XEM - NGHE - ĐỌC

Phú Quang - Một tình yêu Hà Nội

- Chủ Nhật, 11/10/2020, 08:28 - Chia sẻ
Giải thưởng Bùi Xuân Phái - "Vì tình yêu Hà Nội" năm nay vừa xướng tên một trường hợp đặc biệt ở hạng mục Giải thưởng Lớn, khi người được chọn đang trong cơn thập tử nhất sinh trên giường bệnh: Nhạc sĩ Phú Quang - tác giả của nhiều ca khúc hay về Hà Nội...

"Nhạc Phú Quang, nếu nói bài hát nào khiến tôi tiếc nhất thì có lẽ là Phía tối tâm hồn tôi, nó mở ra với những suy tưởng lắng đọng từ lời thơ và giai điệu mang nét tự sự của “Phía tối tâm hồn tôi chìm đắm bao con đò xưa/ Phía tối trên dòng sông, chàng Trương chi gác nhịp chèo..." thì đoạn hai không đẩy xa hơn được cảm xúc, nó mau chóng chấm dứt đến hẫng hụt..."

Điểm lại lịch sử ca từ những bài hát về Hà Nội suốt 80 năm qua thì điều đáng chú ý là chúng có số lượng áp đảo của những bài hát kể về chia ly và hoài niệm, kể cả những bài hát đẫm chất sử thi thời chiến tranh vẫn man mác điều đó. Điều ấy có một cơ sở thực tế từ những biến đổi thời cuộc suốt mấy chục năm chiến tranh. Phú Quang thừa kế truyền thống ấy, không chỉ vì ông ở xa Hà Nội mới hoài niệm mà ngay các nhạc sĩ chẳng đi đâu xa vẫn sử dụng thi pháp hồi tưởng. Tôi còn nhớ là cho đến tận lúc những bài hát như Em ơi Hà Nội phố của Phú Quang phổ thơ Phan Vũ được trình làng, người ta vẫn còn đang hưng phấn với Nhớ về Hà Nội của Hoàng Hiệp với “ôi nhớ thủ đô năm ấy, ta đánh giặc trên mâm pháo” qua tiếng hát Hồng Nhung. Nỗi nhớ “những tháng năm xa” có thể coi như một cái mã nhận diện cách nhìn Hà Nội trong ca từ về mảnh đất này.

Phải nói rằng Phú Quang ở vị thế tha hương nên ngoài nỗi hoài niệm trực tiếp còn có sự cộng hưởng của những nỗi nhớ đã định hình thành khuôn mẫu trên. Thêm nữa, khi tha hương thì người ta có xu hướng ngoái lại nơi chốn cũ qua một tấm kính lọc thường có tác dụng xoa dịu những nhọc nhằn thực tại. Đến lượt những bài hát mang góc nhìn này lại giống như đôi kính màu đeo lên mắt những người đang sống ngay tại Hà Nội.

Tôi chắc rằng một người ở Sài Gòn, miền xa hay hải ngoại nghe nhạc Phú Quang nhanh chóng hình dung ra Hà Nội (tất nhiên đã qua một lăng kính chủ quan) hơn là so với những “Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ đắt nhất tình người thôi” của Trần Tiến.

Có lời trêu rằng: Nhạc Phú Quang rất giỏi “ăn dỗ”… phụ nữ luống tuổi vì đáp ứng được tâm lý ưa hoài niệm (tuổi trẻ đã qua hay những cuộc tình đã mất) thường có ở đối tượng này. Quả thật, một phần lớn ca từ Phú Quang chọn lựa từ những bài thơ kể về những cuộc chia ly trong tình yêu. Chia ly nơi chốn cũng đồng thời chia ly người tình. Người ra đi hay vai phát ngôn của Phú Quang trừ đôi lần là vai nữ như trong Im lặng đêm Hà Nội (thơ Phạm Thị Ngọc Liên), còn thì đa phần đã được chuyển hóa thành trung tính như Nỗi nhớ mùa đông (thơ Thảo Phương) hoặc đều là vai phát ngôn của người đàn ông. Trong đấy, người nữ được hiện lên mang màu sắc tình yêu thuần khiết (platonic), lãng đãng, kín đáo, và thường là từng trải. Ở ca từ Phú Quang, trừ một vài bài hát thời kỳ đầu như Rock buồn hay Giọt nước mắt đầu tiên, không có chỗ cho những mối tình bồng bột và không có những thiếu nữ nhí nhảnh “cô bé dỗi hờn” chẳng hạn. Sự đằm sâu suy tư kết hợp với giai điệu lãng đãng ở quãng âm trung đặc trưng khiến cho các bài hát của Phú Quang khuôn hình ảnh người nữ đồng điệu với tác giả ở độ tuổi “chơi vơi chẳng nhận ra mình” (Sinh nhật đen).

Trong khi nhiều nhạc sĩ tên tuổi chật vật để làm được một đêm nhạc tác giả thì trong nhiều năm liền, Phú Quang là nhạc sĩ hiếm hoi trung bình mỗi năm làm dc 2 show bán vé tốt, cả đĩa in bản đẹp. Ông quả thật có biệt tài "tiếp thị mình" một cách chuyên nghiệp trước đại chúng với khả năng diễn đạt hấp dẫn cái tôi của mình. Trần Tiến cũng có sự quyến rũ đặc biệt, song đề tài của ông mang tính chất vấn và thách thức hơn, người nghe lại quen với những bài hát mang chủ đề truyền thống có màu sắc tuyên truyền của ông từ trước, vì thế tính giải trí thường bị nhẹ ký hơn so với những bài hát bàng bạc hoài niệm dễ chịu của Phú Quang.

Nguyễn Trương Quý*

__________
* Tác giả của nhiều đầu sách và công trình khảo cứu về Hà Nội: Tự nhiên như người Hà Nội, Ăn phở rất khó thấy ngon, Hà Nội là Hà Nội, Xe máy tiếu ngạo, Dưới cột đèn rót một ấm trà, Còn ai hát về Hà Nội, Mỗi góc phố một người đang sống, Một thời Hà Nội hát (Giải thưởng BXP - Vì tình yêu HN hạng mục tác phẩm năm 2019), “Hà Nội bảo thế là thường”...

Nguyễn Trương Quý