Gần 500 giải pháp, sáng kiến được áp dụng
Hiện nay, lao động nữ trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có 20.661 người, chiếm tỷ lệ 20,62% tổng số cán bộ công nhân viên, người lao động. Lao động nữ có mặt ở hầu khắp các lĩnh vực từ sản xuất, truyền tải, kinh doanh phân phối điện, tư vấn thiết kế, cơ khí… Trong đó, số lao động nữ thuộc lĩnh vực kinh doanh phân phối điện chiếm tỷ lệ 70% tổng số lao động nữ.
Theo Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam Đỗ Đức Hùng, giai đoạn 2019 - 2024, được sự quan tâm chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chỉ đạo của chuyên môn, Công đoàn và Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ EVN, phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" trong nữ cán bộ công nhân viên EVN đã góp phần thiết thực vào hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch của Tập đoàn và các đơn vị trong giai đoạn khó khăn vừa qua. Đồng thời, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Trong 5 năm, đã có 5.429 lượt nữ cán bộ, công nhân viên đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở, trên 2.071 người được nhận Bằng khen, Giấy khen của Tập đoàn và các đơn vị; có 21 nữ cán bộ, công nhân viên được tặng Huân chương Lao động...
Nữ công nhân viên chức lao động ngày càng khẳng định được vị trí năng lực của mình trong cơ quan đơn vị. Nhiều chị đã trưởng thành đi lên từ phong trào nữ công nhân viên chức lao động được lãnh đạo các cấp tin tưởng đề bạt vào các vị trí lãnh đạo quản lý như: chị Đỗ Nguyệt Ánh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực miền Bắc; chị Đỗ Thị Xuân Chi - Thành viên HĐTV Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh; chị Nguyễn Thị Hải Yến - Thành viên HĐTV Tổng công ty Phát điện 3; chị Lưu Thị Thanh Thủy - Kế toán trưởng Tổng công ty Điện lực miền Bắc; chị Lã Thị Thu Yến - Phó Tổng giám đốc EVNHANOI; chị Lê Thị Phương Cẩm - Thành viên HĐTV Tổng công ty Điện lực miền Trung.
Tại Cuộc thi "Phụ nữ EVN sáng tạo" (được tổ chức 2 năm/lần) trong 5 năm qua, đã có gần 500 giải pháp, sáng kiến của chị em thông qua chương trình này được áp dụng vào sản xuất kinh doanh của đơn vị, đem lại lợi ích hàng nghìn tỷ đồng. Hầu hết các sáng kiến đều được thực hiện bởi nhóm các tác giả nữ, cho thấy sự sáng tạo, tinh thần đồng đội và sự phối hợp "ăn ý" của phụ nữ EVN tại nhiều đơn vị.
Nhiều sáng kiến được xây dựng công phu trên nền tảng công nghệ cao, đòi hỏi tác giả phải dày công đầu tư trí tuệ và thời gian để hoàn thiện sản phẩm, góp phần hiện đại hóa công tác quản trị, vận hành hệ thống điện, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động. Có thể kể đến giải pháp "Xây dựng hệ thống gửi thông báo tập trung đến khách hàng" của các tác giả Phạm Ngọc Trà My, Lê Thị Phi Hoàng thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung; sáng kiến "Xây dựng chương trình phần mềm tính toán, hỗ trợ công tác cân đảo pha lưới điện 400V giảm tổn thất điện năng, chống quá tải máy biến áp phân phối" của chị Nguyễn Thị Thu Minh, Nguyễn Thị Hiền Lương, Trịnh Thị Thu Hiền thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc; phần mềm Quản lý đối tác quốc tế của các chị Bùi Trà Nhã Trúc, Lê Thị Luyến, Lê Trọng Thiên Hương, Lê Mai Phương, Nguyễn Bích Trâm thuộc Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh... Trong lĩnh vực môi trường, nhiều chị đã có những sáng kiến để "giảm thiểu bụi thải xỉ" - Nhiệt điện Vĩnh Tân hay "Vườn nuôi chim tự nhiên" - Nhiệt điện Phả Lại...
Ngoài ra, Chương trình "10 nghìn sáng kiến" được Công đoàn cùng EVN phát động từ ngày 14.2.2022 đến ngày 31.8.2023 đã có 12.931 sáng kiến, đạt tỷ lệ 129% đoàn viên, người lao động tham gia; trong số đó, có hàng trăm sáng kiến của lao động nữ tại các đơn vị. Nổi bật đó là sáng kiến "Xây dựng phần mềm Quản lý lưới điện hạ thế bảo đảm vận hành lưới điện ổn định và giảm tổn thất điện năng" của chị Nguyễn Thị Thúy - Chuyên viên phòng Kiểm tra giám sát mua bán điện, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng, Tổng công ty Điện lực miền Bắc có giá trị làm lợi tới 10 tỷ đồng…
Tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc
Đánh giá phong trào "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" giai đoạn 2019 - 2024, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Công đoàn Điện lực Việt Nam đã triển khai phong trào thi đua một cách bài bản; từ đó tạo ra một môi trường làm việc và sống lành mạnh, nơi mà nữ công nhân viên chức lao động có thể phát triển bản thân, vừa hoàn thành tốt công việc, vừa chăm sóc gia đình và đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng chúc mừng và biểu dương những đóng góp trong thời gian qua của 75 cán bộ nữ công đoàn tiểu biểu, 23 tập thể, 50 nữ công nhân viên chức lao động tiêu biểu của phong trào "2 giỏi" được tuyên dương tại hội nghị lần này. Đồng thời mong muốn, các cấp công đoàn tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Ban Nữ công công đoàn, lồng ghép hoạt động nữ công với hoạt động nữ công công đoàn, sâu sát cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động; chính sách đối với lao động nữ, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng phát triển.
Trong thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm của phong trào "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" trong các cấp công đoàn trực thuộc Công đoàn Điện lực Việt Nam là: nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới; xây dựng đội ngũ nữ công nhân viên chức lao động ngành điện có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu; tăng cường vai trò đại diện của Công đoàn nhằm bảo vệ chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ công nhân viên chức lao động; xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Nữ công công đoàn các cấp góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh; xây dựng gia đình nữ công nhân viên chức lao động no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Bên cạnh đó, Công đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới mới phương thức hoạt động của công tác nữ công, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ với trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin; tham gia và phát động các phong trào thi đua "Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới" gắn với chủ đề "Phụ nữ EVN tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc".