Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021

Phục hồi và phát triển bền vững

- Thứ Sáu, 03/12/2021, 05:58 - Chia sẻ
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì vào ngày 5.12 tới, hơn 500 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đại diện các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước sẽ tập trung thảo luận về chủ đề “nóng” nhất, hệ trọng nhất hiện nay: Phục hồi và phát triển bền vững trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Đây cũng là lần đầu tiên, một Diễn đàn có quy mô lớn như vậy được tổ chức theo chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với hình thức trực tiếp và cả trực tuyến để Quốc hội có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn trong việc xem xét, quyết định các chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, sớm trở lại trạng thái bình thường mới và không bị “lỡ nhịp” xu thế phục hồi, phát triển của thế giới.

Cấp thiết, khẩn trương phải có chính sách hỗ trợ cả về kinh tế và xã hội

Thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách kịp thời về phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19; Chính phủ và các bộ, ngành đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Mặc dù vậy, nền kinh tế nước ta vẫn đang chịu tác động mạnh mẽ và tiêu cực của dịch Covid-19, đặc biệt từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư, đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt kinh tế - xã hội cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đến tất cả các ngành, lĩnh vực. Nền kinh tế phải đối mặt với không ít rủi ro, nguy cơ, thách thức về lạm phát, thiếu nguyên liệu, vật liệu đầu vào, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, lao động việc làm, an sinh xã hội, an ninh, trật tự xã hội… Số liệu thống kê cho thấy, tăng trưởng GDP quý III năm nay giảm sâu chưa từng có (-6,17%), sản xuất của doanh nghiệp bị đình trệ, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lao động, việc làm, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến các cân đối vĩ mô và việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và giai đoạn 5 năm 2021 - 2025.

Trong khi đó, theo đánh giá của giới chuyên gia và nhiều đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai vừa qua, mặc dù Chính phủ đã cố gắng, nỗ lực huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch bệnh nhưng quy mô các chính sách hỗ trợ còn tương đối thấp. Năm 2021, quy mô gói hỗ trợ ước chỉ khoảng 10,5 tỷ USD, tương đương 2,85% GDP, tổng nguồn lực trong cả hai năm 2020 - 2021 vào khoảng 4% GDP. Các chính sách hỗ trợ vừa qua cũng mới chủ yếu tác động về phía cung, chưa có giải pháp tổng thể cùng với nguồn lực để thúc đẩy phục hồi đồng bộ cả cung và cầu của nền kinh tế. Nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng, nền kinh tế sẽ không thể sớm phục hồi và tăng tốc. 

Chính vì thế, “cấp thiết, khẩn trương phải có các chính sách hỗ trợ cả về kinh tế và xã hội trên cơ sở phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tiễn của đất nước để bảo vệ thành quả đã đạt được trong thời gian qua, tránh nguy cơ tụt hậu và gia tăng khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới, đạt được các mục tiêu trước mắt cũng như trong dài hạn”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn nhấn mạnh tại cuộc họp báo về Diễn đàn chiều qua.

Đẩy nhanh tốc độ phục hồi, tạo tác động lan tỏa với nền kinh tế

Thông tin tại cuộc họp báo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, với tinh thần chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa, thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng cơ quan của Quốc hội và Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học để bàn về các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu này. 

Trong đó, một yêu cầu được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tại các cuộc làm việc là phải đánh giá tác động chính sách hết sức kỹ lưỡng, đánh giá đúng, trúng tác động của đại dịch đối với kinh tế - xã hội ở trong nước, xác định được mức độ thiệt hại và khả năng phục hồi của nền kinh tế, xác định lĩnh vực cần tập trung hỗ trợ để phục hồi và phát triển, xác định lĩnh vực nào “trong nguy có cơ”, có tiềm năng (ví dụ các lĩnh vực kinh tế số hóa, xanh hóa, công nghệ thông tin…) để có thể đẩy nhanh tốc độ phục hồi và tác động lan tỏa đối với nền kinh tế. Đặc biệt, các giải pháp ngắn hạn cũng phải đặt trong tổng thể dài hạn, gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững, không đưa ra các chính sách có thể giúp phục hồi kinh tế trong ngắn hạn, trước mắt nhưng lại gây bất ổn vĩ mô trong dài hạn. Trên cơ sở đánh giá tác động và phân tích dư địa của chính sách tài chính, tiền tệ mới có thể xác định rõ các nguyên tắc, quy mô, liều lượng, trọng tâm của chính sách tập trung vào các lĩnh vực nào, phân bổ vào đâu và đề xuất cụ thể về phương thức huy động nguồn lực, các giải pháp liên quan đến lĩnh vực tài chính, tiền tệ.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 “Phục hồi và phát triển bền vững” được Ủy ban Kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức vào ngày 5.12 tới cũng là chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nằm trong chuỗi các hoạt động để Lãnh đạo Quốc hội lắng nghe ý kiến của các chuyên gia về vấn đề hết sức hệ trọng này. Dự kiến, tới đây, Quốc hội sẽ tổ chức kỳ họp bất thường để xem xét quyết định gói chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Theo Ban Tổ chức, Diễn đàn sẽ tiến hành phiên họp toàn thể, tọa đàm cấp cao và hai tọa đàm chuyên đề. Trong đó, tại Phiên toàn thể, Diễn đàn sẽ nghe các diễn giả nêu quan điểm và thảo luận mở về một số gợi ý chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; kinh nghiệm quốc tế về phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và hàm ý chính sách đối với Việt Nam; phục hồi và phát triển kinh tế bền vững thông qua thúc đẩy chuyển đổi số ở nước ta; các khuyến nghị chính sách đẩy mạnh phục hồi kinh tế. Tại Tọa đàm cấp cao, Diễn đàn sẽ thảo luận về một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Phiên chuyên đề thứ nhất về phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế, các diễn giả, chuyên gia sẽ tập trung thảo luận bàn tròn về: dư địa chính sách tài khóa và phối hợp chính sách tài khóa - tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới; chính sách thuế cho giai đoạn phục hồi kinh tế, kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị dành cho Việt Nam; chuyển đổi số - tìm cơ trong nguy để bứt phá, phát triển kinh tế. Phiên chuyên đề thứ hai về bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế, các chuyên gia sẽ tập trung thảo luận bàn tròn về: đẩy mạnh đào tạo nghề góp phần cung ứng nhân lực có kỹ năng cho phục hồi kinh tế và phát triển bền vững đất nước; các khuyến nghị chính sách về lao động, thị trường lao động và việc làm tại Việt Nam; an sinh xã hội cho các nhóm dễ tổn thương trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam.

Với các nội dung toàn diện cả kinh tế và xã hội sẽ được thảo luận cởi mở tại Diễn đàn, chắc chắn sẽ là nguồn dữ liệu quan trọng cả về lý luận và thực tiễn, góp phần cung cấp thêm cơ sở giúp Quốc hội xem xét, quyết định các chính sách thuộc thẩm quyền nhằm hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, sớm trở lại trạng thái bình thường mới và không bị “lỡ nhịp” xu thế phục hồi, phát triển của thế giới.

 

Nguyễn Bình