Phú Thọ với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

11/07/2007 00:00

Thời gian qua, mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh Phú Thọ phát triển khá mạnh. Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ lao động của tỉnh còn thấp; Quy mô, cơ cấu đào tạo chưa hợp lý, chưa đào tạo được cán bộ kỹ thuật cao, nhất là đội ngũ công nhân lành nghề. Nội dung, chương trình đào tạo chậm đổi mới; Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.

      Để khắc phục tình trạng trên, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết xác định mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Theo đó, số lao động cần đào tạo trong giai đoạn 2006 – 2010 là 189.150 người, trong đó lao động có trình độ đại học và trên đại học là 19.500 người, cao đẳng là 17.150 người; Nâng cao số lượng lao động có tay nghề và bảo đảm thường xuyên có 14.000 đến 15.000 lao động làm việc ở nước ngoài. 
      Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kế hoạch của tỉnh Phú Thọ là tập trung phát triển quy mô và mạng lưới đào tạo, đồng thời, đẩy mạnh kết hợp giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học, liên thông đào tạo và sử dụng lao động. Phấn đấu đến năm 2015, Phú Thọ sẽ có 5 trường đại học, 7 trường cao đẳng, 11 trường trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp và các trung tâm dạy nghề công lập, tư thục; Tổ chức quy hoạch và đẩy nhanh các thủ tục để thành lập một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 –2015; Đồng thời nâng cấp mở rộng Trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh thành Trung tâm giới thiệu việc làm của vùng, phấn đấu đến năm 2010, tất cả các huyện, thị đều có Trung tâm dạy nghề. 
      Tỉnh Phú Thọ sẽ hình thành hệ thống đào tạo kép giữa cơ sở đào tạo và cơ sở sản xuất kinh doanh, Viện Nghiên cứu, Trung tâm thực nghiệm và gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với ứng dụng vào sản xuất, hình thành mối quan hệ liên thông giữa cơ quan nghiên cứu, thực nghiệm và các doanh nghiệp. Từ đó, tạo điều kiện để địa phương tiếp thu có chọn lọc chương trình dạy nghề của các nước tiên tiến. Nội dung chương trình dạy nghề cũng sẽ được đổi mới phù hợp với điều kiện thực tế. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo tin học, ngoại ngữ trong các trường học và tổ chức dạy nghề cho người lao động ở nông thôn được tăng cường, nhất là ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
      Phú Thọ cũng quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng cán bộ công chức , đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục – đào tạo và dạy nghề. Đồng thời, thực hiện tốt việc xã hội hóa và mở rộng hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực, xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao và chuyển một số trường công lập sang tư thục theo lộ trình của Chính phủ. Cơ chế quản lý được đổi mới theo hướng tăng cường phân cấp mạnh cho các cơ sở đào tạo, tăng cường kiểm tra, kiểm định chống gian lận trong thi cử. Cùng với các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, tỉnh sẽ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài thành lập cơ sở đào tạo 100% vốn nước ngoài. Các chế độ, chính sách sẽ được điều chỉnh, bổ sung và ban hành mới để thu hút nhân tài về làm việc tại tỉnh, như hỗ trợ lương cho cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ giáo sư, thạc sỹ, tiến sỹ, chuyên gia đầu ngành và thợ bậc cao; Nâng cao chất lượng đào tạo các trường đại học và trường dạy nghề của tỉnh để đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật và công nhân kỹ thuật lành nghề, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, cán bộ quản lý giỏi được chú trọng, phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 40%; Huy động đa dạng các nguồn nhân lực để tăng nhanh nguồn vốn đầu tư cho đào tạo và thành lập Quỹ hỗ trợ dạy nghề theo quy định của Luật Dạy nghề.
      Với sự cố gắng của các cấp, các ngành và các giải pháp đồng bộ trên, bài toán về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh sẽ có lời giải, từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Phùng Chí Quyền

    Nổi bật
        Mới nhất
        Phú Thọ với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO