Phu nhân Chủ tịch Quốc hội thăm, tặng quà Làng Việt Nam tại Morocco
Sáng 26/7, giờ địa phương, tại thành phố Kenitra, nhân chuyến thăm chính thức Morocco của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phu nhân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh Nga đã tới thăm, tặng quà và giao lưu với bà con cộng đồng người Việt tại Làng Việt Nam - một biểu tượng sinh động của tình hữu nghị Việt Nam - Morocco.
Làng Việt Nam tại Morocco là nơi sinh sống của cộng đồng người gốc Việt đã gắn bó với đất nước này hơn nửa thế kỷ. Đây là nơi ở của 7 trong số gần 80 gia đình có chồng là cựu binh người Morocco theo Việt Minh chống Pháp trước đây. Các cựu binh này có vợ Việt Nam, hồi hương về nước năm 1972 theo thỏa thuận của hai Chính phủ và được Vua Hassan II cấp đất đai để làm ăn, sinh sống.

Tại đây, Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga cùng các đại biểu đã đi thăm nơi ở của một số hộ dân, gặp gỡ, trò chuyện thân tình tới bà con; tham quan Cổng Việt Nam. Cùng với Cổng Việt Nam tại đây, Cổng Morocco tại Ba Vì (Hà Nội) được xây dựng từ năm 1963, trở thành biểu tượng của tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Morocco.

Vui mừng chào đón Phu nhân và Đoàn đại biểu, bà con tại đây xúc động cảm ơn Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga và Đoàn công tác; nhấn mạnh sự hiện diện của Phu nhân cùng Đoàn đại biểu là niềm vinh dự to lớn, mang lại sự ấm áp, sự quan tâm sâu sắc đối với những người dân xa xứ.

Trong không khí đầm ấm, chân tình, bà con đã chia sẻ những câu chuyện đầy xúc động về cuộc sống tại Morocco, về nỗi nhớ quê hương da diết, cùng những nỗ lực không ngừng nghỉ để gìn giữ tiếng mẹ đẻ, duy trì các phong tục tập quán truyền thống như tổ chức Tết Nguyên đán, gói bánh chưng, thờ cúng tổ tiên, và truyền dạy văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên tại Morocco.


Bên cạnh đó, bà con cũng đề xuất một số kiến nghị nhằm tăng cường hơn nữa sự kết nối với trong nước, cải thiện điều kiện sống hằng ngày ở sở tại.

Trong câu chuyện thân tình với bà con, Phu nhân Chủ tịch Quốc hội bày tỏ sự xúc động sâu sắc khi ngôi làng vẫn giữ những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam và là nơi trở về của các thế hệ con cháu người Việt Nam tại Morocco.

Những câu chuyện được các cụ bà người Việt chia sẻ về việc gìn giữ tiếng mẹ đẻ, tổ chức Tết cổ truyền, gói bánh chưng, nấu xôi luộc gà thờ cúng tổ tiên, trồng những giống cây hoa quả Việt Nam như chuối, nho, chanh, xoài… cũng đã khẳng định tinh thần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc một cách bền bỉ.

Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga bày tỏ xúc động khi được tận mắt chứng kiến hình ảnh chiếc cổng làng mang đậm dấu ấn Việt Nam với đôi câu đối đầy ý nghĩa: “Ơn quê cha Morocco, quyết phấn đấu vươn lên thành đạt; Nhớ Việt Nam đất mẹ, nguyện xây tình hữu nghị thủy chung”. Công trình đậm nét văn hóa Việt Nam không chỉ là dấu ấn của tình hữu nghị, mà là mạch nguồn để các thế hệ mai sau luôn nhớ về cội nguồn Việt Nam, trân quý ký ức chung của hai dân tộc và cùng đóng góp cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước.

Trong câu chuyện thân tình, Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga bày tỏ, Đảng và Nhà nước ta luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam, là nguồn lực quan trọng góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quê hương luôn rộng mở vòng tay đón chào bà con trở về thăm, làm việc, đầu tư và định cư; mong bà con tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, xây dựng cộng đồng ngày càng vững mạnh.


Nhân dịp này, Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga đã trao tặng những phần quà lưu niệm từ quê nhà, như một nhịp cầu kết nối tinh thần giữa đất mẹ và cộng đồng xa xứ; mong bà con cùng gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công, tiếp tục vun đắp tình hữu nghị tốt đẹp Việt Nam-Morocco.