người người xếp hàng rồng rắn. Cuối cùng đến lượt Pippi. Nó thò đầu vào quầy, chằm chằm nhìn bà lão có nét mặt dễ mến ngồi trong, và bảo:
“Để nhìn bà thì giá bao nhiêu ạ?”
Nhưng bà lão là người nước ngoài nên không hiểu ý Pippi, mà đáp:
“Cô bé ơi, vé hợng nhớt giớ năm đồng, hợng hơi ba đồng, còn đấng một đồng”.
“Ra thế”, Pippi nói, “nhưng bà phải hứa với cháu là bà sẽ đi trên dây đấy nhé”.
Lúc này Thomas bèn xen vào, nói rằng Pippi muốn mua vé hạng hai. Pippi đưa ra một đồng vàng và bà lão nhìn đồng tiền vẻ ngờ vực. Bà còn cắn thử xem có phải vàng thật hay không. Cuối cùng bà tin quả thật đấy là vàng và Pippi được nhận vé. Ngoài ra nó còn được trả lại một đống tiền bằng bạc.
“Cháu biết làm gì với cả đám đồng nhỏ xấu xí màu trắng này?” Pippi tỏ vẻ không vui. “Bà cứ việc giữ lấy, rồi cháu sẽ xem bà hai lần nữa vậy. Vé đứng”.
Vì Pippi nhất định không chịu nhận tiền trả lại, bà lão bèn đổi cho nó vé hạng nhất, bà cũng đưa cho Thomas và Annika hai vé hạng nhất mà không lấy thêm xu nào. Bằng cách đó, cả ba đứa được ngồi trên những cái ghế đỏ rất đẹp ngay trước sân khấu. Thomas và Annika quay lại nhiều lần để vẫy đám bạn học ngồi tít phía sau.
“Nhà cửa gì trông đến buồn cười”, Pippi nói, mắt nhìn xung quanh vẻ ngạc nhiên. “Nhưng cứ như tớ thấy thì họ rắc cả mùn cưa trên sàn. Tớ không hiểu lắm, nhưng theo tớ thì cứ bẩn bẩn thế nào ấy”.
Thomas bèn giải thích cho Pippi rằng trong mọi rạp xiếc sàn nhà đều rải mùn cưa để ngựa có thể đi lại dễ dàng hơn.
“À thế sao”, Pippi nói.
Đột nhiên, dàn nhạc của rạp xiếc ngồi trên một bục diễn bắt đầu chơi một bản hành khúc rộn ràng. Pippi vỗ tay như điên và phấn khởi nhún nhảy trên ghế. “Phải trả tiền để nghe nữa chứ, hay là có thể nghe không mất tiền?” Nó hỏi.
Vừa lúc đó, tấm màn căng trước đường vào hậu trường kéo lên và ông giám đốc rạp xiếc trong bộ đuôi tôm đen tuyền, tay cầm roi ngựa lao ra, theo ông là mười con ngựa trắng với những túm lông chim đỏ trên đầu. Ông giám đốc rạp xiếc vút ngọn roi da, lũ ngựa bèn chạy vòng quanh sàn diễn. Ông lại vút cái nữa, con nào con ấy gác hai chân lên khung chắn quanh sàn diễn. Một con ngựa đứng ngay trước chỗ ngồi của ba đứa trẻ. Annika hoàn toàn không thích thấy một con ngựa ngay sát trước mũi mình, cô bé nép người vào ghế, cố né càng xa càng tốt. Nhưng Pippi lại nhoài người về phía trước, nhấc cao chân trước của con ngựa và bảo:
“Xin chào! Tớ phải chào đằng ấy nhiều điều, thay mặt con ngựa của tớ. Hôm nay cũng là sinh nhật nó, nhưng nó được tết nơ dưới đuôi chứ không phải trên đầu như đằng ấy”.
May phúc là Pippi đã buông chân con ngựa trước khi ông giám đốc đoàn xiếc vụt chiếc roi vào không khí lần nữa, bởi cả lũ ngựa lập tức hạ chân khỏi rào chắn và lại bắt đầu chạy.
Khi tiết mục kết thúc, ông giám đốc đoàn xiếc tiếp tục cúi chào, và lũ ngựa rời sàn diễn. Lát sau, màn lại mở cho một chú ngựa đen bóng như than, với một cô gái mặc áo lụa xanh lá cây bó sát người đứng trên lưng nó. Theo tờ chương trình thì tên cô là Cacmensita.
Chú ngựa đi nước kiệu theo vòng tròn trên lớp mùn cưa, còn cô Cacmensita đứng hết sức bình thản, mỉm cười.
Nhưng rồi xảy ra một chuyện. Đúng lúc chú ngựa đi qua chỗ Pippi, có cái gì bay vèo trong không trung, mà đó chẳng phải ai khác ngoài chính Pippi. Giờ đây nó đã đứng sừng sững trên lưng ngựa, sau cô Cacmensita. Thoạt đầu cô Cacmensita bàng hoàng đến nỗi suýt nữa ngã khỏi lưng ngựa. Rồi cô nổi giận. Cô bắt đầu thò tay ra sau đấm lia lịa để Pippi phải nhảy xuống. Nhưng vô hiệu.
“Bình tĩnh nào, bớt giận xuống vài độ đi”, Pippi nói. “Dễ chị tưởng chỉ mình chị có quyền vui thú thôi chắc! Đây cũng trả tiền như ai”.
Lúc này cô Cacmensita chỉ muốn tự nhảy xuống, nhưng cũng không nổi, vì Pippi đã vòng tay đường hoàng ôm chặt lấy bụng cô. Thế là mọi người trong rạp xiếc không nhịn được cười. Họ thấy nực cười quá, cái cảnh cô Cacmensita xinh đẹp bị một con bé con tóc đỏ túm chặt lấy, mà cái con bé đứng trên lưng ngựa với đôi giày to tướng ấy trông như thể sinh ra chỉ để biểu diễn trong rạp xiếc.
Nhưng ông giám đốc đoàn xiếc không cười, ông ra hiệu cho người phục vụ vận đồ đỏ giữ con ngựa lại.
“Tiết mục kết thúc rồi sao”, Pippi thất vọng hỏi, “đúng vào lúc đang vui ơi là vui!”
“Đồ phá rối!” Ông giám đốc đoàn xiếc rít qua kẽ răng. “Cút ngay!”
Pippi ỉu xìu nhìn ông ta.
“Có chuyện gì thế ạ?” Nó hỏi. “Sao bác lại cáu kỉnh? Cháu tưởng chúng mình đều muốn vui chơi”.
Nó tụt khỏi lưng ngựa, trở về chỗ.
Nhưng bây giờ có hai người giúp việc to lớn đến để tống cổ Pippi. Họ túm lấy cô bé, tìm cách nâng bổng nó lên nhưng không xong. Pippi ngồi im không nhúc nhích và bám chặt lấy ghế, không còn cách nào lay chuyển nó khỏi chỗ ngồi mặc dù hai người đã gắng hết sức co kéo. Họ đành nhún vai bỏ đi.
Giữa lúc đó, tiết mục tiếp theo bắt đầu. Đó là cô Envira biểu diễn tiết mục đi trên dây. Cô mặc chiếc váy ngắn bằng voan hồng, tay cầm ô hồng. Với vài bước đi duyên dáng, cô nhảy lên sợi dây. Cô đung đưa cặp giò và biểu diễn mọi tài nghệ. Trông thật hấp dẫn. Cô còn cho thấy thậm chí cô có thể đi giật lùi trên dây. Nhưng lúc cô về lại điểm xuất phát hẹp ở đầu dây và quay nhìn lại thì đã thấy Pippi đứng lù lù ở đó.
“Chị bảo sao nào?” Pippi hân hoan hỏi khi thấy nét mặt sửng sốt của cô Envira.
Cô Envira chẳng bảo sao cả, mà nhảy xuống khỏi dây, chạy đến ôm lấy cổ ông giám đốc đoàn xiếc vốn là bố cô. Và ông giám đốc lại sai những người giúp việc của ông tống cổ Pippi khỏi rạp. Lần này ông cử hẳn năm người, nhưng tất cả những khán giả trong rạp gào lên:
“Để nó yên! Chúng tôi muốn xem cô bé tóc đỏ biểu diễn!”
Rồi họ vừa giậm chân vừa vỗ tay rào rào.
Pippi nhảy lên dây. Và mọi tài nghệ của cô Envira chẳng thấm tháp gì so với khả năng của Pippi. Khi ra tới giữa dây, Pippi chĩa thẳng một cẳng chân lên trời, và cái giày to đoàng của nó xòe ra như mái nhà trên đầu cô bé: nó lại hơi chúc bàn chân xuống để có thể lấy giày bịt tai lại.
Ông giám đốc đoàn xiếc hoàn toàn không hài lòng với việc Pippi biểu diễn trong rạp của ông. Ông muốn tống cổ con bé. Vậy nên ông lén đến tháo cái máy giữ căng sợi dây cáp, ông tin chắc thế nào Pippi cũng ngã lộn cổ. Thế nhưng, không. Pippi lại bắt đầu đung đưa sợi dây. Sợi dây đu lên, hạ xuống, Pippi đu nhanh nữa, nhanh nữa, rồi bất chợt nó tung mình lên không trung và đậu xuống đúng người ông giám đốc.
Ông giám đốc sợ quá bỏ chạy.
“Một con ngựa hay đáo để”, Pippi nói. “Nhưng sao đằng ấy không có bờm gì cả thế?”.
Pippi thấy đã đến lúc quay về với Thomas và Annika.
Nó trèo từ trên người ông giám đốc xuống, ngồi vào chỗ, và bây giờ sẽ bắt đầu tiết mục tiếp theo. Mất một lúc chờ đợi, vì ông giám đốc rạp xiếc phải đi ra uống một cốc nước và chải lại đầu. Nhưng rồi ông đã quay vào, cúi chào khán giả và nói:
“Thưa quý ông, quý bà! Bây giờ các vị sẽ được thưởng thức kỳ quan lớn nhất của mọi thời đại, người đàn ông khỏe nhất thế giới, lực sĩ Adolf, đến nay chưa từng biết thua là gì. Xin mời, thưa quý ông quý bà, lực sĩ Adolf có mặt”.
Trên sàn diễn xuất hiện một gã đàn ông khổng lồ. Gã mặc bộ quần áo nịt màu da người, trước bụng là một tấm da báo. Gã cúi chào khán giả, vẻ hết sức mãn nguyện.
“Quý vị hãy xem, thế này mới là cơ bắp chứ”, ông giám đốc đoàn xiếc vừa nói vừa ấn vào cánh tay lực sĩ Adolf, ai dám thử khuất phục người đàn ông khỏe nhất thế giới? Một trăm đồng thưởng cho ai hạ được lực sĩ Adolf. Một trăm đồng, quý vị lưu ý cho, thưa quý ông quý bà. Xin mời! Ai ra nào?”
Chả ai ra cả.
“Ông ta bảo cái gì vậy?” Pippi hỏi.
“Ông ta bảo ai quật ngã được cái nhà ông to lớn kia sẽ được nhận một trăm đồng”, Thomas nói.
“Tớ thừa sức”, Pippi nói. “Nhưng tớ thấy quật ngã chú ấy thì khổ thân quá, trông chú ấy dễ mến đấy chứ”.
“Thôi đi cậu, cậu thừa sức thế nào được”. Annika nói, “đó là người đàn ông khỏe nhất thế giới cơ mà!”
“Đàn ông à, phải”, Pippi nói. “Nhưng tớ là cô gái khỏe nhất thế giới, cậu nên nhớ thế!”
Trong lúc đó lực sĩ Adolf đang mải nâng những quả tạ to đùng và bẻ cong những thanh sắt dày để phô diễn sức mạnh.
“Nào, thưa quý vị khán giả”, ông giám đốc đoàn xiếc kêu to, “nếu quả thật ở đây không có ai muốn nhận một trăm đồng, thì bắt buộc tôi phải giữ chúng!” Ông ta vẫy vẫy tờ giấy bạc một trăm.
“Không, quả thật, cháu không nghĩ thế”, Pippi vừa nói vừa trèo qua rào chắn, lên sàn diễn.
ông giám đốc đoàn xiếc cực kỳ bối rối khi trông thấy cô bé.
“Cút! Xéo ngay! Tao không muốn nhìn mặt mày nữa!” Ông ta thì thào.
“Sao lúc nào bác cũng cau có thế”, Pippi nói đầy vẻ trách móc. “Cháu chỉ muốn đọ sức với lực sĩ Adolf thôi mà”.
“Đây không phải là chỗ để đùa”, ông giám đốc nói. “Đi đi, trước khi lực sĩ Adolf nghe thấy những lời hỗn láo của mày?”
Nhưng Pippi đã bước qua ông giám đốc đoàn xiếc, tiến thẳng tới trước mặt lực sĩ Adolf. Nó nắm bàn tay to bè của gã, nhiệt tình lắc lấy lắc để.
“Thế nào, hai ta cùng đấu một keo chứ, chú và cháu ấy?”
Lực sĩ Adolf nhìn cô bé, chẳng hiểu gì sất.
“Một chút nữa là cháu sẽ bắt đầu”, Pippi nói.
Và y lời nó. Pippi bắt đầu cuộc đấu vật chính quy với lực sĩ Adolf, mọi người chưa kịp theo dõi đã thấy nó quật ngã gã trai xuống thảm. Lực sĩ Adolf nhảy bật dậy, mặt đỏ lựng.
“Hoan hô, Pippi!” Thomas và Annika gào lên. Tất cả khán giả trong rạp đều nghe thấy, họ cũng gào theo: “Hoan hô, Pippi!”.
Ngồi trên rào chắn, ông giám đốc đoàn xiếc vặn hai tay vào nhau. Ông điên lên vì giận. Nhưng lực sĩ Adolf còn điên máu hơn. Suốt đời gã, chưa bao giờ gã phải chịu một sự sỉ nhục gớm ghê đến thế. Và giờ đây gã muốn tỏ cho con bé tóc đỏ này thấy thực sự lực sĩ Adolf là một tay thế nào. Gã nhảy xô tới cô bé, túm lấy nó. Nhưng Pippi cứ đứng trơ trơ như một tảng đá.
“Chú có thể làm tốt hơn đấy”, nó nói để động viên gã. Nhưng rồi nó vùng khỏi tay gã và trong nháy mắt, lực sĩ Adolf đã lại sóng xoài trên tấm thảm. Pippi đứng cạnh chờ đợi. Nó chẳng phải chờ lâu. Gã gầm lên và lại xông vào nó.
“Ái chà chà, ái chà chà”, Pippi nói.
Tất cả mọi người trong rạp xiếc vừa giậm chân vừa tung mũ về phía Pippi, miệng hét: “Hoan hô Pippi!”
Khi lực sĩ Adolf nhào tới Pippi lần thứ ba, nó bèn nâng bổng gã trên hai cánh tay và cứ thế giơ gã trên cao đi vòng quanh sàn diễn. Đoạn nó lại đặt gã nằm nguyên chỗ.
“Nào, ông chú bé bỏng, cháu nghĩ ta dừng ở đây thôi”, nó nói. “Gì thì gì, chẳng còn trò nào thú hơn từ nãy đến giờ nữa đâu”.
“Pippi thắng rồi! Pippi là người thắng cuộc!” Tất cả mọi người trong rạp gào lên. Lực sĩ Adolf lủi rõ nhanh. Và ông giám đốc đoàn xiếc buộc phải đến bên Pippi trao cho nó tờ giấy bạc một trăm, mặc dù trông ông như chỉ muốn ăn sống nuốt tươi nó.
“Xin mời, cô bạn của tôi, xin mời, một trăm đồng!”
“Cái này à?” Pippi khinh thường đáp. “Cháu biết làm gì với cái tờ giấy vứt đi này kia chứ? Bác cứ việc giữ lấy nó mà gói cá muối cũng được, nếu bác thích”.
Đoạn nó bỏ về chỗ.
“Cái trò xiếc này kéo dài đáo để”, nó bảo Thomas và Annika. “Chợp mắt một lát cũng chẳng hại gì. Nhưng nếu có thêm trò gì mà tớ có thể giúp một tay, thì đánh thức tớ với nhé”.
Đoạn nó ngả người ra ghế và ngủ liền. Nó nằm đó mà ngáy, trong khi các chú hề, những nhà nuốt kiếm và nuôi dạy rắn biểu diễn tài nghệ của họ cho Thomas, Annika và mọi người khác trong rạp xem.
“Nhưng dẫu sao anh vẫn thấy Pippi tài nhất”, Thomas rỉ tai Annika.
Vũ Hương Giang dịch