Phục hồi có ổn định?

Hải Anh 10/10/2015 08:12

Trong tuần vừa qua, đồng rupiah của Indonesia đã có đà hồi phục tương đối sau khi để rớt 3,8% - mức mạnh nhất trong vòng 11 tháng qua. Cuối phiên giao dịch ngày 6.10 tại thị trường Tokyo, đồng rupiah tăng giá 1,8% so với đồng USD, lên 14.233IDR/USD. Có điều gì đang xảy ra với đồng tiền của nền kinh tế đứng đầu Đông Nam Á này?

Những tín hiệu phục hồi

Tính từ đầu năm đến nay, rupiah là đồng tiền giảm mạnh thứ 2 thế giới với mức 8% so với đồng USD. Đồng nội tệ Indonesia đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính châu Á 1998 khi chạm đáy 13.542 IDR/USD vào phiên 7.8. Sự hồi phục ngoạn mục của đồng tiền này trong tuần đầu tháng 10 đã kéo theo đà tăng trở lại của một loạt các loại tiền tệ châu Á hồi giữa tuần do dự đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ FED sẽ trì hoãn việc tăng lãi suất cho tới đầu năm sau. Đồng thời,  báo cáo việc làm tháng 9, vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy nước này chỉ tạo thêm được 142.000 việc làm trong tháng 9, thấp hơn nhiều so với con số 205.000 việc làm mà các nhà phân tích dự đoán trước đó. Thông tin trên phần nào “hâm nóng” lại nhu cầu tìm kiếm lợi nhuận của giới đầu tư và khiến đồng USD giảm so với hầu hết các đồng tiền của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

“Đây là cơ hội phục hồi cho các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Indonesia sau đợt bán tháo chứng khoán ồ ạt diễn ra thời gian qua” - ông Michael Hasenstab, người quản lý hơn 30 quỹ  đầu tư, với tổng  tài sản lên đến 143 tỷ USD ở Franlink, San Mateo, California phát biểu trong một cuộc phỏng vấn.

Trong quý III vừa qua, các quỹ nước ngoài đã rút 1,2 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán và 11,86 tỷ rupiah (tương đương 833 triệu USD) khỏi thị trường trái phiếu Chính phủ Indonesia trong bối cảnh diễn ra một đợt bán tháo tại các thị trường mới nổi do ảnh hưởng của sự suy giảm kinh tế Trung Quốc và lo ngại Mỹ sẽ tăng lãi suất. Tuy nhiên, chỉ số cổ phiếu Jakarta gần đây đã tăng 8,2% kể từ sau khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 28.9. Các cổ phiếu “cỡ bự” trên sàn chứng khoán cũng có sự hồi phục tương đối: Cổ phiếu  công ty PTA Astra International nổi tiếng trong lĩnh vực phân phối ô tô và khai thác mỏ tại Indonesia đã tăng 10,8%, cổ phiếu của PT Bank Mandiri tăng 7,9% và ngân hàng đại lý Trung tâm châu Á là 3,2%. Ikhwani Fauzana, nhà điều hành giao dịch tỷ giá tại PT Bank Indonesia nhận định: “Sự trở lại của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã khiến tâm lý thị trường vững vàng hơn”.

Vẫn cần nhiều hỗ trợ

Theo nhận xét của ông Saktiandi Supaat, Trưởng bộ phận nghiên cứu tỷ giá hối đoái của ngân hàng Malayan Bhd., Singapore, đồng rupiah được hưởng lợi lớn từ việc các nhà quản lý quỹ nhìn nhận về việc mua tài sản được định giá rẻ hơn tại các thị trường mới nổi. Tất cả các biện pháp của Chính phủ và ngân hàng trung ương đưa ra cho thấy sự kiên trì trong việc hỗ trợ đồng rupiah.

 Tuần trước, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã yêu cầu Công ty Dầu khí quốc gia PT Pertamina tính toán lại giá nhiên liệu trong nước như một phần của chính sách kích thích kinh tế. Người đứng đầu chính quyền quốc đảo này cũng kiên quyết áp dụng một loạt các biện pháp quan trọng, bao gồm chính sách mới để thu hút các nhà đầu tư như ban hành các quy định mới theo xu hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, giảm thuế cho các nhà xuất khẩu hàng hóa... Chính phủ cũng sẽ đưa ra các tính toán nhằm tăng giá đồng rupiah, và tăng cường các chương trình hỗ trợ người nghèo.

Trong tháng này, Ngân hàng Trung ương  Indonesia (BI) bắt đầu có những động thái can thiệp vào thị trường nội địa cũng như tìm cách hạn chế nguồn cung trong ngắn hạn của đồng rupiah tại thị trường trong nước để ngăn chặn việc vay tiền mua USD. Về chính sách tiền tệ, BI sẽ áp dụng nhiều biện pháp hơn nữa để hỗ trợ cho đồng rupiah, duy trì niềm tin trên thị trường ngoại hối bằng cách kiểm soát sự biến động của đồng nội tệ. Ông Supaat dự đoán, rupiah có thể đạt mức 15.000IDR/USD vào cuối năm nay. Song, ông cũng cho rằng các chính sách của ngân hàng trung ương nhằm ổn định nội tệ cũng như quyết tâm của chính phủ trong việc thu hút đầu tư sẽ giúp cho mức tăng này chỉ xấp xỉ 14,500IDR/USD.

Tuy nhiên, rất nhiều người tin rằng sự hồi phục của đồng nội tệ tại đảo quốc lớn nhất thế giới này chỉ là tạm thời. “Chẳng có gì là ổn định cả”, chiến lược gia Sean Yokota của hãng Skandinaviska Enskilda Banken AB  nói: “Sau khi người ta đua nhau chạy theo sự tăng giá của đồng USD, hệ quả tất yếu sẽ là sự sụt giảm”.

Dẫu vậy, nhiều nhà phân tích vẫn cho rằng, nhiều nhà đầu tư đang cảm nhận được dấu hiệu ổn định của rupiah. Điều đó phần nào giúp cho đồng tiền này không suy giảm đáng kể nữa. Ngay khi niềm tin trở lại, mọi người sẽ thấy được sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán Indonesia, từ đó, quay trở lại rót vốn vào thị trường đầu tàu Đông Nam Á này.

 Mới đây, Chính phủ Indonesia đã triển khai gói kích thích kinh tế thứ ba nhằm thu hút đầu tư và phục hồi nền kinh tế nước này. Gói này bao gồm nới lỏng quy định dành cho ngân hàng về quản lý ngoại hối từ lợi nhuận xuất khẩu, giảm thời gian và đơn giản hóa thủ tục cấp phép kinh doanh cho nhà đầu tư, tạo điều kiện và hạ lãi suất cho vay, chiết khấu thuế điện lực và giảm giá nhiên liệu. Kinh tế Indonesia đã tăng trưởng ở mức thấp nhấp trong 6 năm qua khi tăng trưởng trong quý I và quý II năm nay lần lượt là 4,71% và 4,67%.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Phục hồi có ổn định?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO