Phục hồi bền vững du lịch trong điều kiện bình thường mới

- Thứ Tư, 01/12/2021, 06:47 - Chia sẻ
Ngày 30.11, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Diễn đàn du lịch toàn quốc “Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam” theo hình thức trực tuyến tại 26 điểm cầu, nhằm tìm kiếm giải pháp từng bước phục hồi ngành du lịch một cách bền vững trong bối cảnh bình thường mới, triển khai hiệu quả Nghị quyết 128 của Chính phủ Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Diễn đàn du lịch toàn quốc “Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam” theo hình thức trực tuyến

Cần cơ chế, chính sách phù hợp

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi toàn diện cấu trúc xã hội, sự thay đổi đó mang tính lâu dài, đưa hoạt động của toàn xã hội sang một trạng thái mới. “Đối với ngành du lịch, trạng thái bình thường mới được xác định với nhiều yếu tố mà ngành Du lịch phải thích ứng, làm quen thì mới có thể phục hồi và phát triển. Theo đó, các địa phương, doanh nghiệp cần đổi mới kinh doanh du lịch, thay đổi từ khâu xây dựng sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực, quản lý, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp”.

Đánh giá du lịch Việt Nam sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho biết, dịch Covid-19 đã khiến ngành Du lịch trải qua cuộc khủng hoảng chưa từng có. Để phục hồi du lịch, cần có cơ chế, chính sách phù hợp và chiến lược thích ứng linh hoạt.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, Chi hội trưởng Chi hội Tàu du lịch Hạ Long Đào Mạnh Lượng chia sẻ, đơn vị sở hữu hơn 500 tàu du lịch, 6.000 lao động, nhưng sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch nên gần như “đóng băng”. Ông đề xuất cần có thêm chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp tồn tại và đứng vững trong đại dịch. Chủ tịch Tập đoàn Vietravel Holdings Nguyễn Quốc Kỳ kiến nghị, với việc đón khách quốc tế, ngoài thí điểm đón ở một số thị trường, Tổng cục Du lịch cần hướng tới việc liên kết với các nước trong khu vực để tạo nguồn khách quốc tế phong phú và an toàn.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại Diễn đàn

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, cần tăng cường chuyển đổi số trong ngành du lịch, đặc biệt ở các lĩnh vực: kinh doanh dịch vụ lữ hành, quản lý và kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch, xúc tiến điểm đến. Các doanh nghiệp cũng có kế hoạch chủ động điều chỉnh sản phẩm để đáp ứng nhu cầu du khách trong bối cảnh mới. Phát huy vai trò của các liên minh, liên kết giữa các điểm đến, doanh nghiệp, hàng không, khách sạn... nhằm xây dựng các chương trình, gói sản phẩm, mô hình du lịch tại các địa điểm tương đối biệt lập, sử dụng dịch vụ khép kín.

Xây dựng sản phẩm an toàn, linh hoạt

Tại diễn đàn, các đại biểu cũng thống nhất các phương án xây dựng những sản phẩm du lịch phù hợp với diễn biến dịch, trên tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát an toàn với dịch Covid-19.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho rằng, việc xây dựng sản phẩm cần tính toán theo hướng mở, thuận lợi xử lý, điều chỉnh linh hoạt, đưa thêm những điều kiện thay đổi cho khách hàng. Sản phẩm được cá biệt hóa tới từng đối tượng khách hàng để tạo cảm giác yên tâm cho khách...

“Tuân thủ quy định, bảo đảm sự yên tâm cho du khách theo tôi là điều quan trọng nhất. Vì yếu tố an toàn, có thể sự thoải mái của du khách sẽ bị ảnh hưởng một phần; nhiều mong muốn, nhu cầu của du khách phải tiết chế lại, sức sáng tạo trong xây dựng và cung ứng dịch vụ sẽ bị hạn chế nhưng đó là điều phải chấp nhận trong giai đoạn hiện nay”, ông Hoan cho biết thêm.

Các doanh nghiệp kiến nghị xây dựng sản phẩm bền vững, an toàn

Cùng mối quan tâm, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, các đơn vị cần tập trung xây dựng các sản phẩm bảo đảm an toàn trong dịch bệnh nhưng vẫn đủ độ hấp dẫn. Lúc này, sản phẩm du lịch cần hướng đến yếu tố bền vững, trong đó có một số loại hình sẽ lên ngôi như: Du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch miền núi… Ngoài ra, du khách sẽ có xu hướng trải nghiệm du lịch “không chạm”, hạn chế tiếp xúc.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng nhấn mạnh mô hình liên kết, cạnh tranh giữa các đơn vị để chia sẻ nguồn tài nguyên du lịch. Ở khu vực miền Trung hiện nay đã xây dựng sản phẩm chung giữa Đà Nẵng - Huế - Quảng Nam, hình thành nên con đường di sản, sản phẩm du lịch biển… tăng sức hấp dẫn cho du khách.

Tại diễn đàn, bên cạnh việc đề xuất thêm cơ chế phù hợp, các hướng đi xây dựng sản phẩm du lịch bền vững, làm mới sản phẩm cũ, các đại biểu cũng bàn nhiều giải pháp phục hồi khác như: Đưa ứng dụng công nghệ vào phát triển du lịch; phát triển thêm sản phẩm du lịch tiềm năng (du lịch MICE - du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo - du lịch golf, du lịch ẩm thực…).

Hồng Hà