Phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp
Để mọi người dân đều được hưởng thành quả tăng trưởng, Quảng Ninh đã thực hiện nhiều quyết sách quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Trong đó, nỗ lực cải cách hành chính (CCHC) gắn với chuyển đổi số, góp phần tích cực trong việc đưa tỉnh trở thành địa phương có mức độ hài lòng về sự phục vụ hành chính cao nhất cả nước năm 2022.
Khẳng định vị trí dẫn đầu
Xác định lấy sự hài lòng của người dân làm mục tiêu phấn đấu, tỉnh Quảng Ninh luôn nỗ lực kiến tạo niềm tin, sự hài lòng của nhân dân thông qua kiên trì thực hiện mục tiêu gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển con người; nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân. Để phục vụ nhân dân một cách tốt nhất, một trong những nhiệm vụ được tỉnh ưu tiên thực hiện, đó là tập trung CCHC, nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo điều hành.

Những năm qua, tỉnh đã chủ động, quyết liệt thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng về mọi mặt của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) với phương châm kết hợp “làm từ trên xuống”, “làm từ dưới lên”, “làm đồng thời” để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.
Minh chứng cho những nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh vì sự hài lòng của người dân một lần nữa được khẳng định tại Phiên họp thứ tư về cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số và công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022 (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ tổ chức ngày 19.4 vừa qua. Theo đó, Quảng Ninh xếp thứ nhất với mức độ hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước là 87,59%, đây là lần thứ 4 liên tiếp tỉnh đứng thứ nhất chỉ số SIPAS. Đối với Chỉ số PAR INDEX năm 2022, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục ở ngôi vị dẫn đầu đối với cấp tỉnh với 90,1 điểm.
Đẩy mạnh phân cấp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương
Trong kế hoạch CCHC của tỉnh năm 2023, Quảng Ninh xác định sẽ thực hiện đầy đủ, kịp thời việc cập nhật công bố, công khai, minh bạch TTHC dưới nhiều hình thức, nhất là môi trường mạng, tạo điều kiện cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhân dân kiểm tra, giám sát việc giải quyết TTHC dễ dàng, mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời, tổ chức rà soát, đơn giản hóa các TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp, bảo đảm các TTHC mới ban hành phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Tại hội nghị sơ kết công tác CCHC 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 mới đây, Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh cho biết: công tác CCHC của tỉnh tiếp tục được chỉ đạo triển khai toàn diện, đồng bộ các nội dung. Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, có 24/32 nhiệm vụ đã được hoàn thành theo kế hoạch CCHC. Nhiều sở, ngành, đơn vị đã chủ động rà soát, trình UBND tỉnh cắt giảm thời gian giải quyết từ 30 đến trên 60% theo quy định như: Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...
Tính đến hết ngày 30.6, toàn tỉnh tiếp nhận 532.950 hồ sơ, đã giải quyết 506.890 hồ sơ, đạt 95,11%. Công tác xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số được quan tâm đẩy mạnh thực hiện. Tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc toàn trình cả 3 cấp đạt trên 80%, trong đó: cấp xã đạt trên 70%, cấp huyện đạt trên 75%, cấp tỉnh đạt trên 85%. Thanh toán phí, lệ phí giải quyết TTHC không dùng tiền mặt đạt gần 900 triệu đồng. Các hoạt động hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được triển khai bình đẳng, thúc đẩy đầu tư kinh doanh trên địa bàn. Các nội dung về cải cách thể chế, tài chính công, chế độ công vụ, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được triển khai hiệu quả.
Những tháng còn lại của năm 2023, tỉnh Quảng Ninh xác định tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ CCHC theo đúng kế hoạch đã ban hành, quyết tâm giữ vững vị trí đứng đầu toàn quốc 4 chỉ số PCI, PAR-Index, SIPAS, PAPI. Trong đó, khắc phục tình trạng chậm, muộn thủ tục hành chính, nếu quá hạn hồ sơ phải công khai xin lỗi người dân, doanh nghiệp, tiếp tục khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến; tăng cường việc gặp mặt, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, động viên doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện sắp xếp, kiện toàn chức năng nhiệm vụ, cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính ở cả 3 cấp; đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, kết nối, liên thông các nền tảng số, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đồng bộ, thực chất, hiệu quả...