Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025

Phù hợp với đặc điểm, thế mạnh từng vùng

- Thứ Hai, 16/08/2021, 06:13 - Chia sẻ
Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã nhấn mạnh nguyên tắc phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt của các dân tộc, các vùng miền. Cùng với đó, theo các đại biểu Quốc hội, chỉ khi người lãnh đạo hiểu được địa phương mình, hiểu được vùng đất của mình cần gì mới giảm nghèo một cách lâu dài, bền vững...

Đa dạng hóa sinh kế

Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu tổng quát thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

		Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo nhận định của nhiều đại biểu Quốc hội, việc thông qua Nghị quyết là rất đúng, trúng trong bối cảnh hiện nay để thực hiện liên tục việc hỗ trợ cho người nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (TP. Hà Nội) cho biết thêm, Nghị quyết một lần nữa nhấn mạnh chủ trương của Đảng, Nhà nước ta, đó là hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Hơn nữa, các dân tộc phải bình đẳng, tôn trọng cùng phát triển. Tại sao dân tộc thiểu số lại có tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 3,5 lần, cho nên cần tiếp tục giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2021 - 2025. Để triển khai thực hiện, Nghị quyết cũng giao Thủ tướng Chính phủ rà soát, điều chỉnh, sắp xếp các dự án, tiểu dự án theo hướng bảo đảm sự liên kết, phù hợp với mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình. Nhấn mạnh vấn đề này, đại biểu Trương Xuân Cừ cho biết, dù Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã đưa các dự án thành phần rất khoa học, bài bản, tuy nhiên, nếu công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện không bảo đảm thì hiệu quả xóa đói, giảm nghèo sẽ thấp.

Cũng theo đại biểu Trương Xuân Cừ, có tình trạng lãnh đạo xã rất thích cơ sở hạ tầng, có những xã đặc biệt khó khăn, năm nào tỉnh cũng bỏ ngân sách hỗ trợ làm đường, "tất nhiên làm đường bao nhiêu thuận lợi bấy nhiêu", nhưng còn hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ kế sinh nhai thì “bí lắm” - bí từ động lực đến các điều kiện thiết yếu khác. Nhiều tỉnh chi ngân sách 100 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng nông nghiệp chất lượng cao, nhưng các mô hình hầu như không tiêu được, ấy vậy làm đường sá "nghìn tỷ" là xong ngay.

Do vậy, giai đoạn 2021 - 2025 rất cần ưu tiên, chú trọng dự án về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo cho người dân. Ví dụ như tại xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, Lai Châu trong năm 2016, có đến 90% dân số là nghèo, kinh tế không phát triển được. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng ở các tỉnh miền núi, các xã, liên xã hiện đã tốt, thậm chí có cả liên bản, hầu như nhà nào cũng có ít nhất một xe máy, nhưng kinh tế lại đang đi xuống, đất canh tác ngày một bạc màu, diện tích ngày càng kém đi. Chỉ ra thực tế này, đại biểu Trương Xuân Cừ đề nghị, Chính phủ cần xác định rõ đâu là dự án trọng tâm để tập trung nguồn lực.

Xây dựng bản đồ số quốc gia về hộ nghèo

Cũng theo Nghị quyết, giai đoạn 2021 - 2025, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tối thiểu là 75.000 tỷ đồng, riêng huy động hợp pháp khác là 14.310 tỷ đồng. Chính phủ phải có giải pháp huy động các nguồn lực hợp pháp khác để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình. Ở góc độ Mặt trận Tổ quốc, cơ quan phối hợp với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong vận động, phát huy nguồn lực xã hội, đại biểu Quốc hội Võ Thị Minh Sinh (Nghệ An) đề nghị, Chính phủ cần làm rõ cơ chế phối hợp, hỗ trợ để tương tác với nhau trong kêu gọi nguồn lực, cũng như phân bổ nguồn vốn này.

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh nêu quan điểm, Chính phủ phải phối hợp với Mặt trận trong việc xây dựng, phân tích cơ sở dữ liệu hộ nghèo theo các đối tượng vùng miền (đối tượng chính sách, người có công, dân tộc thiểu số, tôn giáo, cơ cấu về giới, độ tuổi, trình độ...), từ đó phân tích và xây dựng các tiêu chí hỗ trợ, phân nhóm xác định được nhu cầu của hộ nghèo như thế nào. Theo đại biểu Võ Thị Minh Sinh, “chúng ta đang ấn định hộ nghèo phải làm như thế này, phải làm như thế kia, nhưng cần có cuộc khảo sát xã hội các hộ nghèo muốn gì. Họ muốn nhà ở, việc làm hay tăng thu nhập, để qua đó, có một bản đồ số quốc gia vừa kêu gọi, vận động các nguồn lực của xã hội, vừa để thực hiện việc lồng ghép và tính toán theo từng lộ trình trong việc đầu tư các nguồn vốn. Đồng thời, công khai đối tượng, các nội dung kêu gọi và thực hiện công tác giám sát trong triển khai thực hiện các nội dung chương trình này”.

Đối với giảm nghèo bền vững, có ý kiến cho rằng, Chính phủ và các địa phương đang làm tốt việc trao "cần câu" cho người nghèo. Song tư duy “đi câu” cần quan tâm nhiều hơn nữa, vì nhiều khi trao "cần câu” nhưng người nghèo không muốn làm. Do đó, trong công tác đào tạo nghề phải gắn với địa chỉ cụ thể. Kêu gọi các dự án đầu tư nước ngoài, trong nước và các tỉnh, thành khác xây dựng nội dung đào tạo nghề gắn với sinh kế. Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Trần Phượng Trân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, khi hỗ trợ người nghèo ở đâu, thì cần hiểu được mục tiêu, định hướng phát triển lâu dài của địa phương đó, để xét xem nên hướng đến nội dung gì, bảo đảm có sự thống nhất trong triển khai thực hiện. Trong đào tạo nghề cần xác định đầu tư dài hạn để người nghèo ở lại được địa phương, phát triển kinh tế địa phương. Nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, chúng ta đang chứng kiến hàng dài người lao động mất việc làm tại thành phố lớn phải tìm cách trở về quê hương. 

Quá trình triển khai thực hiện, theo đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân, người lãnh đạo hiểu được địa phương mình, vùng đất của mình cần gì thì mới giảm nghèo một cách lâu dài, bền vững. Đúng như Nghị quyết của Quốc hội đã chỉ ra, đó là phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh.

Anh Thảo