Từ Tân Sơn...
Tân Sơn đã ra khỏi danh sách huyện nghèo (30a) từ năm 2018, vượt trước 2 năm so với kế hoạch. Từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện tiếp tục giảm sâu, bình quân mỗi năm giảm 1,7%; riêng tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm 3%. Kết quả này là minh chứng sống động cho sự thống nhất cao trong Đảng, chính quyền và Nhân dân toàn huyện: một lòng, một hướng quyết tâm vươn lên, xây dựng cuộc sống đàng hoàng hơn!
Một trong những điển hình của sự quyết tâm thoát khỏi đói nghèo là gia đình anh Trần Minh Diện ở khu Liên Minh, xã Thu Ngạc, từng là hộ nghèo nhất, nhì trong xã. Sau khi được chính quyền, khu dân cư động viên, khuyến khích, hướng dẫn tham gia các lớp học về kỹ thuật chăn nuôi, trồng rừng và được vay vốn tín dụng ưu đãi theo chương trình hộ nghèo, giải quyết việc làm của NHCSXH; gia đình anh Minh có thêm động lực đầu tư phát triển kinh tế đồi rừng kết hợp chăn nuôi. Chăm chỉ làm ăn, tích cóp, đến năm 2022, gia đình anh đã thoát nghèo, trở thành hộ khá, xây được nhà kiên cố, các con được đi học đầy đủ.
Trong căn nhà 2 tầng rộng hơn 100m2 vừa được hoàn thành, ông Đinh Văn Nghi, dân tộc Mường ở khu Mân Gạo, xã Vĩnh Tân tâm sự, nhà ông trước đây là một trong 130 hộ nghèo của xã. Cả nhà 6 người thuộc 3 thế hệ cùng chung sống trong căn nhà lợp lá. "Nghèo đến không thể nghèo hơn" - ông Đinh Văn Nghi nhớ lại.
6 năm trước, nhờ chính sách vay vốn ưu đãi hỗ trợ lao động huyện nghèo đi xuất khẩu lao động, cô con gái Đinh Thị Oanh đi xuất khẩu tại Đài Loan (Trung Quốc). Sau hơn 3 năm, chị Oanh đã gửi về gần 400 triệu đồng giúp gia đình xây được ngôi nhà kiên cố, trả hết nợ vay cho ngân hàng và đầu tư trồng 3,6ha chè sạch. "Có được ngày hôm nay cũng nhờ những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, NHCSXH đối với những người dân nghèo như chúng tôi" - ông Nghi khẳng định.
Ở Tân Sơn hay bất cứ đâu trên đất Tổ linh thiêng, câu chuyện về những tấm gương thoát nghèo, sử dụng vốn tín dụng chính sách hiệu quả nhiều không kể hết. Như gia đình anh Nguyễn Văn Trường ở thôn Mịn 2, xã Mỹ Thuận là một ví dụ. Chỉ với 40 triệu đồng vốn vay ưu đãi, anh đã mở rộng diện tích nhà xưởng, trang bị hệ thống sao chè, thay thế những bom cũ cùng máy vò, máy sấy công nghệ mới...
Hiện, mỗi ngày xưởng chè của anh tiêu thụ khoảng 5 tạ chè búp tươi, giải quyết việc làm cho 8 lao động địa phương với mức thu nhập 5,6 triệu đồng/tháng, trừ chi phí mỗi tháng còn thu lãi khoảng 20 triệu đồng.
"Nếu không có 40 triệu đồng vốn mồi của NHCSXH, không có sự khích lệ, động viên của cấp ủy, chính quyền và bà con, chắc tôi không có cơ hội đổi đời như hôm nay" - anh Trường quả quyết.
... Nhìn ra toàn tỉnh
Thực tế, nhiều năm qua cho thấy, không chỉ ở các huyện đặc biệt khó khăn như Tân Sơn, công tác giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội ở Phú Thọ cũng đạt được rất nhiều kết quả tích cực, toàn diện. Đó là sự đồng lòng, thống nhất của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong tập trung triển khai nhiều chương trình, dự án sinh kế, phát triển các mô hình kinh tế, tạo động lực giúp nông thôn, nông dân khởi sắc. Đến tháng 11.2024, toàn tỉnh giảm 0,6% hộ nghèo, 0,3% hộ cận nghèo.
Theo đánh giá của đại diện UBND tỉnh Phú Thọ, thành tích này, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của Nhân dân, thì không thể không kể đến những đóng góp tích cực, hiệu quả của NHCSXH trong việc thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Liên tục 22 năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, lãnh đạo địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể cùng tinh thần nỗ lực vượt khó của NHCSXH, dòng vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước luôn chảy đều đặn về khắp địa bàn, đến từng bản làng, hỗ trợ kịp thời các hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc khó khăn phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Thọ Trương Việt Phương cho biết, "trên miền đất này, khó khăn trước vừa qua, thử thách khác ập đến, nhưng chúng tôi không nản chí mà nhắc nhở, động viên nhau, quyết tâm tập trung mọi nguồn lực, hỗ trợ người dân sử dụng vốn hiệu quả, thoát nghèo bền vững".
Nhờ đó, NHCSXH tỉnh Phú Thọ đã tập trung huy động nguồn vốn từ nhiều kênh, nhiều đối tượng, nhiều hình thức, đến 31.10.2024, tổng nguồn vốn của NHCSXH Phú Thọ đạt 6.379 tỷ đồng, tăng 354 tỷ đồng so với cả năm 2023.
Sau 22 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, đặc biệt qua 10 năm đưa Chỉ thị 40/CT-TW của Ban Bí thư vào cuộc sống ở Phú Thọ đã tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH tăng vốn hoạt động từ 2.913 tỷ đồng năm 2014 lên 6.379 tỷ đồng năm 2024 (bình quân mỗi năm tăng 11,3%); nâng số chương trình tín dụng ưu đãi từ con số 4 ít ỏi lên 20 chương trình; tổng dư nợ đạt 6.371 tỷ đồng, với 113.516 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, hoàn thành trên 99% kế hoạch tăng trưởng năm.
Dòng vốn tín dụng chính sách được khơi thông, đến tận tay 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, có đủ điều kiện thụ hưởng. Nguồn vốn đã tạo việc làm cho 2.422 người; 68 đối tượng chính sách được mua nhà ở xã hội/xây sửa nhà để ở; 84 người lao động đi làm việc ở nước ngoài; 530 học sinh, sinh viên vay vốn đi học; 112 hộ gia đình có người chấp hành xong án phạt tù vay vốn để tái hòa nhập cộng đồng; có 31.390 công trình cấp nước sạch và vệ sinh hộ gia đình nông thôn được xây mới, sửa chữa, nâng cấp; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo đảm an sinh xã hội.